17/5: Phe Gaddafi chạy sang Nga 'cầu cứu'

Thế giớiThứ Ba, 17/05/2011 07:42:00 +07:00

(VTC News) - NATO tiếp tục dội bom dinh thự của TT Gaddafi, chính phủ Libya phản ứng với Tòa Hình sự quốc tế, phiến quân muốn xử "đối thủ" tại gia.

(VTC News) - NATO tiếp tục dội bom dinh thự của TT Gaddafi, chính phủ Libya phản ứng với Tòa Hình sự quốc tế, phiến quân muốn xử "đối thủ" tại gia.

NATO dội bom dinh thự của TT Gaddafi



Vào đêm hôm qua (16/5), 3 vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thủ đô Tripoli. Mục tiêu tấn công của NATO tiếp tục là khu dinh thự tráng lệ Bab al-Aziziya của nhà lãnh đạo Moammar Gaddafi ở đây.

Người ta đã nhìn thấy nhiều đám khói đen dày đặc bao phủ khu dinh thự không lâu sau khi nghe thấy vụ nổ xảy ra vào khoảng 20h (theo giờ địa phương – tức là khoảng 1h sáng ngày hôm nay – ngày 17/5, theo giờ Việt Nam), cùng với đó là tiếng các máy bay phản lực bay vè vè trên không phận ở khu vực này mà các nhân chứng cho rằng chúng chắc chắn thuộc sở hữu của NATO.
 

Tiếng súng giòn dã và tiếng còi báo động inh ỏi làm náo loạn các đường phố gần khu dinh thự này trong vòng vài phút sau khi cuộc không kích xảy ra.

Cũng trong ngày hôm qua, các công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế đã yêu cầu tổ chức này thực hiện một lệnh bắt giữ đối với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi, con trai ông - Saif al-Islam Gaddafi,  và người đứng đầu cơ quan tình báo Libya Abdullah Senussi. Các nhà chức trách cho rằng ba cá nhân trên đã phạm phải tội ác chống lại loài người khi ra lệnh giết những người biểu tình trong vòng ba tháng qua.

Lệnh bắt giữ hiện vẫn đang được tòa án xem xét và chờ đợi sự chấp thuận của họ. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, ba nhà lãnh đạo trên có thể sẽ bị bắt giam ở bất cứ quốc gia nào là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ sẽ phải ngồi tù.

Chẳng hạn, vào năm 2009, Tổng thống Sudan Omar Bashir cũng đã từng phải nhận một lệnh bắt giữ, tuy nhiên, hiện tại ông vẫn là người đứng đầu nhà nước này. Ông Bashir đã tới thăm các nước thuộc châu Phi khác kể từ khi lệnh bắt giữ được ban hành trong đó bao gồm cả một số lệnh có chữ kí của Tòa án Hình sự Quốc tế, thế nhưng nhà lãnh đạo này vẫn không bị ngồi tù.

Công tố viên Moreno Ocampo của Tòa án Hình sự Quốc tế cho biết ông đã nhận được nhiều cuộc gọi từ nội bộ Libya trong những tuần qua, tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng văn phòng của ông không bị đe dọa bị trả thù từ những người thực hiện các cuộc gọi đó.

Một trong những chiếc máy bay chiến đấu của NATO 

Trái lại, ông Ocampo còn cho rằng các cuộc gọi trên là một dấu hiệu cho thấy những cảm xúc đang dần thay đổi tại đất nước này bởi “ông Gaddafi đã cai trị Libya bằng những nỗi khiếp đảm, thế nhưng dường như giờ đây, người dân Libya đã không còn sợ hãi nữa”.

Chính phủ Libya “xem nhẹ” những tuyên bố trên

Trước những thông tin này, chính phủ Libya cho biết tuyên bố của các công tố viên không phù hợp với hiệp ước của Tòa án Hình sự Quốc tế và họ sẽ “lờ đi” bất kì một lệnh bắt giữ nào được ban hành.

Ngoại trưởng Libya Khaled Kaim đã cáo buộc rằng tòa án này đã nhằm vào các nhà lãnh đạo thuộc châu Phi trên một cách không công bằng, đồng thời khẳng định “chúng tôi sẽ không quan tâm lắm tới quyết định trên. Tòa án Hình sự Quốc tế chỉ là “một đứa con” của Liên minh châu Âu”.

Công tố viên Moreno Ocampo chưa tiết lộ thông tin liệu các quan chức Libya kể trên có hợp tác với họ trong quá trình điều tra hay không, nhưng đã đưa ra tuyên bố của ông về việc đề nghị bắt giữ những nhà lãnh đạo của đất nước này. Có vẻ như lời đề nghị trên của ông Moreno đã dựa vào các thông tin họ có được từ những kẻ đào tẩu khỏi đất nước này.

Phiến quân muốn “xử” ông Gaddafi tại Libya

Vào hôm thứ 2 (16/5) vừa qua, các lãnh đạo thuộc phe đối lập nói rằng ông Muammar Gaddafi nên bị xét xử tại chính quốc gia này trước khi bị dẫn giải tới Tòa án Hình sự Quốc tế.

Abdel-hafed Ghoga, phát ngôn viên của Hội đồng chuyển giao quốc gia Libya đã phát biểu trong một cuộc họp báo: “Quan điểm của chúng tôi là chúng ta có thể nên bắt giữ và xét xử ông ta ở Libya trước khi xét xử ở một tòa án quốc tế”.

Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov 

Phát ngôn viên này cũng nhấn mạnh rằng ông Gaddafi nên bị xét xử tại chính quốc gia này cho những tội ác mà ông đã gây ra trước và sau khi cuộc nội chiến xảy ra. Ông Ghoga cũng thừa nhận sẽ khó có thể thực hiện được lệnh bắt giữ trên nếu việc sử dụng lính đánh bộ không được chấp thuận ở Libya.

Do vậy, đại diện của phe đối lập cho hay: “Chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà chức trách quốc tế hỗ trợ trong việc bắt giữ ông Gaddafi. Đồng thời phe đối lập cũng sẽ cung cấp các bằng chứng về các tội ác mà chính quyền Gaddafi đã gây ra”.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov, cũng đã xác nhận rằng Tổng thống Gaddafi sẽ cử các đặc phái viên tới đất nước này vào ngày hôm nay (17/5) nhằm kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ của họ. Cũng theo ông Lavrow, các đặc phái viên này sẽ có buổi hội đàm với các nhà lãnh đạo của Nga ở Moscow trước khi lãnh đạo của phe nổi dậy tới đây để thảo luận vào ngày 18/5 tới.

Kiều Vui(tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn