Tranh chấp Trung - Nhật - Hàn dậy sóng biển Hoa Đông

Thế giớiThứ Ba, 05/07/2011 07:10:00 +07:00

(VTC News) - Vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông của 3 nước Đông Bắc Á Trung - Nhật - Hàn chứa nguồn dầu khí tự nhiên cao gấp 10 lần Arab Saudi.

(VTC News) - Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ gửi hồ sơ về vấn đề mở rộng ranh giới ngoài thềm lục địa tại biển Hoa Đông lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) Liên Hợp Quốc trong năm nay, một động thái được cho sẽ gây ra tranh chấp về khu vực đặc quyền kinh tế với Trung Quốc và Nhật Bản; giữa lúc quan hệ 2 nước này trên biển Hoa Đông cũng đang hết sức căng thẳng. 

Các quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết, đề xuất gửi lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) sẽ nhắc lại luật định về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng ra ngoài 200 dặm hải lý tính từ đường cơ sở.

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho hay: "Để đệ trình một văn bản chính thức lên CLCS, chính phủ Hàn Quốc đang xem xét và xử lý các dữ liệu liên quan. Ngay sau khi hồ sơ được hoàn tất, chúng tôi sẽ chính thức trình lên Liên Hợp Quốc thông qua tiến trình cần
thiết."

Trong hồ sơ đệ trình, chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ khẳng định thềm lục địa của bán đảo Triều Tiên kéo dài từ vùng biển lục địa đến vùng lõm Okinawa thuộc biển Hoa Đông.

Sơ đồ vùng biển tranh chấp giữa 3 nước

Theo Công ước Luật Biển của LHQ, các nước có nhu cầu phân định thềm lục địa vượt quá 200 hải lý phải gửi thông tin liên quan lên CLCS. Các quan chức chính phủ cho biết, tài liệu mà Seoul đệ trình Liên Hợp Quốc trong năm nay có thể sẽ kéo theo động thái tương tự của Trung Quốc.

"Việc xác định lãnh thổ thềm lục địa sẽ được thực hiện thông qua việc cắm mốc phân giới giữa hai nước" - vị quan chức chính phủ cho hay.

Trong khi đó, cũng trên biển Hoa Đông, quan hệ Trung - Nhật lại tiếp tục căng thẳng. Hôm 4/7, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về phản ứng của Trung Quốc đối với việc việc tàu cá Nhật Bản hoạt động ở vùng biển gần đảo tranh chấp Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời: "Phía Trung Quốc đã gửi công hàm ngoại giao phản đối chính thức tới Nhật Bản, yêu cầu nước này lập tức đưa các tàu cá rời khỏi vùng biển kể trên."

Trước đề nghị bình luận về một số thông tin cho rằng tàu cá của Nhật Bản thuộc nghiệp đoàn đánh cá Okinawa đã tới vùng biển này khai thác, ông Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Từ thời cổ xưa, đảo Điếu Ngư và các đảo liền kề là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và Trung Quốc duy trì chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực đảo này. Mọi hành động của phía Nhật Bản tại vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư đều là bất hợp pháp và phi lý."

Vị trí Okinawa

Trước đó, sáng sớm ngày 3/7, lực lượng bảo vệ trên biển của Nhật đã phát hiện tàu ngư chính 201 của Trung Quốc tại vùng biển cách quần đảo nói trên khoảng 31 km. Đây là lần đầu tiên kể từ trận động đất hồi tháng 3, Nhật phát hiện tàu Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp. Phía Nhật đã yêu cầu tàu ngư chính 201 rời khỏi khu vực, nhưng tàu Trung Quốc đáp lại rằng đây là vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc. Đến 10 giờ sáng cùng ngày, tàu Trung Quốc mới rời vùng biển này.

Vùng biển tranh chấp thuộc biển Hoa Đông chứa nguồn dầu khí tự nhiên cao gấp 10 lần so với khu vực Arab Saudi và nằm trên khu vực biên giới biển tranh chấp của ba nước Đông Bắc Á. Hàn Quốc dự kiến sẽ tổ chức đàm phán với Trung Quốc về việc cắm mốc phân giới trên biển vào cuối năm nay. Một cuộc đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ được tổ chức trong năm nay.

Phương Mai - Đỗ Hường (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn