Thách thức nào cho lãnh đạo mới ở Trung Quốc?

Thế giớiChủ Nhật, 03/03/2013 09:03:00 +07:00

Hai kỳ họp của Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc, khai mạc hôm nay và của Quốc hội vào ngày 5-3, đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

Bởi lẽ hai kỳ họp này sẽ công bố các vị trí lãnh đạo Trung Quốc cũng như bàn về những thách thức mới mà Bắc Kinh sẽ đối mặt.

Báo chí Trung Quốc và giới chuyên gia nước ngoài cho rằng Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức mới trong chính sách ngoại giao cũng như chuyện cải cách kinh tế mà thế hệ lãnh đạo mới của nước này phải giải quyết.

Ông David Fouquet, giáo sư Viện Nghiên cứu châu Á ở Brussels (Bỉ), cho rằng việc cải thiện chính sách đối ngoại với các nước lân bang là một trong nhiều thách thức mới xuất hiện trong nhiệm kỳ của dàn lãnh đạo mới.

“Trước tiên Bắc Kinh sẽ tập trung tái đảm bảo mối quan hệ của mình với các nước láng giềng và sau đó là cộng đồng quốc tế. Việc tái đảm bảo mang tính chiến lược này là phải khuyến khích được khu vực châu Á - Thái Bình Dương rằng Trung Quốc sẽ không có hành động công kích hay cố ép buộc các nước láng giềng, ngay cả khi Mỹ không tiếp cận khu vực này” - Nhật Báo Trung Quốc dẫn nhận định của giáo sư Fouquet.

Giới lãnh đạo mới của Bắc Kinh cần giải thích rõ ràng hơn những mục tiêu và giới hạn còn tồn tại trong chính sách đối ngoại của mình, là điều mà giáo sư Nadine Godehardt, thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế Đức ở Berlin, nhấn mạnh.

“Trả lời các câu hỏi như lợi ích cốt lõi của Trung Quốc là gì và đâu là những điều mà Trung Quốc không thể đàm phán được thì giới lãnh đạo Trung Quốc mới thật sự cải thiện hình ảnh của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - giáo sư Godehardt nói.

Người dân đạp xe trong khói bụi ở khu vực cách Bắc Kinh 100km 

Chính chuyên gia người Trung Quốc ở Đại học Quan hệ quốc tế Lý Hải Đông cũng thừa nhận sắp tới Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn khi tình hình thế giới thay đổi do chính sách xoay trục châu Á của Mỹ.

“Trung Quốc cần đầu tư hơn nữa cho mối quan hệ song phương Mỹ - Trung và đẩy mạnh chiến lược xây dựng lòng tin lẫn nhau với Washington” - Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời chuyên gia Lý.

Cân bằng sự thịnh vượng và sức khỏe dân sinh cũng là một thách thức lớn đối với các nhà điều hành mới, nếu họ muốn đạt được các mục tiêu trong phát triển kinh tế thần kỳ cho đất nước hơn tỉ dân này. Bà Laurie Garrett, chuyên gia cao cấp của Chương trình sức khỏe toàn cầu của Mỹ, cho rằng hiện tại các lĩnh vực tài chính và năng lượng đang được giới làm chính sách Trung Quốc quan tâm hơn là vấn đề sức khỏe của người dân.

“Việc Chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng sẽ chẳng có sự thịnh vượng nào nếu sức khỏe người dân không được đảm bảo là rất quan trọng. Điều cần làm ngay trước mắt là ngăn chặn hiệu quả tình trạng chất lượng không khí đang ngày một tệ hơn ở đây, đang gây ra hàng loạt thứ bệnh, nhất là bệnh ung thư” - bà Garrett cảnh báo.

Trung Quốc vốn luôn tự hào là một quốc gia phát triển kinh tế thần kỳ sau hơn 30 năm cải cách mở cửa. Song, thời gian gần đây chính quyền và người dân Trung Quốc dường như đã chua chát nhận ra rằng cái giá của “sự thần kỳ” này là quá đắt.

Bộ Môi trường Trung Quốc ngày 22-2 phải thừa nhận sự tồn tại của các “làng ung thư” đang hủy hoại sức khỏe cộng đồng và môi trường sau nhiều năm phát triển công nghiệp nhanh chóng.

TheoMỹ Loan/ Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn