Túng tiền, quân đội Anh bán cả tàu sân bay với giá bèo

Thế giớiThứ Tư, 17/08/2011 10:27:00 +07:00

Nhằm bù đắp cho lỗ hổng ngân sách quân sự lên tới 36 tỷ bảng, Bộ Quốc phòng Anh đã rao bán trên mạng eBay tàu sân bay HMS Ark Royal với giá bèo: 3,5 triệu bảng.

Theo tờ Daily Mail, nhằm bù đắp cho lỗ hổng ngân sách quân sự lên tới 36 tỷ bảng, Bộ Quốc phòng Anh đã rao bán trên mạng eBay tàu sân bay HMS Ark Royal với giá bèo: 3,5 triệu bảng, trong khi chi phí đóng con tàu này lên tới 200 triệu bảng.

Ngoài ra, nhiều loại vũ khí khác cũng đang được rao bán với giá như “vứt đi” như một số tàu hộ tống Type 22 được đóng với chi phí 400 triệu bảng, và tầu khu trục Type 42 với giá 1 triệu bảng/chiếc.

Không chịu kém cạnh hải quân trong việc bán tháo vũ khí, không quân Anh cũng đang gạ bán 13 máy bay lên thẳng Gazelle với giá “như đùa” - 100.000 bảng/chiếc trong khi giá thành chế tạo mỗi chiếc khoảng 5 triệu bảng.

 

Nhân dịp này, người chán chơi ôtô con chỉ cần bỏ ra 12.000 bảng sẽ nghiễm nhiên có trong tay một “con xe” bọc thép Jaguar có giá thành sản xuất lên tới 200.000 bảng. Còn như nếu thích “diện” một chiếc khoác SAS smock của lực lượng đặc nhiệm có giá thành 350 bảng, bạn chỉ cần chi 35 bảng là sẽ được toại nguyện.

Báo The Guardian cho rằng Bộ Quốc phòng Anh đang tìm cách bán đổ bán tháo “mọi thứ có thể tưởng tưởng được.”

Trên mạng Equipment & Sale của Bộ Quốc phòng Anh rao bán cả các thiết bị dùng trong hoạt động tình báo, những loại đồng hồ đắt tiền như một chiếc đồng hồ đeo tay nữ loại Crystal Dior gắn 48 viên kim cương 0,24 cara giá 4.000 bảng, một đồng hồ đeo tay nam Maurice Lacroix mặt ngọc Saphire chống xước trị giá 5.000 bảng.

Không chỉ đồng hồ đắt tiền mà cả những thứ tạp nham đủ mọi loại như đệm tầu, một chiếc ghế của bác sĩ nha khoa và loại màng không thẩm thấu để bảo vệ chân và miệng cũng được cháo bán trên mạng này với giá “như cho không”.

Hồi tháng Hai, Anh đã bán tàu sân bay HMS Invincible, trọng tải 17.000 tấn, từng tham gia cuộc xung đột tại quần đảo Manvinat với Argentina năm 1982 cho công ty Leyal Ship Recycling của Thổ Nhĩ Kỳ tháo dỡ làm sắt vụn.

Theo
Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn