Giáo sư kinh tế trước thách thức của ngôi vị Thủ tướng

Thế giớiThứ Hai, 14/11/2011 06:06:00 +07:00

(VTC News) - Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Italy Mario Monti đã bắt tay vào việc giải quyết mớ hỗn độn người tiền nhiệm Berlusconi để lại.

(VTC News) - Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Italy Mario Monti đã bắt tay vào việc thành lập một chính phủ mới nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ nần đã khiến xô đổ sự nghiệp chính trị của ông Silvio Berlusconi.

Vào hôm qua (13/11), chính phủ Italy đã chính thức tuyên bố việc bổ nhiệm ông Monti, cựu Ủy viên Hội đồng Châu Âu làm tân Thủ tướng thay cho ông Silvio Berlusconi. Trong bài phát biểu nhậm chức, Monti đã tuyên bố, ông muốn xây dựng “một tương lai tươi đẹp và tràn đầy hi vọng” cho trẻ em Italy.

Thử thách đầu tiên ông Monti sẽ phải đối mặt ngay sau khi nhậm chức là việc mở cửa thị trường tài chính Châu Âu vào hôm nay (14/11). Chứng khoán Châu Á đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch sáng nay. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng lên 2,4%, đồng euro tiếp tục tăng giá so với đồng đô la tại các thị trường Châu Á.

Thử thách tiếp theo cũng sẽ đến trong ngày hôm nay khi trái phiếu chính phủ Italy được bán đấu giá. Tỉ suất trái phiếu được bán ra sẽ phản ánh một phần khả năng những nỗ lực nhằm giải cứu Italy khỏi cuộc khủng hoảng nợ nần của ông Monti trở thành hiện thực.

Tân Thủ tướng Italy Mario Monti  

Ông Monti, một giáo sư kinh tế 68 tuổi từ chối tiết lộ thời điểm chính xác chính phủ mới được thành lập, đồng thời cũng giữ bí mật danh tính những người ông dự định sẽ bầu làm các bộ trưởng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cho hay, các cuộc tham vấn sẽ bắt đầu từ hôm nay. Sự xác nhận chính thức về chính phủ kĩ trị mới của ông Monti có thể sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

Các khoản nợ của Itay đã tăng vọt, đe doạ tới sự ổn định của khu vực đồng euro (eurozone). Mặc dù rất ủng hộ việc bổ nhiệm ông Monti là Thủ tướng Italy, nhưng các nhà lãnh đạo của EU vẫn tuyên bố, họ sẽ giám sát chặt chẽ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của quốc gia này.

Chia sẻ với các phóng viên không lâu sau khi nhậm chức, ông Monti nói: “Nước Ý lại phải tiếp tục phát huy sức mạnh của mình, chứ không phải thể hiện sự yếu kém trong Liên minh Châu Âu – tổ chức mà chúng tôi đã góp công thành lập và giữ vai trò chủ chốt. Chúng tôi sẽ nhắm tới việc giải quyết triệt để tình hình tài chính hiện tại và tiếp bước trên con đường tăng trưởng song song với việc tiếp tục chú trọng tới công bằng xã hội.

Tân Thủ tướng Italy cam kết sẽ có những hành động “khẩn cấp”, đồng thời tuyên bố sẽ cùng với quốc hội mau chóng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng này.

Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi  

Trong khi đó, Tổng thống Napolitano cho hay, việc đề cử ông Monti không phải là sự phủ nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2008, mà Italy cần một chính phủ có thể thống nhất các lực lượng chính trị khác nhau để chung sức đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính cấp bách hiện nay. Tổng thống Napolitano từng tổ chức 17 cuộc họp với các chính trị gia cấp cao trước khi bổ nhiệm ông Monti là Thủ tướng nước này. Hầu hết các đảng, bao gồm cả đảng của ông Berlusconi cũng ủng hộ việc bổ nhiệm trên.

Khi được hỏi về “tuổi thọ” của chính phủ mới, ông Napolitano cho biết điều đó phụ thuộc vào hành động của chính phủ, phản ứng của nền kinh tế Italy, của các thị trường, các nhà đầu tư và các tổ chức ở Châu Âu cũng như các tổ chức quốc tế.

Phát biểu trên truyền hình, Berlusconi tuyên bố, ông ủng hộ một chính phủ kĩ trị và sẽ nỗ lực gấp đôi trong công cuộc hiện đại hoá Italy.

Tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, đương kim Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy đã cùng đưa ra tuyên bố chung trong đó bày tỏ tán thành việc bổ nhiệm ông Monti.

Theo dự đoán, gói thắt lưng buộc bụng sẽ tiết kiệm cho Italy khoảng 59,8 tỷ euro từ việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm cân bằng ngân sách của đất nước này vào năm 2014. Trong suốt 15 năm qua, nền kinh tế Italy đã tăng trưởng ở mức trung bình 0,75% mỗi năm.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn