Thủ tướng tạm quyền Libya: "Tàu phá băng" chiến lược

Thế giớiThứ Năm, 22/09/2011 05:03:00 +07:00

(VTC News) – Không tham vọng quyền lực trong chiến dịch tranh cử vào tháng 4 tới ở Libya, vậy lý do khiến ông Mahmoud Jibril gia nhập NTC là gì?

(VTC News) – Không tham vọng quyền lực trong chiến dịch tranh cử vào tháng 4 tới ở Libya, vậy lý do thực sự khiến ông Mahmoud Jibril gia nhập NTC là gì?

Thủ tướng tạm quyền Mahmoud Jibril – gương mặt đại diện trên trường quốc tế của Hội đồng quốc gia lâm thời Libya (NTC) là người từng được chính phủ lâm thời cử đến châu Âu để “giải thoát” khối tài sản trị giá hàng tỷ USD hiện đang bị đóng băng ở đây.

Không ai khác, chính ông Jibril là người đã thuyết phục thành công để Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tin rằng Hội đồng quốc gia lâm thời Libya là một tổ chức đáng tin cậy, khiến Pháp trở thành quốc gia đầu tiên công nhận NTC vào tháng 3 vừa qua.

Mahmud Jibril  

Ông Mahmud Jibril hiện đang là Phó Chủ tịch Ban điều hành Hội đồng quốc gia lâm thời Libya. Tương tự như Chủ tịch NTC Mustafa Abdul-Jalil, ông từng là một phần trong bộ máy chính quyền Gaddafi, nhưng đã rời bỏ chế độ này để đứng về phía phe nổi dậy.

Sau khi học tập rồi giảng dạy bộ môn khoa học chính trị và chiến lược tại trường đại học Pittsburgh ở Pennsylvania, ông Jibril đã rời Mỹ tới Cairo vào năm 1984. Tại đây, ông trở thành một chuyên viên tư vấn kiêm nhà đào tạo lãnh đạo trong nhiều năm liền.

Vào năm 2007, cậu quý tử Saif al-Islam của Gaddafi đã bất ngờ điều máy bay riêng tới Cairo đón Mahmud Jibril về Libya, rồi sau đó đề nghị ông trở thành Bộ trưởng Kế hoạch Quốc gia Libya, cùng với anh ta cơ cấu lại nền kinh tế ở đất nước này.

Ban đầu, Jibril cho hay, ông cần ít nhất là một năm để suy nghĩ về lời đề nghị đó. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, người ta đã bị bất ngờ khi thấy một kênh truyền hình đưa tin xác nhận ông đã nhậm chức. Tới năm 2009, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng phát triển kinh tế quốc gia Libya.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng tạm quyền Libya Mahmoud Jibril  

Một nguồn tin ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ ra ngoài vào tháng 10 năm đó mô tả ông Jibril là một người đối thoại quan trọng – người hiểu rõ các quan điểm của Mỹ. Trước đó, một thông tin ngoại giao khác của Mỹ cũng từng mô tả ông là người “có đầu óc cải cách”.

Gene Cretz, đại sứ Mỹ ở Libya từng viết về ông Jibril như sau: “Ông ấy đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thay thế hệ thống cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng ở đất nước nhỏ bé này và đào tạo nhân lực cho Libya, đồng thời từng kêu gọi sự hỗ trợ của công chúng và các cá nhân thành đạt ở Mỹ để làm được điều này. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực nhằm “bán” chế độ này cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Jibril chỉ nhận được sự thất vọng từ phía chính phủ nên đã tuyên bố xin từ chức trong nhiều năm liền, nhưng Gaddafi không chịu để ông ra đi cho tới tận năm ngoái, khi chính ông tự từ bỏ chế độ này”.

Chỉ vài tháng sau đó, Jibril trở thành một trong số những người đầu tiên gia nhập Hội đồng quốc gia lâm thời Libya. Trong nhiều tuần qua, Jibril đã sử dụng hết những thế mạnh mình có vào việc thuyết phục các nước thôi đóng băng khối tài sản khổng lồ của người Libya để giúp họ sớm thành lập được chính phủ mới, chi trả cho các khoản vật tư y tế, và sớm có được các đồ cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Tham vọng thực sự của Thủ tướng tạm quyền Mahmoud Jibril là gì? 

Ông Jibril vẫn may mắn trụ lại được trong NTC sau những biến động vừa qua - khi hàng loạt quan chức khác trong ban điều hành bị sa thải vào đầu tháng này do phản ứng quá chậm trước vụ ám sát Abdul Fatah Younis, một tướng chỉ huy hàng đầu ở Benghazi của phe nổi dậy. Sau đó, người ta đã đề nghị ông Jibril lập một hội đồng mới.

Một trong những thách thức lớn hiện tại đối với ông Jibril là xoa dịu những quan ngại của các nước phương Tây; khi nhiều nhà lãnh đạo các cường quốc e ngại trước tình trạng người Hồi giáo chiếm một phần đáng kể trong hàng ngũ của phe nổi dậy. Không chỉ thế, họ cũng sợ phiến quân đang tham gia vào một cuộc nội chiến bộ lạc Đông chống Tây.

Tương tự như nhiều nhà lãnh đạo khác, ông Jibril đã cam kết sẽ chỉ phục vụ chính phủ lâm thời trong một giai đoạn nhất định và sẽ không là ứng cử viên trong chiến dịch tranh cử dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4 năm tới.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn