Bí mật tên lửa Triều Tiên

Thế giớiThứ Ba, 10/04/2012 03:31:00 +07:00

Dù phải hứng chịu các lệnh cấm vận và trừng phạt của quốc tế, Triều Tiên vẫn có được thành tựu đáng kinh ngạc trong công nghệ tên lửa.

Bất chấp việc hứng chịu các lệnh cấm vận và trừng phạt của quốc tế, Triều Tiên vẫn có được các thành tựu đáng kinh ngạc trong công nghệ tên lửa.

Theo giới chuyên gia phương Tây, Bình Nhưỡng đã chọn giải pháp hợp tác bí mật với một số quốc gia trong đó có Trung Quốc và Iran.

Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu binh. Ảnh: KCNA 


Cho đến nay, mặc dù cả Trung Quốc và Iran đều liên tục phủ nhận mối liên hệ với Bình Nhưỡng, đặc biệt về lĩnh vực hợp tác tên lửa nhưng nhiều thông tin tin cho thấy có nhiều điều không hẳn thế.

Ít nhiều "dính líu"?

Chuyến thăm Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung vào năm 1975 được cho là đem về một dự án hợp tác phát triển tên lửa với Trung Quốc - dự án Đông Phong 61.

Đây là dự án chế tạo tên lửa cơ động 1 tầng, sử dụng nhiên liệu lỏng cùng hệ thống dẫn đường quán tính, có tầm xa là 600 km, tải trọng 1 tấn, được thiết kế dựa vào công nghệ tên lửa Scud mà Trung Quốc có được từ Liên Xô. Do một số sự cố khiến dự án này phải bỏ dở năm 1978 nhưng Bình Nhưỡng đã kịp có được trong tay bản thiết kế và những thông số kỹ thuật.

Việc này đã phần nào giải thích cho những bước tiến nhanh chóng trong việc chế tạo tên lửa của Triều Tiên. Ông Jeffrey Lewis, Giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí ở khu vực Tây Á thuộc Trung tâm James Martin, chuyên nghiên cứu về vấn đề không phổ biến vũ khí thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Monterey cho rằng, Trung Quốc ít nhiều có dính líu đến chương trình tên lửa của Triều Tiên. Một vài chuyên gia Trung  Quốc đã tham gia vào một số hoạt động không thuộc danh sách cấm của Bắc Kinh.

Triều Tiên đã sử dụng cảng và không phận Trung Quốc để vận chuyển một số loại hàng hoá có thể là "nhạy cảm". "Điều này có thể không liên quan trực tiếp đến chính phủ Trung Quốc", ông Jeffrey Lewis đặt giả thiết, "nếu chính phủ Trung Quốc từ chối cung cấp không phận cho các chuyến bay của Triều Tiên, nếu Trung Quốc điều tra các tàu chở hàng của Triều Tiên neo đậu trên một số cảng Trung Quốc thì năng lực tên lửa của Triều Tiên chắc sẽ ảnh hưởng ít nhiều".

Trong bản báo cáo đệ trình lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc của một nhóm các chuyên gia năm 2011 cũng chỉ ra, Triều Tiên đang tiến hành buôn bán công nghệ tên lửa bất hợp pháp trên những chuyến bay thường kì của 2 hãng hàng không Koryo và Iran, thông qua "nước láng giềng thứ 3" nhưng không nói rõ là quốc gia nào. Thực tế cho thấy, mặc dù Trung Quốc cực lực lên án cáo buộc mình là đồng minh quan trọng của Triều Tiên nhưng việc sử dụng quyền phủ quyết của mình tại HĐBA để vô hiệu hóa những bản báo cáo có tính chất chỉ trích Triều Tiên cho thấy không hẳn là nước này không hề có chút dính líu nào.

"Cộng sinh" với Iran

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng, mối liên hệ về vấn đề tên lửa giữa Triều Tiên và Iran bắt đầu từ năm 1985 bằng một thoả thuận mà theo đó Iran cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên để nước này hoàn thành việc chế tạo Scud-B.
Sức mạnh tên lửa Triều Tiên vẫn được cho là ẩn số với phương Tây. Ảnh: Chinanews 

Trong giai đoạn từ năm 1980 - 1988, Iran đã mua 100 tên lửa Scud-B từ Triều Tiên để dùng trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq. Đến những năm 1990, mối quan hệ này được mở rộng bằng việc hai nước hợp tác phát triển tên lửa Shahab cho Iran, đổi lại Triều Tiên sẽ nhận được tiền và dầu mỏ.
 
Bằng chứng gần đây nhất là thiết kế đầu nổ Shahab 3 và đầu nổ của No-dong giống nhau một cách đáng ngạc nhiên. Dựa trên các thông tin hình ảnh này, giới chuyên gia phương Tây cho rằng, Iran có thể đã mua tên lửa tầm xa No-dong từ Triều Tiên để chế tạo tên lửa nội địa Shahab-3.

Một vài bản báo cáo cho biết dự án chế tạo tên lửa Shahab-4 (có thể đã bị hoãn lại) cũng dựa vào nguyên mẫu là tên lửa Taepo dong-1 của Triều Tiên.

Ngoài ra, tên lửa tầm xa Shahab-5, Shahab-6 và xe phóng vệ tinh mà Iran theo đuổi cũng được cho là đã "lấy cảm hứng" từ tên lửa Taepo dong-2, và biến thể Taepo dong-2C của Triều Tiên.

Tuy Tehran chưa tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa nào,  nhưng quan chức tình báo Mỹ khẳng định rằng, Iran thừa sức chế tạo loại tên lửa đó vì khả năng nắm được kỹ thuật chế tạo tên lửa Taepo dong-2 từ Triều Tiên là rất lớn.
 
Không chỉ hỗ trợ về vật liệu, Bình Nhưỡng còn cung cấp cho Tehran những "lời khuyên" mang tính chuyên môn cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này. Các chuyên gia tên lửa Triều Tiên thậm chí đã đến Iran để hỗ trợ Tehran phát triển chương trình tên lửa của mình. Thậm chí, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc còn cho rằng, hiện có hàng trăm chuyên gia hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đang làm việc tại Iran.

Ngược lại, việc hợp tác với Iran đã tạo điều kiện cho Triều Tiên thử tên lửa ngoài lãnh thổ. Nếu đúng như vậy, đây quả là nước cờ thông minh của Bình Nhưỡng nhằm tránh phải chịu thêm những cuộc trừng phạt có liên quan đến các vụ thử tên lửa, từ sau khi ký vào bản thoả thuận hồi tháng 9/1999.

Cũng như Trung Quốc, Iran phủ nhận mối liên hệ với Triều Tiên. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast thậm chí còn cho rằng kỹ thuật và năng lực chế tạo tên lửa của Iran đã phát triển tới mức họ không cần nhờ vả tới sự giúp đỡ về công nghệ cũng như việc cung cấp bộ phận từ nước khác.
 
TheoHiền Thảo/ Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn