"Thế giới ngày càng quan tâm tới Biển Đông, vì..."

Thế giớiThứ Sáu, 04/11/2011 02:18:00 +07:00

(VTC News) - Phát biểu tại Hội thảo Biển Đông lần 3, TS. Bronson Percival dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ: "Các nước thực sự lớn sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn"

(VTC News) - Sức nóng ngày càng lan khỏi tầm khu vực của các vấn đề trên Biển Đông suốt thời gian vừa qua đã được giới học giả thế giới cụ thể hóa thông qua hàng loạt những hội nghị, hội thảo quốc tế.

Phát huy thành công của 2 lần hội thảo trước; sáng nay (4/11) tại Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc và thảo luận đầu tiên Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức.

Tham dự hội thảo có 180 học giả đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới; trong đó có nhiều nhà nghiên cứu uy tín về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, cũng như Đông Á và Biển Đông nói riêng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ĐS. Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao đặc biệt đề cao ý nghĩa của các hoạt động nghiên cứu và thảo luận đối với việc đưa vấn đề Biển Đông vào tầm kiểm soát của cộng đồng quốc tế, đưa thông tin về Biển Đông đến với dư luận thế giới qua lăng kính khách quan, đa chiều trên tinh thần khoa học.

 Ảnh: Thành Lương

Ông nhấn mạnh: "Cộng đồng khu vực và thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Biển Đông. Thế giới quan tâm hơn vì Biển Đông có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ của khu vực Đông Á mà còn của toàn Châu Á - Thái Bình Dương. Thế giới quan tâm hơn vì Biển Đông vẫn tiềm ẩn những bất ổn mà nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế của các bên liên quan, nếu không có những nỗ lực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào."

Trong tham luận của mình về Các vấn đề và lợi ích ở Biển Đông, ông Rodolfo C. Severino, nguyên Tổng thư ký ASEAN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore phân tích, các tuyên bố chủ quyền đối với các điểm đảo và các vùng nước ở Biển Đông và các xung đột giữa chúng đang đẩy các nước Đông Nam Á và Trung Quốc/ Đài Loan vào thế lưỡng nan; trong khi ở bất cứ hoàn cảnh nào, các quốc gia Đông Nam Á đều tuyên bố không mong muốn phải đứng trước sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ trên phạm vi khu vực hay thế giới.

Ông cũng nhấn mạnh vấn đề làm thế nào để điều chỉnh tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc đối với Biển Đông cho phù hợp với thực tế rằng tuyên bố đó vẫn còn đang gây tranh cãi; cũng như định nghĩa và làm rõ cái gọi là "đường 9 đoạn" trên các bản đồ Trung Quốc.

Về sự "quay lại" của Mỹ tại khu vực, TS. Bronson Percival, Cố vấn cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược, Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ bình luận, Mỹ và Trung Quốc "khác nhau về lợi ích nhưng chung nhau về lập trường". Ông cũng dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ gần đây rằng "các nước thực sự lớn sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn", và việc quay trở lại Châu Á của Mỹ là không thể tránh khỏi, mặc dù có lẽ sẽ không được suôn sẻ như dự đoán của Ngoại trưởng Clinton. Nếu Trung Quốc kiên quyết đi theo con đường của "chủ nghĩa đế quốc vụ lợi" (incremental imperialism) trên các vùng biển, Biển Đông có khả năng cao vẫn trở thành vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Mỹ ở Châu Á.

  Ảnh: Thành Lương

Là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới, Biển Đông đang ngày càng nóng lên cùng với những biến chuyển của tình hình, khi bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống như tranh chấp đảo, tranh chấp vùng biển, còn có sự gia tăng không ngừng của những vấn đề an ninh phi truyền thống như cướp biển, ô nhiễm môi trường biển, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học biển...

Đồng hành cùng những diễn biến tích cực trong nỗ lực của các bên liên quan nhằm đẩy lùi những nguy cơ xung đột "nóng" từng khiến cộng đồng quốc tế phải nín thở; thông qua những nghiên cứu và phát biểu chính kiến của mình, giới nghiên cứu Biển Đông đang thể hiện những đóng góp ngày càng tích cực và thiết thực đối với việc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông.

Từ vẻn vẹn 3 hội thảo quốc tế về Biển Đông năm 2009, 7 hội thảo năm 2010, bước sang giai đoạn cuối năm 2011, con số hội thảo liên quan đến các vấn đề Biển Đông đã lên đến 15, với quy mô và chất lượng ngày càng được khẳng định thông qua ý nghĩa và tính thực tế của các tham luận, cũng như tinh thần tích cực, cầu thị của giới học giả trong tranh luận và trao đổi học thuật.

Hội thảo sẽ chia làm 8 phiên diễn ra trong 2 ngày mùng 4 và 5/11, xoay quanh các vấn đề: Tầm quan trọng của Biển Đông trên thế giới và trong khu vực; Lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực; Những diễn biến gần đây ở Biển Đông; Những khía cạnh pháp lý quốc tế; Giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột; Thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.

Đông Linh - Kiều Vui

Bình luận
vtcnews.vn