Tổng thống Syria có gặp kết cục như đại tá Gaddafi?

Thế giớiThứ Hai, 25/06/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao nhận định về kết cục của Tống thống Syria.

(VTC News) - Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao nhận định về kết cục của Tổng thống Syria Assad.




- Thưa Tiến sĩ, bạo loạn ở Syria bắt đầu từ tháng 3/2011 đến nay vẫn chưa có dấu  hiệu giảm nhiệt, vậy nguyên nhân nào khiến tình hình hỗn loạn tiếp tục leo thang, khiến Liên Hợp Quốc cũng phải can thiệp?


Thực ra, nhìn lại tình hình hỗn loạn ở Syria có rất nhiều lý do, nhưng một trong những lý do là đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa ở Syria có vấn đề. 

Khoảng tháng 3 năm ngoái,tình hình hỗn loạn ở Syria không phải ngẫu  nhiên mà trùng khớp những chính biến ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông.

Những cuộc bạo động suốt hơn một năm qua đã làm nhiều người Syria thiệt mạng

Có thể nói, đây là mức độ lây lan hay hiệu ứng Domino ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông. Bạo lực ở Syria gắn liền với tình hình bạo lực chung ở khu vực, bởi vì đây là cả một dải thuộc thế giới Hồi giáo.

Chúng ta nhìn những tấm gương Ai Cập,  Lybia với những sự can thiệp rất khác nhau của cộng đồng quốc tế.

Ai Cập hiện nay vẫn chưa có kết quả bầu cử ngã ngũ, nếu không muốn nói là chúng ta chưa nhìn thấy tương lai của Ai Cập, liệu chế độ mới có tốt đẹp hơn chế độ của ông Mubarak hay không.
 
>> TOÀN CẢNH KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ Ở SYRIA

Câu chuyện thứ hai là Lybia, cộng đồng quốc tế can thiệp vô cùng thô bạo bằng vũ lực mặc dù họ dựa vào nghị quyết số 1973 của Hội đồng bảo an LHQ.

Nhưng rõ ràng việc không kích của NATO khiến cho một số người chết với lý do để bảo vệ tính mạng của những người còn lại thì rõ ràng tình hình ở Lybia cho đến giờ vẫn chưa có gì là sáng sủa.

Theo  tính toán của các chuyên gia, thì để Lybia phục hồi thì  nhanh nhất cũng phải mất vài ba năm.

- Trên các phương tiện truyền thông quốc tế, ngày nào cũng có những cuộc khẩu chiến giữa phe nổi dậy và phe chính phủ. Theo ông, quan điểm của hai phe có những điểm mạnh về mặt lý luận cũng như  khả năng thu hút sự đồng thuận của người dân Syria và quốc tế?

Có lẽ là chính quyền của ông Assad vẫn thấy rằng họ có chỗ dựa vững chắc, đó là Hội đồng bảo an chia làm nửa với việc Nga, Trung Quốc ủng hộ chính quyền hiện tại của Syria.

Thứ hai, ông Assad có hản đội quân tinh nhuệ hơn, chính quy hơn và có mục đích hơn. Khi xảy ra bạo loạn ở Lybia, thì quân đội của ông Gaddafi bị chia làm đôi và dẫn tới kết cục rất bi thảm.

"Tình thế hiện tại của ông Assad khác rất nhiều so với cố đại tá Gaddafi" - Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Quốc tế, Học viện Ngoại giao, nói.

Nhưng ở Syria thì khác, mặc dù có hiện tượng lẻ tẻ đảo ngũ nhưng là đương nhiên và bao giờ cũng có, nhưng chưa có đội quân nào tuyên bố ly khai chính phủ.

Phe nổi dậy có lý của họ, họ phê phán cách điều hành của ông Assad. Họ cho rằng, nếu ông Assad còn quản lý thì đất nước sẽ vẫn tiếp tục tình trạng này.

Tuy nhiên, phe nổi dậy chỉ hô hào cần phải thay thế ông Assad, nhưng họ lại chưa đưa ra ai thay thế.

Giả sử có đưa ra phương án thì người tiếp theo sẽ điều hành đất nước như thế nào, có tốt đẹp hơn hay không, chúng ta chưa thấy gương mặt nào ở phe nổi dậy có thể khẳng định điều đó.

Mỗi bên đều có lý lẽ riêng, song tôi cho rằng, vấn đề là chưa bên nào đưa ra giải pháp hợp lý để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân Syria.

- Mỹ đang đưa ra ý tưởng  thiết lập vùng cấm bay ở Syria. Trong vụ Lybia, Mỹ cũng làm điều tương tự trước khi cho oanh tạc thủ đô Lybia, liệu Mỹ có tái diễn điều này?

Trở lại tình hình Lybia, thiết lập vùng cấm bay đã có một bước chuẩn bị rất là lâu, trước hết là quá trình vận động hành lang ở Hội đồng bảo an.

Đây là quyết định của Hội đồng Bảo An chứ không phải quyết định của Mỹ. Chúng ta không nên làm cho vai trò của Mỹ quá trầm trọng như vậy.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực ở Syria khác với Lybia, chúng ta không khẳng định nổi là lực lượng nào gây nên những vụ thảm sát đó.

Câu chuyện bây giờ là xác định xem thiết lập vùng cấm bay để giải quyết cái gì, nếu thiết lập vùng cấm bay để khống chế lại lực lượng của chính phủ đương nhiệm của ông Assad thì rõ ràng lại rơi vào vết xe đổ của Lybia.

- Thưa ông,  vai trò của Nga và Trung Quốc hiện nay trong vấn đề Syria là như thế nào?

Cá nhân tôi nghi ngờ vai trò của Trung Quốc, mặc dù trong thời gian diễn ra bạo lực ở Syria, duy nhất có phái đoàn của thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sang Syria.

Với quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an, Trung Quốc có đầy đủ khả năng ảnh hưởng nhiều tới tình hình Syria.

Tất nhiên, vai trò của Trung Quốc là có chứ không phải không,  nhưng nó không đến mức làm xoay chuyển cục diện của Syria.

Hàng loạt quan chức rời bỏ Tổng thống Syria Assad 
Câu nói thường xuyên của các lãnh đạo Nga là “Tương lai của Syria do người dân Syria quyết định”. Nga và Syria vốn là đồng minh lâu nay, đương nhiên Nga sẽ không muốn đối tác kinh tế, quân sự của mình bị ‘bắt nạt’.

Nhưng cũng cần nói thêm là, xuất phát từ lợi ích riêng tư, có lẽ các nước lớn muốn tình hình Syria đi vào ổn định thì phải chia đều.

Nếu không thì đây là một phương án cá nhân tôi cho rằng rất bi thảm đối với người dân Syria, đó là họ muốn tình hình Syria mãi như vậy.

Đây là phương án có lẽ là rất đau đớn, nhưng chúng ta cũng phải vạch ra tất cả các phương án. Nói chung, chí ít là sang năm 2013 may ra tình hình Syria đi vào tình hình ổn định.

- Gần đây, báo chí quốc tế đưa tin, nhiều tướng lĩnh quân sự, chính khách đang có những cuộc đào tẩu khỏi Syria. Theo Tiến sĩ, liệu Tổng thống Assad có kết cục tương tự cố đại tá Gaddafi?


Thực ra, trong bối cảnh bạo loạn trong nước, việc một số tướng lĩnh ra đi là điều tất nhiên. Tuy nhiên, họ ra đi không phải để chống ông Assad, có thể do họ mệt mỏi, họ không muốn can dự vào việc mà họ có thể chết bất cứ lúc nào.
 
Hay nói cách khác là họ mong được sự bình yên, cũng có người ra đi vì sự phản đối với chính quyền hiện tại v.v.
Vụ việc một đại tá Không quân Syria tự ý bỏ nhiệm vụ và điều khiển chiến đấu cơ MiG 21 sang Jordan xin tị nạn chính trị đã khiến chính phủ nước này vô cùng phẫn nộ 

Giả sử phe nổi dậy có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì có thể kịch bản giống ông Gaddafi vẫn sẽ khó xảy ra. Thứ nhất, dựa vào so sánh lực lượng của đôi bên, ông Assad đang nắm trong tay lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, và quan trọng là quân đội vẫn trong tầm kiểm soát của chính quyền.

Thứ hai, Mỹ và một số thành viên NATO liên tiếp gợi ý ông Assad ra đi trong tự nguyện. Điều đó cho thấy họ chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị tinh thần can thiệp. Khác với trong cuộc chiến Lybia, NATO đã ủng hộ lực lượng nổi dậy đến cùng để buộc ông Gaddafi ra đi.

- Nga thừa nhận có điều tàu chiến đến khu vực Syria, và Mỹ cũng có động thái tương tự, phải chăng đây là phản ứng của Nga ?

Theo cách giải thích của ông Putin thì việc Nga đưa tàu chiến vào Syria là việc làm bình thường trong quan hệ giữa Nga và Syria.

Có nguồn tin nói  rằng tàu này chở vũ khí, nhưng chính phủ Nga lại nói rằng tàu chỉ chở trực thăng mà Syria gửi tới Nga để sửa chữa. Điều này chỉ Nga và Syria mới biết thực hư.

Tuy nhiên, nếu tàu chiến của Nga không vào tôi mới cảm thấy quan ngại, đó mới có thể gọi là một sức ép ghê gớm. Nhưng dường như tàu chiến vào thì mọi thứ vẫn trong luồng kiểm soát của các bên.

Tàu chiến của Mỹ vào Syria cũng bình thường vì họ có hạm đội 6 thường xuyên hoạt động ở đây.

Đương nhiên, những hoạt động quân sự của Mỹ và Nga đều có những sức ép nhất định đối với những phe phái ở Syria hoặc bất cứ nước nào.

Cả phe nổi dậy và quân đội của ông Assad khó lòng có những hoạt động mạnh hơn khi các cường quốc đều có tàu chiến hiện diện ở khu vực - nó báo hiệu việc Nga, Mỹ đang muốn kiềm chế tình hình.

- Trong khi Mỹ đưa ý tưởng thiết lập vùng cấm bay Syria thì Liên đoàn Arab không có ý kiến gì. Nhưng khi Nga thừa nhận cung cấp vũ khí cho Syria thì Liên đoàn Arab yêu cầu Nga ngừng viện trợ cho Syria. Liên đoàn Arab có vai trò như thế nào trong vấn đề Syria, thưa Tiến sĩ?


Liên đoàn Arab được hình thành từ sau Thế chiến II, sự liên kết giữa các thành viên chủ yếu ở phạm trù tôn giáo. Trong vấn đề Lybia, Yemen, Ai Cập, vai trò của Liên đoàn Arab không thể hiện nhiều, nhưng trong vấn đề Syria thì Liên đoàn Arab lại nổi lên.

Điều này có rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cho rằng thứ nhất là do sự bế tắc của Liên Hợp Quốc,  thứ hai là sự va chạm giữa Nga với các nước phương Tây.

Chúng ta  thử hình dung khi các nước lớn xung đột lợi ích với nhau về vấn đề Syria, thì họ rất cần một vùng đệm, rất cần một lực lượng trung gian và đó chính là Liên đoàn Arab.

Giả sử Nga cấp vũ khí cho Syria là thật thi đã đi ngược lại tuyên bố 6 điểm của ông Kofi Annan, mà tuyên bố của ông Kofi Annan là tuyên bố của Liên đoàn Arab cho nên đương nhiên họ phản đối.

Nguyên tắc của Liên đoàn Arab là không can thiệp. Họ chỉ có thể đưa ra lời kêu gọi, những tuyên bố mà điển hình nhất chính là tuyên bố của ông Kofi Annan, kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán, đối thoại để tìm ra hướng đi.

Trong bối cảnh này, liên đoàn Arab được trao cơ hội, có vai trò đó là cầu nối giữa Syria với thế giới bên ngoài. Lý do đơn giản vì liên đoàn Arab hiểu được ông Assad muốn gì, và cũng hiểu được phe nổi dậy muốn gì. Dù sao họ cũng cùng ngôn ngữ, cùng tín ngưỡng.

Vai trò của Liên đoàn Arab cũng có nhiều ảnh hưởng tới Syria, phụ thuộc vào việc họ đưa thông điệp thế nào tới quốc tế.

- Truyền thông quốc tế đang nhắc nhiều tới phương án của ông Kofi Annan, điều được cho là chìa khóa giải quyết vấn đề Syria. Tiến sĩ nhận xét thế nào về điều này?


Phương án hòa bình từ khi ông Annan tuyên bố chỉ nằm trên bàn giấy vì nó... quá hoàn hảo, ở chỗ không đụng chạm bất cứ bên nào.

Phương án không có ai đau đớn, mong muốn các bên ngồi lại đối thoại, nhưng thực tế không thể được. Do đó bức tranh Syria là vô cùng phức tạp giữa sự tranh luận của các bên.

Thoạt nhìn, thì phương án của ông Annan là có vẻ khả dĩ nhất, nhưng trên thực tế thì rất khó thực hiện. Bởi vì hiện nay có ít nhất 2 lực lượng nổi dậy là Hội đồng quốc gia và lực lượng giải phóng Syria.

Ngay trong 2 lực lượng này được chia làm 2 nhóm, một nhóm đang chịu những bom rơi, bạo lực trong nước, một nhóm thì đang ở nước ngoài.

Bản thân nội bộ các phe phái có cách nhìn khác nhau nói chi đến khi họ ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ đương nhiệm của ông Assad. Đương nhiên, kết quả của đối thoại là bế tắc.

Tôi cho rằng, tình hình ở Syria sẽ khó có biến chuyển tích cực cho đến hết năm nay. Nếu có điều gì đó mang lại hòa bình, ổn định ở Syria, có lẽ chúng ta phải chờ đến năm 2013.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!




Văn Việt – Đỗ Hường (Thực hiện)

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây

 

Bình luận
vtcnews.vn