Ông Giang Trạch Dân đã nâng đỡ Bạc Hy Lai thế nào?

Thế giớiThứ Hai, 16/07/2012 07:59:00 +07:00

(VTC News)– “Với sự nâng đỡ của cố Chủ tịch Giang Trạch Dân, Bạc Hy Lai đã từng bước leo cao trên nấc thang chính trị ở Trung Quốc", báo Asashi Shimbun viết.

(VTC News) – “Với sự nâng đỡ của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, Bạc Hy Lai đã từng bước leo cao trên con đường công danh và nấc thang chính trị ở Trung Quốc từ cương vị là Thị trưởng Thành phố Đại Liên”

Đó là những lời lẽ trong một bài báo viết về chính trị gia họ Bạc có nhan đề ‘Thành công và Thất bại: con đường vươn tới ‘Ngôi Vua’ của phóng viên người Nhật có tên Kenji Minermura, đăng tải trên báo Asahi Shimbum có trụ sở ở Tokyo vào hôm 15/7 vừa qua.
Cũng theo bài báo này, trong suốt chuyến công du 10 ngày của Chủ tịch Giang Trạch Dân tới Đại Liên vào tháng 8 năm 1999, Bạc Hy Lai đã khiến nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc lúc bấy giờ hài lòng với những hành động kiểu như kêu gọi người dân làm ‘Cách mạng Văn hóa Đỏ’ với chủ trương ca ngợi Đảng Cộng sản nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập.
 Hình ảnh Bạc Hy Lai khi còn là Bí thư tỉnh ủy Đại Liên, một cán bộ Đảng 'mẫn cán và phong độ'
Thậm chí, khi đã trở thành Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh, ông Bạc một lần nữa phát động chiến dịch cải cách văn hóa ‘sùng Đảng’ này và cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người, từ đó gây được tiếng vang lớn trong giới chính trị Trung Quốc.
Tuy nhiên, đúng vào hôm 20/8/1999 – ngày cuối cùng trong chuyến thăm Đại Liên, khi ngang qua Quảng trường Tinh Hải, Chủ tịch Giang bất ngờ nhìn thấy một cột đá bằng cẩm thạch trắng cao gần 20m được chạm khắc hình tượng rồng bay lượn quanh những đám mây theo kiểu truyền thống trên những cột đá gọi là ‘Hoa Biểu’. Điều này khiến ông Giang không mấy thoải mái.
Bởi lẽ, cột ‘Hoa Biểu’ mang ý nghĩa khẳng định và tôn vinh sức mạnh của Hoàng Đế trong văn hóa Trung Hoa thời kỳ phong kiến và ý nghĩa tượng trưng này không phù hợp với đường lối tư tưởng mới kể từ khi Trung Quốc có Đảng Cộng Sản. 
Thiết nghĩ phen này Bạc Hy Lai đã làm ‘phật ý’ vị lãnh đạo tối cao, chẳng có lý gì ông ta sẽ nhận được sự ‘sủng ái’ lần thứ hai. Tuy nhiên, điều này chỉ là sơ xuất nhỏ trong cả một kế hoạch đã được vạch sẵn rất chu toàn và kín kẽ.
Trước khi Chủ tịch Giang tới Đại Liên, Bạc Hy Lai đã nắm được thông tin về chuyến công du này nhờ sự hậu thuẫn của người cha có thế lực, ông Bạc Nhất Ba – nguyên là một lãnh đạo cách mạng, người đã giúp Mao Trạch Đông lập lên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.
 Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, người được cho là đã cất nhắc Bạc Hy Lai trên con đường tiến thân trong Đảng Cộng sản Trung Quốc
Bên cạnh đó, với một thiết bị ghi âm đặc biệt nhập khẩu từ Đức, Bạc Hy Lai đã có thời gian tìm hiểu về tính cách cũng như sở thích của ông Giang thông qua những mẩu hội thoại được bí mật ghi lại.
Xong công tác ‘nghiên cứu đối tượng’, Bí thư họ Bạc tiếp tục ‘vạch chiến lược để lấy lòng’ vị lãnh đạo cấp cao xem như hành động ‘sửa chữa khuyết điểm’ sau vụ cột Hoa Biểu.
Bạc đã chỉ đạo cho cấp dưới lập tức treo một bức chân dung cỡ lớn của Chủ tịch Giang Trạch Dân lên tòa nhà ngay sát trụ sở chính quyền thành phố Đại Liên. 
Điều này khiến ông Giang thực sự ấn tượng mặc dù hành động trưng bày chân dung các nhà lãnh đạo đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc nghiêm cấm từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa ở nước này.
Mà theo miêu tả của phóng viên Minemura: ‘vị chủ tịch đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bức chân dung khổng lồ của mình ở đó. Thậm chí, ông ấy còn nhiều lần quay trở lại đây để được chiêm ngưỡng nó.”
Thế rồi chưa đầy một tháng sau, Bạc Hy Lai được cất nhắc từ chức vụ Thị trưởng lên làm Bí thư tỉnh ủy thành phố Đại Liên, thay thế ông Vu Học Tường (Yu Xuexiang). 
Lý do vì sao Vu bị lãnh đạo Đảng giáng chức trong khi Bạc Hy Lai đột ngột được ‘tín nhiệm’ là điều không ai nắm rõ. Chỉ biết rằng, kể từ khi leo được lên bậc thang mới trong sự nghiệp chính trị, ông Bạc đã không ngần ngại thể hiện tham vọng lớn lao trước mặt những người thân tín và thuộc hạ của mình.
Bạc Hy Lai và vợ (Cốc Khai Lai) đứng trước nghi án gây ra cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood và nhiều tội danh nghiêm trọng khác. (Từ trái qua, Cốc Khai Lai, Bạc Hy Lai, Neil Heywood, Vương Lập Quân)
Trong bài báo Minermura có viết: “ Một quan chức khác trong chính quyền thành phố Đại Liên – người tự nhận có liên quan tới việc xây dưng cột Hoa Biểu ở Quảng trường Tinh Hải cho hay, chính Bạc Hy Lai nói rằng muốn biến cây cột đó thành cây cột cao nhất Trung Quốc vì một ngày nào đó, ông ta sẽ trở thành ‘thiên tử’ (con của Vua) hay thậm chí là Hoàng Đế của đất nước này.”
Tuy nhiên, có vẻ như giấc mộng ‘thiên tử’ của Bạc Hy Lai đã tan tành mây khói khi những bí mật động trời liên quan tới Bạc gia được đưa ra ánh sáng cách đây gần 4 tháng.
Hiện tại, trước những cáo buộc liên quan tới tham nhũng, giết người diệt khẩu, làm ăn phi pháp… cựu Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh (và Đại Liên) đã bị cách chức vì ‘vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng’ và đang phải chịu cảnh ngồi trại giam chờ kết quả điều tra.
Vụ bê bối của Bạc Hy Lai là bài học cảnh tỉnh đối với nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc; đồng thời cũng là bằng chứng cho thấy ‘mặt sau’ của thế giới chính trị - nơi những tội ác tày trời, những âm mưu thâm độc và cả những thủ đoạn thấp hèn chưa bao giờ vắng bóng.
 Bạc Hy Lai - và khi 'thiên tử bị ngã ngựa'?

Hạ Giang

Bình luận
vtcnews.vn