Thế giới 24h: Mỹ 'mạnh tay' viện trợ Philippines

Thế giớiThứ Sáu, 08/06/2012 07:11:00 +07:00

(VTC News) - Mỹ cam kết tăng viện trợ cho Philippines, Hàn Quốc đòi Triều Tiên trả tiền viện trợ, 3 máy bay xâm phạm vùng bay của Tổng thống Mỹ,...

(VTC News) - Mỹ cam kết tăng viện trợ cho Philippines, Hàn Quốc đòi Triều Tiên trả tiền viện trợ, 3 máy bay xâm phạm vùng bay của Tổng thống Mỹ,... là những tin đáng chú ý trong ngày.

Nga, Trung tham gia tập trận chống khủng bố

Hai cường quốc Âu - Á cùng một số nước khác thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm nay bắt đầu cuộc diễn tập chung tại Tajikistan.

Hơn 2.000 quân nhân của Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan được triển khai cho hoạt động diễn tập mang tên Sứ mệnh Hòa bình 2012, hãng tin Itar-Tass của Nga cho hay. Uzbekistan, một thành viên khác của SCO, từ chối tham gia cuộc tập trận này.

Một bài diễn tập trong cuộc tập trận Sứ mệnh Hòa bình năm 2007 

Sứ mệnh Hòa bình 2012 diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Bắc Kinh, Trung Quốc, và sẽ kết thúc vào ngày 14/6.

Các hoạt động diễn tập được tổ chức tại khu huấn luyện Chorhudairon thuộc thành phố Khujand ở miền bắc Tajikistan, quốc gia Trung Á ở phía tây bắc của Trung Quốc. Binh sĩ của 5 nước sẽ cùng tập luyện các kỹ năng chống khủng bố chung.

Thiếu tướng Emomali Sobirov, tổng tư lệnh các lực lượng trên bộ của Tajikistan, sẽ chỉ huy các hoạt động tập trận có sự tham gia của nhiều binh chủng khác nhau. Thứ trưởng Quốc phòng Tajikistan, Sherali Hairulloev và nhiều quan chức quân sự cấp cao của các nước thành viên SCO cũng sẽ góp mặt tại cuộc tập trận.

Đại diện cho quân đội Nga là các đơn vị pháo binh và bộ binh cơ giới của căn cứ quân sự 201 đóng tại Tajikistan. Một số máy bay chiến đấu của Nga cũng được triên khai trong cuộc tập trận này. Phía Trung Quốc cử 369 lính tới Tajikistan.

Tướng Mỹ cam kết ủng hộ Philippines

Quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ hôm qua cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines tăng cường hệ thống phòng thủ trong bối cảnh Philippines đang có những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, người vừa có chuyến thăm Philippines hồi đầu tuần này, cho biết Philippines "phải tập trung vào các vấn đề chống khủng bố và đôi khi là những cuộc nổi dậy trong nước trong hàng thập kỷ, do đó sức chiến đấu của quân đội có phần bị ảnh hưởng".

"Chúng tôi nghĩ rằng họ cần được hỗ trợ, đặc biệt là vấn đề an ninh biển", Dempsey phát biểu tại Washington sau cuộc gặp với Aquino.


Tổng thống Philippines Benigno Aquino 

Tổng thống Philippines Benigno Aquino, đang ở Washington, sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày hôm nay. Philippines là nước đồng minh lâu năm của Mỹ và mối quan hệ này càng chặt chẽ trong thời gian gần đây khi ông Aquino cam kết chống tham nhũng và tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, AFP cho hay.

Một quan chức khác trong chính phủ Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo hôm nay sẽ nhìn lại sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ trong thời gian qua và nói về việc mở rộng hợp tác trong tương lai.

Mỹ đã hỗ trợ Philippines nhiều trong việc nâng cấp quân đội và Philippines đồng ý tăng số lượng quân Mỹ triển khai ở nước này, dù không phải là đóng quân lâu dài.


Hàn Quốc đòi Triều Tiên trả tiền viện trợ

Hôm nay, Seoul đã đòi Bình Nhưỡng bắt đầu trả lại các viện trợ lương thực lúc trước. Hàn Quốc cũng cáo buộc Triều Tiên 'đi quá giới hạn' với những đe dọa và xúc phạm gần đây.

Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Kim Hyung-Suk thúc giục Bình Nhưỡng bắt đầu chi trả cho số lương thực Seoul viện trợ cho Triều Tiên trong khoảng từ năm 2000-2007.

Ông Kim nói thêm rằng khoản tiền phải trả đầu tiên bao gồm cả gốc lẫn lãi trị giá 5,83 triệu USD, và đáng ra phải hoàn lại vào ngày 7/6.

 Thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên

"Quan điểm của chính phủ chúng tôi là khoản vay cho viện trợ lương thực ... phải được hoàn lại tiền như đã thống nhất, và chúng tôi chân thành yêu cầu Triều Tiên giữ đúng thỏa thuận" - ông Kim nói.

Phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói thêm rằng Seoul có thể sẽ có các biện pháp tiếp theo nếu như Bình Nhưỡng không thể thanh toán đúng hạn, tuy nhiên không đề cập cụ thể biện pháp này là gì.

Hồi tháng Năm, Seoul đã gửi thông báo cho Bình Nhưỡng về ngày đáo hạn thông qua ngân hàng Xuất-Nhập khẩu. Hôm nay, họ gửi thêm thông báo thứ hai về việc thanh toán này.

Trước đó, Hàn Quốc đã gửi 2,6 triệu tấn lương thực trị giá 720 triệu USD với 6 đợt giao hàng trong khoảng từ năm 2000-2007.

Úc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Myanmar

Úc sẽ tháo dỡ các biện pháp trừng phạt còn lại đối với Myanmar, đồng thời sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho quốc gia Đông Nam Á này, Ngoại trưởng Úc Bob Carr nói hôm 7.6.

Theo hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Carr, Úc sẽ tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt về tài chính và đi lại đối với Myanmar.

Ngoại trưởng Bob Carr gặp thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi tại Yangon 

Ông cũng cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho quốc gia Đông Nam Á này lên 100 triệu đô la Úc/năm (98,5 triệu USD) vào trước năm 2015.

Những thông báo này được đưa ra sau chuyến thăm của ông Carr đến Myanmar vào hôm 7.6, nơi ông gặp Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Úc là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai của Myanmar, theo BBC.

Philippines tìm mua máy bay tiêm kích

Trong vòng nửa năm qua, Philippines đàm phán với Mỹ để mua máy bay tiêm kích F-16, nhưng không thành công vì chi phí nâng cấp, vận hành quá cao. Giờ đây, đất nước Đông Nam Á này đang tìm hướng đi khác.

Tổng thống Philippines - ông Benigno Aquino, mới đây cho biết, Manila có thể mua máy bay chiến đấu của “một quốc gia tiến bộ” khác. Philippines buộc phải sử dụng mọi khả năng để đối phó với mối đe dọa từ phía Trung Quốc.

F-16 Fighting Falcon, loại tiêm kích mà Manila rất muốn có trong không lực của mình 

Trước đó, vào trung tuần tháng 12.2011, Bộ Quốc phòng Philippines yêu cầu chính phủ Mỹ tặng Manila một phi đội 12 chiếc F-16 Fighting Falcon mà không lực Mỹ không còn sử dụng nữa. Khi đó, phía Philippines tuyên bố không có đủ tiền để mua máy bay mới, nhưng có thể sửa chữa, nâng cấp loại F-16 Fighting Falcon. Cần nhắc lại, Manila là đồng minh của Mỹ từ năm 1935.

Mỹ: 3 máy bay xâm phạm vùng bay của tổng thống

Mỹ phải triển khai hai máy bay chiến đấu F-16 để ngăn chặn ba máy bay dân sự vi phạm vùng cấm bay được dành riêng cho chuyến bay của Tổng thống Barack Obama ở bang California.

Theo Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD), hai chiến đấu cơ F-16 đã ngăn chặn một máy bay Cessna 206 xâm phạm không phận cấm lúc 9g ngày 7-6 (23g theo giờ Việt Nam) và một máy bay Cherokee PA 28 lúc 9g30, sau đó hộ tống hai máy bay này ra khỏi vùng cấm bay tạm thời.

Không lực 1 chở Tổng thống Barack Obama đáp xuống sân bay quốc tế Los Angeles ngày 6/6 


Cả hai máy bay dân sự đều là loại một động cơ, có kích thước nhỏ. Sau khi rời khỏi vùng cấm bay, hai máy bay phải liên lạc với Cục Hàng không liên bang (FAA) để được điều tra nguyên nhân vi phạm.

Trước đó cùng ngày, một máy bay Mooney M20 đã bay vào không phận dành cho tổng thống tại Fullerton ở phía đông thành phố Los Angeles. Theo người phát ngôn FAA, máy bay này buộc phải hạ cánh ở sân bay Chino.

Trong cả ba vụ việc, một quan chức FAA nhận định phi công chỉ vô tình bay vào khu vực cấm và không phải là mối đe dọa rõ ràng.

Iraq xử tử trợ lý của Saddam Hussein

Người phát ngôn chính phủ Iraq cho biết Bộ Tư pháp nước này đã hành hình Abid Hamid Mahmud al-Tikriti, trợ lý cấp cao của cố tổng thống Iraq Saddam Hussein, hôm 7/6.

“Ông ta đã bị xử tử, Bộ Tư pháp đã áp dụng án xử tử đối với Abid Hamid vì tộiMahmud diệt chủng ”, người phát ngôn Bộ Tư pháp Iraq Haidar al-Saadi cho biết.

Theo cố vấn an ninh quốc gia Iraq Ali a-Dabbagh,  Abid Hamid Mahmud al-Tikriti là thư ký riêng của ông Hussein khi nhà lãnh đạo này còn nắm quyền điều hành đất nước.

Abid Hamid Mahmud al-Tikriti, trợ lý cấp cao của cố tổng thống Iraq Saddam Hussein 

Trong bộ máy cầm quyền của Iraq thời Saddam Hussein, Abid Hamid Mahmud là nhân vật ảnh hưởng nhiều nhất đến các quyết định của tổng thống và cũng là nhân vật thứ 4 trong danh sách các cựu quan chức Iraq bị Mỹ truy nã sau cố tổng thống Saddam Hussein và hai con trai của ông là Uday và Qusay.

Abid Hamid Mahmud và các thành viên thuộc lực lượng an ninh đặc biệt của ông Hussein đã bị bắt trong trận bố ráp 16/6/2003 của Mỹ ở thị trấn Tikrit, bắc trung bộ Iraq.

Cùng bị bắt còn có cựu phó thủ tướng Tareq Aziz và cựu Bộ trưởng nội vụ Saadun Shakre, hai nhân vật này bị cáo buộc tham gia vào vụ đàn áp các đảng người Hồi giáo Shiitte năm 1982.


Tàu sân bay Ấn Độ bắt đầu chạy thử sau 4 năm trì hoãn

Tàu sân bay INS Vikramaditya của hải quân Ấn Độ được Nga sửa chữa và nâng cấp hôm nay đã bắt đầu ra khơi để tiến hành các cuộc chạy thử trên biển, muộn hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Vikramaditya đã được tân trang tại xưởng đóng tàu Sevmash ở miền bắc nước Nga. Nó được lên kế hoạch chạy thử vào ngày 25/5 nhưng bị hoãn lại cho tới hôm nay. Dự kiến, quá trình chạy thử sẽ mất 120 ngày.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của hải quân Ấn Độ 

Các thủy thủ Nga và Mỹ đã có mặt trên tàu sân bay Tàu sân bay Vikramaditya khi nó ra khơi vào sáng sớm nay. Các thủy thủ Ấn Độ sẽ học cách vận hành con tàu.

Sau các cuộc chạy thử đầu tiên ở Biển Trắng, Vikramaditya sẽ tới Biển Barents để tham gia các cuộc tập trận với máy bay quân sự.

Nga phóng thành công tên lửa đạn đạo chiến lược

Truyền thông Nga ngày 8/6 đưa tin Các lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RVSN) đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol RS-12M.

Người phát ngôn RVSN Đại tá Vadim Koval cho biết vụ phóng trên được thực hiện ngày 7/6 tại thao trường Kapustin Yar thuộc tỉnh Astrakhan miền Nam nước này và đã đánh bại mục tiêu giả định tại thao trường Sary Shagan (Kazakhstan ).

Tên lửa đạn đạo chiến lược Topol RS-12M 

Theo ông Koval, vụ thử này nhằm kiểm tra sự ổn định của loại tên lửa đã được kéo dài tuổi thọ này. Topol RS-12M là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, ba tầng, tầm bắn tối đa 10.000km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân có sức công phá 550 kiloton.

Đỗ Hường (tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn