Chân dung 'người bạn Đức bí ẩn' của Putin

Thế giớiThứ Sáu, 13/07/2012 07:45:00 +07:00

Bên cạnh V. Putin ở Điện Kremlin có một "điệp viên người Đức" giúp Tổng thống Nga xử lý nhiều vấn đề kinh tế phức tạp.

Bên cạnh V. Putin ở Điện Kremlin có một "điệp viên người Đức" giúp Tổng thống Nga xử lý nhiều vấn đề kinh tế phức tạp.

Xuất thân từ quân đội, trở thành điệp viên của cơ quan tình báo khét tiếng Stasi hoạt động trong lĩnh vực kinh tế với mật danh "The Economist", gia nhập mạng lưới của trung tá điệp viên KGB Vladimir Putin tại Dresden (CHDC Đức) những năm 1985-1990 và hiện nay nhân vật này được coi là gương mặt đại diện của Putin trong lĩnh vực kinh doanh.
Mathias Warnig quen biết Putin khi Tổng thống Nga còn là điệp viên KGB ở Đức

Đó là những giới thiệu ngắn gọn và đầy bí ẩn về Mathias Warnig, một trong những nhân vật thân cận lâu năm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cánh tay bí mật của Putin.


Ông chủ của một bộ sưu tập các chức vụ quản lý


Trong số các nhà doanh nghiệp cự phú của châu Âu có không ít người là những nhà sưu tập nối tiếng. Mathias Warnig cũng là một nhà sưu tập, nhưng cái mà ông sưu tập không phải là cổ vật, mà là chức vụ quản lý trong các tập đoàn lớn ở Nga.

Ngoài chức danh Giám đốc điều hành Nord Stream từ năm 2005, Mathias Warnig có chân trong Hội đồng quản trị Công ty dầu khí Rosneft, Transneft, Ngân hàng Vneshtorgbank Nga và chi nhánh Ngân hàng Dresdner tại Moscow.


Gần đây nhất, Mathias Warnig đã thêm vào bộ sưu tập của mình chức vụ thành viên Hội đồng quản trị của nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới - công ty Rusal.

Trước khi Warnig xuất hiện ở đây, Rusal nổi tiếng là “chiến trường” của các ông trùm tài phiệt Nga: Oleg Deripaska, Viktor Vekselberg, Vladimir Potanin và Mikhail Prokhorov.

Họ chia chác nhau phần lợi nhuận của Mikhail Khodorkovsky, sau khi ông trùm này vướng vào vòng lao lý. Và tất nhiên, không chắc là họ sẽ trung thành với Kremlin.


Putin cũng không tin tưởng bất kỳ ai trong số họ. Trong khi đó, xuất khẩu kim loại màu là khu vực duy nhất của nền kinh tế mà “người của Putin” không nắm giữ. Vì vậy, Warnig cần phải đến và thiết lập lại trật tự ở Rusal.

“Putin không tin tưởng bất kỳ ai ngoại trừ doanh nhân gốc Đức đầy bí ẩn này. Ông ta được phái đến đó, nơi số phận lợi ích chiến lược quy mô lớn của nước Nga cần được giải quyết thoả đáng" – chuyên gia về kinh doanh năng lượng Nga, giám đốc Diễn đàn chính sách năng lượng của ĐH Cambridge, Pierre Noel lý giải về sự kiện trên.

Chính Wargnig đã tham mưu cho Putin xây dựng dự án đường ống dẫn khí dưới biển Baltic. Ông ta còn là người đứng tên phần tài chính giữ quyền kiểm soát của Điện Kremlin với công ty dầu mỏ Yukos của Mikhail Khodorkovsky, và áp đặt trật tự kinh doanh dầu mỏ của Nga.

Có lẽ, Vargnig còn nắm giữ một dự án khác có tầm quan trọng đặc biệt đối với lợi ích của Nga, được biết tới với cái tên South Stream. Đây là dự án đường ống dẫn khí dưới Biển Đen ở phía nam của châu Âu. South Stream được kỳ vọng sẽ trở thành thế lực mới của nước Nga có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Châu Âu, trong khi đối thủ cạnh tranh Nabucco được Liên minh châu Âu hỗ trợ, đang ngày càng mất đi sự ủng hộ chính trị do bối cảnh ảm đạm của kinh tế, tài chính Châu Âu sau khủng hoảng.

Xuất thân điệp viên

Sau khi tốt nghiệp trung học, Warnig tham gia Quân đội CHDC Đức và có thời gian phục vụ ngắn hạn tại Trung đoàn Dzerzhinsky.

Đây một trong những đơn vị tinh nhuệ của Stasi - Bộ an ninh quốc gia, cơ quan chuyên trách phản gián và tình báo của CHDC Đức.

Năm 1975 Warnig chính thức được tiếp nhận vào làm việc tại Tổng cục tình báo Stasi. Năm 1977, Warnig rời quân đội và thi vào Khoa Kinh tế của Trường Kinh tế Berlin mang tên Leuschner.


Khi còn học đại học, Warnig được biết đến là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, nhiều tham vọng và cẩn trọng.

Ông còn nổi tiếng là người say mê và am hiểu sâu sắc học thuyết kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác. Đổi lại, kiến thức về nền kinh tế thị trường phương Tây Warnig hầu như không có.

Chỉ sau khi tham gia Trường đào tạo tình báo Stasi, Warnig bắt đầu nghiên cứu kinh tế phương Tây. Kết thúc khoá đào tạo đặc biệt này ông được nhận mật danh “The Economist” và được phái đi hoạt động ở CHLB Đức.


Ban đầu Warnig được phái vào mạng lưới gián điệp công nghiệp quốc phòng với nhiệm vụ thu thập thông tin về ngành công nghiệp sản xuất máy bay quân sự và tên lửa của CHLB Đức và Phương Tây.

Tuy nhiên, các sĩ quan chỉ huy tình báo sau đó đã nhận ra rằng chuyên môn của Warnig không phụ hợp để có thể “chui sâu” vào các nhà máy sản xuất tên lửa của đối phương.

Và thế là lãnh đạo cơ quan tình báo đã chuyển Warnig sang làm gián điệp kinh tế.


Năm 1986, Warnig nhận mật danh mới "Arthur" và được biệt phái hoạt động tại Uỷ ban thương mại CHDC Đức ở Düsseldorf (CHLB Đức).

Tại đây Warnig đã thiết lập mối quan hệ mật thiết với một loạt nhân viên trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm cả nhân viên quản lý ở Dresdner Bank AG, một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên mở chi nhánh tại Liên Xô (năm 1972).

Dresdner Bank AG là công ty con thuộc tập đoàn kinh doanh bảo hiểm Allianz AG. Sau đó, nhờ các mối quan hệ của mình Warnig đã được vào làm việc ở Dresdner Bank AG.


Với công việc "Arthur" có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin có giá trị. "Arthur" thường xuyên báo cáo về Trung tâm nội dung các cuộc hội đàm bí mật của ngân hàng phương Tây để tiến hành các đòn trừng phạt tài chính đối với khối Đông Âu, cũng như thông tin về các khoản tín dụng bí mật dành cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Ngày 22/4/1987, Warnig gửi báo cáo về Trung tâm Stasi ở CHDC Đức thông báo rằng các nước phương Tây đang bí mật thảo luận về Tuyên bố COCOM nhằm cấm vận và ngăn chặn xuất khẩu các mặt hàng công nghệ nhạy cảm cho các nước khối Đông Âu.

Thông tin này đến từ một điệp viên là lãnh đạo cao cấp của Dresdner Bank AG được Warnig tuyển mộ. Sau ngày nước Đức thống nhất, một phần báo cáo này của Warnig được liệt vào dạng “bí mật quốc gia” và danh tính của điệp viên cung cấp thông tin đến nay vẫn chưa được tiết lộ.


Trong khi đó, nhờ năng lực tuyệt vời của mình Warnig nhanh chóng tạo dựng được chỗ đứng vững chắc ở Dresdner Bank và được Giám đốc ngân hàng này đánh giá cao.

"Thực tế những điệp viên được phái đi CHLB Đức đều là những cá nhân có chuyên môn xuất sắc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Họ đều là những người được đào tạo bài bản và có tầm hiểu biết nhất định về cơ chế thị trường” -  nhà văn Nga, cựu sĩ quan tình báo KGB Igor Prelin, giải thích.

Chính nhờ những con người ưu tú như vậy, cho nên đến nửa sau thập niên 1980 giới ngân hàng phương Tây không chút mảy may nghi ngờ rằng, chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu sẽ sụp đổ. Và họ không tiếc tiền tuyển mộ những nhân viên xuất sắc từ phương Đông.

Gia nhập “mạng lưới của Putin”


Thành phố Dresden của nước Đức ngày nay vẫn là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với phần lớn du khách Nga.

Người Nga đến đó không chỉ đơn giản là để uống vài vại bia Torah. Đối với nhiều người Nga yêu mến Putin, đó còn là một địa danh lịch sử, bởi Dresden chính là nơi ghi dấu quãng thời gian hoạt động sôi nổi của Putin khi còn là điệp viên KGB.

Từ năm 1985 đến 1990 Vladimir Putin là trưởng chi nhánh KGB tại Dresden (CHDC Đức) trong vỏ bọc là Giám đốc Nhà văn hoá hữu nghị Liên Xô – CHDC Đức. Cũng chính tại đây có sự phối hợp hoạt động khăng khít giữa KGB và Cơ quan an ninh Stasi (CHDC Đức).


Hai mươi lăm năm trước, có một người Nga thường xuyên ghé vào một quán bar quen thuộc, gọi một cốc bia và chỉ uống hết hai phần ba cốc là đứng dậy.

Người đàn ông này chính là một điệp viên cỡ bự của KGB, sau này là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cũng tại quán bar đó, đôi khi xuất hiện một người đàn ông Đức dáng to đậm cùng ngồi uống bia và nói vài câu chuyện rồi họ lại tạm biệt nhau. Người đàn ông đó chính là Warnig, một đồng nghiệp đến từ Stasi.


Cuối thập niên 1980, không một ai nghi ngờ rằng hệ thống XHCN Đông Âu đang xuất hiện những vết rạn nứt và mạng lưới điệp viên do Putin xây dựng vẫn đang hoạt động tích cực.

Nhiệm vụ của Putin lúc này là tuyển dụng các điệp viên có khả năng nhất của mạng lưới tình báo Đông Âu, đặc biệt là những người đã có tiếp xúc ở phương Tây.

Khi hai người quen nhau Putin là Trung tá KGB, còn Warnig mang quân hàm Thiếu tá của Stasi. Sau đó, Warnig đã quyết định gia nhập mạng lưới của Trung tá KGB tại Dresden.


Một người bạn Đức của gia đình Putin


Đầu những năm 1990, các cư dân của thành phố trên sông Neva không phải là Leningrad của ngày xưa mà đã trở thành St Petersburg của thế giới các băng đảng tội phạm. Mafia là lực lượng cai trị ở thành phố này. Chính quyền dân chủ mới của Thị trưởng Anatoly Sobchak khó có thể kiểm soát bất cứ điều gì.

Giữa lúc đó Putin đã về làm việc cho Sobchak, một người thầy cũ của ông ở trường đại học. Putin được giao phụ trách các hoạt động kinh doanh, tài chính, và hợp tác kinh tế với nước ngoài. Đúng lúc này, một người bạn cũ từ Dresden cũng xuất hiện ở St Petersburg.

"Anh ta là một người Đức tốt bụng và trung thực, chúng ta sẽ làm kinh doanh với anh ta" – Putin đã giới thiệu với Sobchak bằng những lời ngắn gọn như vậy về Warnig. Đương nhiên, phần còn lại của St Petersburg lại không hề có thiện cảm với bất kỳ người Đức nào, chưa kể tới những ảnh hưởng từ lịch sử của chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tuy nhiên, Putin đã chiến thắng tất cả. Warnig đã mở chi nhánh của Dresdner Bank tại St Petersburg, và đây là ngân hàng nước ngoài đầu tiên ở Nga.

Thành phố lúc này đang cần tiền để mua thực phẩm, và người Đức thì muốn có được một chỗ đứng vững chắc tại một đất nước rộng lớn nhiều tiềm năng, nhưng cũng được ví như một khu rừng rậm hoang sơ đầy nguy hiểm đối với các nhà đầu tư.

Những điều bất lợi đó có thể được nhìn thấy bằng mắt, nhưng Warnig vẫn quyết đoán đầu tư vào đây.


Sau đó ông là khách thường xuyên của Putin. Năm 1994, chính Warnig đã trợ giúp người vợ của vị Tổng thống tương lai được sang điều trị tại Đức sau một tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Vụ tai nạn đó đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Như người ta vẫn thường nói, trong hoạn nạn mới biết bạn bè tốt, và nhờ vậy chúng ta hiểu vì sao một người Đức như Warnig luôn được chào đón ở nước Nga và trở thành cánh tay đắc lực của Tổng thống Vladimir Putin.

Ngược lại, Warnig cũng có tình cảm đặc biệt với nước Nga, thông thạo tiếng Nga và luôn trung thành với “người bạn lớn”.

Mối quan hệ Nga và Đức trở nên gần gũi hơn nhờ những người như Matthias Warnig

“Warnig đã làm quen với hàng trăm quan chức Nga. Đó là phương pháp hợp tác của ông với nước này. Bây giờ Warnig có thể nhận được thông tin về mỗi của dự án luật, về mỗi quyết định sắp được ban hành, trước khi nó được công bố rộng rãi. Đó thực sự là một đặc ân” - Tổng Biên tập trang mạng Forbes (tiếng Nga) Roman Badanin cho biết.

Những năm 1990, việc làm ăn lớn thực sự lớn vẫn còn ngoài tầm với của Warnig, đồng thời sân khấu chính trị lớn cũng nằm ngoài khả năng của Putin. Bước ngoặt chỉ đến khi Tổng thống Boris Yeltsin trao cho Putin chức vụ Thủ tướng, và sau đó là Tổng thống Nga. Warnig cũng chuyển tới Moscow cùng “người bảo trợ” của mình.

Theo
Danh Nguyễn/ Đất Việt


Bình luận
vtcnews.vn