Đằng sau cái gọi là "hiện thực Syria" của phương Tây

Thế giớiThứ Sáu, 16/03/2012 10:06:00 +07:00

(VTC News) - Có hay không sự dối trá của các hãng truyền thông lớn nhằm kích động chiến tranh và hợp thức hóa sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Syria?

(VTC News) - Một đoạn video đầy nghi vấn về hiện thực Syria gần đây đã thổi bùng lên những câu hỏi về vai trò của những hãng thông tấn lớn trong việc kích động chiến tranh và hợp thức hóa sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào quốc gia Arab này.

Danny là tên của một nhà hoạt động đối lập tại Syria, người đã gửi thông tin từ Homs đến các kênh thông tin truyền thông lớn như CNN, BBC, Al Jazeera và Al Arabiya. Anh này thường được nhắc đến cùng với các phong trào đối lập và thường xuyên kêu gọi một cuộc can thiệp quân sự ở Syria. 
Chính xác hơn, anh ta được xác định là Danny Abdul Dayem, 22 tuổi, công dân Anh gốc Syria.
Một số hình ảnh trong các video được cho là quay tại Syria gần đây. 

Trong đoạn video được phát tán trên mạng internet, người ta đã thấy vai trò của Danny trong việc bóp méo sự thật từ một đoạn video gửi cho kênh truyền hình CNN. Trước khi lên sóng, anh ta đã yêu một số đồng minh khai hỏa vũ khí để nâng cao tính trầm trọng của video trong báo cáo gửi đến phóng viên Anderson Cooper của CNN

Bất chấp Danny sau đó đã bác bỏ những nghi vấn về sự can thiệp của mình đối với video, thực tế là người ta đã phải đặt dấu hỏi vào tính tin cậy của những video được phát đi.
Danny còn lâu mới có thể trở thành một chiến binh đơn độc, một nhà báo độc lập đúng nghĩa trong cuộc chiến thông tin ngày càng không "sạch" hiện nay. 
Kí giả Rafik Lotf, người đã làm việc nhiều tháng ở hiện trường để giúp thế giới có cái nhìn trực quan hơn về cuộc xung đột này chia sẻ với RT rằng Al Jazeera đã tham gia vào một vụ chỉnh sửa video với nội dung quân đội chính phủ đã đánh bom đường ống dẫn dầu nhằm hạ thấp uy tín của chính quyền Syria.

Ông nói: "Tôi biết đoạn video gốc vẫn còn trên máy chủ của Al Jazeera, nhưng họ đã bỏ qua điều đó mà phát đi thứ mà họ muốn và cho rằng cần phải thấy." 
Theo một cáo buộc trên Infowars.com thì thủ phạm của vụ đánh bom đường ống dẫn dầu này chính là những phiến quân thuộc lực lượng chống đối tại Syria.

Video quay trong một bệnh viện ở Homs với sự xuất hiện của một đội phóng viên Al Jazeera, cố gắng lèo lái để cô bé bị thương nói ra câu: "Thượng đế sẽ trừng phạt Bashar Al-Assad"

Tất cả các nhà báo đều xác nhận rằng hoàn toàn không dễ dàng để kiểm tra, đối chiếu xem một video có xảy ra ở Syria hay không, và nếu cảnh quay được thực hiện vào ban đêm thì điều đó là bất khả thi. 
Gần đây một video gây sốc đã xuất hiện với 47 thi thể các nạn nhân bao gồm phụ nữ, trẻ em bị cắt cuống họng và có dấu hiệu bị hiếp dâm. Phe đối lập đã ngay lập tức kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an về 'vụ thảm sát'.

Trong khi đó, chính phủ của ông Assad đã công bố rằng chính các băng nhóm khủng bố đã giết chết những nạn nhân trong video; đồng thời tuyên bố đã có những người dân Homs xác nhận người thân của họ có mặt trong số các nạn nhân đã bị bắt đi bởi lực lượng nổi dậy.

Trong khi trò chơi đổ lỗi lẫn nhau của các chính trị gia vẫn tiếp tục thì người hứng chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là dân thường. 

Gần đây, phong trào đình công tập thể của nhóm phóng viên Al Jazeera đã chỉ ra một điều rõ ràng rằng: nhiều thông tin về xung đột ở Syria đã không còn mang tính khách quan mà được đưa ra để phục vụ những mục đích khác nhau của các hãng truyền thông lớn cũng như đối tác của họ.

Tùng Đinh


Bình luận
vtcnews.vn