Libya 19/9: Cựu Thủ tướng Anh bị ngờ đi đêm với Gaddafi

Thế giớiThứ Hai, 19/09/2011 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Xuất hiện bằng chứng cựu Thủ tướng Anh từng gặp riêng Gaddafi trước vụ đánh bom Lockerbie giữa lúc NTC bổ nhiệm các thành viên cho chính phủ mới.

(VTC News) - Xuất hiện bằng chứng cựu Thủ tướng Anh từng gặp riêng Gaddafi trước vụ đánh bom Lockerbie giữa lúc các thành viên của Hội đồng quốc gia lâm thời Libya (NTC) bổ nhiệm các thành viên trong chính phủ mới.

Tờ Sunday Telegraph vừa đưa tin, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair  từng 2 lần gặp riêng nhà lãnh đạo hiện đang bị thất thế ở Libya – Gaddafi trước vụ đánh bom Lockerbie.

Ông Tony Blair hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc giải thích mối quan hệ giữa bản thân và nhà lãnh đạo đang bị thất thế ở Libya – Gaddafi, đồng thời phải làm rõ vai trò của mình trong vụ đánh bom Lockerbie.

Theo Sunday Telegraph, các tài liệu được phát hiện ở Tripoli cho thấy, Gaddafi đã sắp xếp để “có khoảng thời gian riêng tư” với ông Blair trên máy bay riêng của mình vào tháng 6/2008 và tháng 4/2009.

 

Các cuộc đàm phán này xảy ra đúng lúc Libya đang dọa sẽ cắt đứt tất cả mọi liên kết thương mại với Anh nếu Abdelbaset al-Megrahi không được trả tự do. Vào thời điểm đó, Megrahi đang bị giam giữ tại một nhà tù ở Scotland sau khi bị buộc tội đánh bom chuyến bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie vào năm 1988, gây ra cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở Anh khiến ít nhất 270 người thiệt mạng.

Một phát ngôn viên của ông Blair thừa nhận, Libya từng đề nghị trả tự do cho Abdelbaset al-Megrahi, tuy nhiên, người này khẳng định, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã chỉ trả lời họ một cách đơn thuần rằng đó là việc của giới chức Scotland. Phát ngôn viên này nhấn mạnh, không có yếu tố thương mại nào trong các cuộc họp đó, mặc dù ông Blair từng tham gia vào cuộc họp năm 2009 với một nhà đầu tư người Mỹ khá có tiếng.

Tuy nhiên, những tiết lộ mới nhất này có thể sẽ làm tăng áp lực lên ông Blair, buộc ông phải công khai toàn bộ các giao dịch của mình với Gaddafi kể từ khi ông từ nhiệm vào năm 2007. Người thân của các nạn nhân trong vụ đánh bom Lockerbie đã tỏ ra vô cùng phẫn nộ khi biết những thông tin trên.

 

Pam Dix, chị của một trong số các nạn nhân trên chuyến bay Pan Am 103 định mệnh đó đã nói với tờ Sunday Telegraph, cô tin rằng vụ đánh bom là một "phi vụ làm ăn" giữa Gaddafi và Tony Blair, trong đó ông Blair đã được Gaddafi “bồi thường” vì vụ tấn công, gây rối kể trên.

Việc sắp xếp đàm phán và các hợp đồng tư vấn ở Mỹ và Trung Đông đã giúp ông Blair ngày càng giàu có hơn sau khi từ nhiệm. Theo ước tính của Sunday Telegraph, tài sản cá nhân của ông rơi vào khoảng từ 20  tới 60 triệu Bảng Anh. Không chỉ thế, ông Blair còn kiếm được khoảng 2,5 triệu Bảng mỗi năm nhờ làm việc cho ngân hàng đầu tư của Mỹ JP Morgan, trong đó bao gồm cả các lợi ích từ việc kinh doanh ở Libya.

Hiện trường vụ đánh bom ở Anh năm 1988 

Sunday Telegraph
tiết lộ, các tài liệu mới được phát hiện cho thấy trong cả 2 năm 2008 và 2009, ông Blair đều từ Sierra Leone ở Tây Phi tới thủ đô Tripoli để đàm phán trên một chiếc máy bay riêng do Gaddafi cung cấp.

Tình hình chiến sự

Những tay súng trung thành với nhà lãnh đạo Moammar Gaddafi hiện đang sử dụng nhiều loại vũ khí hạng nặng trong đó có súng cối để phản công quyết liệt, phục kích tiêu diệt phiến quân thuộc phe nổi dậy ở cửa ngõ phía bắc của thị trấn Bani Walid – một trong những nơi cuối cùng hiện đang dưới sự kiểm soát của lực lượng trung thành với Gaddafi. Trong khi đó, phe nổi dậy bắn trả bằng súng máy và tên lửa.

 
Tại Sirte, sau 2 giờ đụng độ nảy lửa, vào đêm qua, phiến quân thuộc Hội đồng quốc gia lâm thời Libya (NTC) đã buộc phải rút lui khỏi trung tâm thành phố này sau những đòn tấn công mạnh mẽ bằng hoả lực pháo binh hạng nặng của lực lượng trung thành với Gaddafi. Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương sau các cuộc đụng độ ở đây.

 

Mặc dù giao tranh đang rất quyết liệt, nhưng Ahmed Bani, phát ngôn viên của chính phủ lâm thời vẫn tuyên bố số ngày mà hai thị trấn còn lại thuộc về tay phe nổi dậy giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, đồng thời ông cũng kêu gọi lực lượng trung thành với Gaddafi hay tranh thủ cơ hội cuối cùng, đứng về phía phe nổi dậy chống lại ông ta.

Phát biểu tại Tripoli, ông Ahmed Bani nói: “Các binh lính và các sĩ quan nếu không tranh thủ chớp lấy lời kêu gọi cuối cùng này thì sẽ bị buộc tội phản bội”.

Tình hình của NTC

Vào hôm qua, NTC cho hay, họ đã trì hoãn đưa ra quyết định cuối cùng trong việc bổ nhiệm các thành viên của chính phủ mới. Được biết, tới đây, danh sách 36 thành viên thuộc chính phủ lâm thời sẽ được công bố. 36 người này sẽ là đại diện cho các khu vực khác nhau ở Libya.

Mahmud Jibril, một quan chức từng thuộc chế độ Gaddafi, hiện đang là thành viên của NTC bị tố không hề tham khảo ý kiến của các thành viên khác trước khi đưa ra quyết định bổ nhiệm cuối cùng. Ông Mahmud Jibril đang hi vọng sẽ giữ vững được chức Thủ tướng tạm quyền của mình, trong khi Ali Tarhuni dự kiến sẽ được bầu là Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh tế.

NTC bổ nhiệm thành viên cho chính phủ mới giữa lúc chiến sự đầy cam go, quyết liệt. 

Người phụ trách mảng Quốc phòng cho Libya dự kiến sẽ là Osama al-Juwili, còn người chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực khai thác dầu mỏ có thể sẽ là Abdel Rahman bin Yezza.

Phóng viên Hashem Ahelbarra của tờ Al Jazeera cho hay: “Những gì chúng tôi biết chắc chắn đến thời điểm này đó là 36 người đó sẽ đại diện cho các vùng, miền khác nhau ở Libya. Họ muốn đảm bảo rằng mỗi nhóm dân tộc khác nhau, mỗi thành phố khác nhau sẽ có một đại diện trong chính phủ lâm thời. Theo đề xuất, sẽ có từ 5 tới 6 vị Bộ trưởng là người Hồi giáo. Họ hiểu rằng những thách thức và khó khăn thời hậu Gaddafi sẽ vô cùng lớn nên họ muốn chọn những người hiện không thuộc đảng phái của Gaddafi”.

AP đưa tin, hiện vẫn chưa ai rõ tung tích của Gaddafi cùng một số cậu con trai và cố vấn thân cận của ông.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn