Pháp đổi gió, P5 bối rối trước tố cáo của Gaddafi

Thế giớiThứ Ba, 12/07/2011 07:45:00 +07:00

(VTC News) - Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya đã chuyển lên Hội đồng Bảo an khiếu nại của Gaddafi về các vụ đánh bom gây cái chết cho dân thường của NATO.

(VTC News) - Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Abdel Elah Al-Khatib đã chuyển lên Hội đồng Bảo an khiếu nại của Tổng thống Gaddafi về các vụ đánh bom gây cái chết cho dân thường của NATO trong cuộc họp kín ngày 11/7. HĐBA chưa có bất kỳ phản ứng nào trước lời tố cáo này.

Trở về từ Tripoli, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Abdel Elah Al-Khatib đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Gaddafi và phe nổi dậy Libya ngồi vào bàn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột hao người tốn của ở quốc gia này: "Rõ ràng, để chấm dứt bất kỳ xung đột nào cũng cần đến một giải pháp chính trị, và giải pháp đó phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Libya về một tương lai hòa bình, dân chủ."

Theo báo cáo của ông gửi lên Hội đồng Bảo an, cả hai phe đều yêu cầu được sử dụng tài sản hiện đang bị đóng băng của Libya ở nước ngoài với mục đích đề xuất là "mua lương thực và thuốc men."

Cha con Tổng thống Libya Gaddafi  

Trong khi HĐBA chưa có phản ứng gì về lời tố cáo của Gaddafi về các vụ không kích, thì một nước thành viên thường trực HĐBA đồng thời là một trong nhưững ngọn cờ đầu của liên quân, Pháp, dường như đang thay đổi thái độ đối với cha con Gaddafi.

Tờ El Khabar đã dẫn lời Saif al-Islam, con trai của Tổng thống Gaddafi trả lời phỏng vấn tại thủ đô Tripoli: "Sự thật là chúng tôi đã đàm phán với Pháp, chứ không phải là với phiến quân nổi dậy. Đặc phái viên được cử tới gặp Tổng thống Pháp của chúng tôi cho hay, ông Sarkozy đã nói rõ ràng rằng Pháp đã thành lập ra hội đồng của phiến quân nổi dậy và nếu không có sự ủng hộ về mặt tinh thần, sự viện trợ tiền bạc, vũ khí của họ thì hội đồng đó sẽ không bao giờ tồn tại được".

Cậu con trai của nhà lãnh đạo Gaddafi cũng tiết lộ: "Phía Pháp cho biết: Nếu chúng tôi đạt được một thỏa thuận với các ông ở thủ đô Tripoli, chúng tôi sẽ buộc phiến quân nổi dậy phải ngừng bắn".

Những lời bình luận trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet nói trên truyền hình rằng giờ là lúc Hội đồng quốc gia lâm thời Libya nên tiến tới đàm phán với chính quyền Gaddafi.

Pháp kêu gọi chính phủ Libya và phiến quân nổi dậy nên đàm phán vì hoà bình. 

Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, NATO sẽ ngừng không kích Libya ngay khi những người trung thành với ông Gaddafi và phiến quân nổi dậy bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp. Đây được xem là một sự thay đổi đáng kể về vị trí của Pháp trong cuộc nội chiến ở Libya, mặc dù Paris luôn tuyên bố mục tiêu cuối cùng của họ vẫn là việc ông Muammar Gaddafi phải từ bỏ quyền lực.

Phát biểu trên truyền hình, ông Longuet nói: "Chúng tôi đã đề nghị họ đàm phán với nhau. Vị trí của Hội đồng quốc gia lâm thời Libya còn khá xa vời so với các vị trí khác. Vậy nên, giờ là lúc cần phải ngồi vào bàn để đàm phán. NATO sẽ ngừng đánh bom ngay khi hai bên đối lập đàm phán với nhau và quân đội của cả hai phía quay trở lại doanh trại của mình. Họ có thể đàm phán với nhau ngay bây giờ, bởi chúng tôi đã chỉ cho họ thấy không thể giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực".

Phiến quân nổi dậy đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ chỉ chấp nhận đàm phán khi nhà lãnh đạo Libya Gaddafi chịu từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, trước áp lực từ phía các nước phương Tây, có thể họ sẽ phải “nhượng bộ” để tiến tới đàm phán với chính phủ đương thời.


Phiến quân chỉ chấp nhận đàm phán khi ông Gaddafi từ bỏ quyền lực. 

Bộ trưởng Ngân sách Valerie Pecresse của Pháp vào hôm thứ 7 cho hay, chiến dịch quân sự ở Libya đã ngốn của họ 160 triệu Euro. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng liên tục tấn công, họ chưa thu được kết quả khả quan nào như mong đợi.

Pháp là một trong số những quốc gia đầu tiên ở phương Tây luôn tìm cách khiến ông Gaddafi phải từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, câu nói trên của ông Longuet cho thấy có vẻ như Pháp đang càng lúc càng thiếu kiên nhẫn vào sự tiến triển của chiến dịch quân sự nhằm chống lại nhà lãnh đạo Libya.

Sau hơn 3 tháng rải bom, các nhà lãnh đạo thế giới vẫn đau đầu nghĩ cách làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến ở Libya – nơi mà hiện tại phiến quân đang tiếp quản một khu vực khá rộng ở phía đông, và vừa mới nới lỏng được một chút vòng vây ở thành phố Misurata, nhưng vẫn chưa thể thâm nhập được vào thủ đô Tripoli mặc dù có sự hậu thuẫn không nhỏ của NATO.

Vô Thường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn