Người diệt Bin Laden: học báo chí, ăn lương giáo viên!

Thế giớiThứ Năm, 05/05/2011 10:27:00 +07:00

Ít ai biết rằng người chỉ huy lực lượng SEAL, William H. McRaven lại tốt nghiệp đại học Texas-Austin năm 1977 với chuyên ngành... báo chí!

Sau khi chiến dịch tiễu trừ Osama bin Laden thành công, tên tuổi của lực lượng SEAL thuộc hải quân Mỹ đã nổi như cồn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng người chỉ huy lực lượng, William H. McRaven lại tốt nghiệp đại học Texas-Austin năm 1977 với chuyên ngành... báo chí!

"Tôi rất vui khi ai đó với bằng cấp báo chí mà lại gia nhập lực lượng đặc biệt, cuối cùng trở thành một SEAL,” Bobby Inman, giáo sư của trường LBJ School of Public Affairs (một trường thuộc đại học Texas- Austin) chia sẻ trên tờ Daily Texan. “McRaven đã chứng tỏ được mình thật sự là một sinh viên tốt nghiệp ưu tú của trường” - Bobby tiếp lời.

Hiện McRaven đang là phó đô đốc hải quân Mỹ, chỉ huy lực lượng SEAL, đơn vị tác chiến đặc biệt của hải quân Mỹ. Trước đó, ông từng tham gia vào chương trình Naval ROTC (Reserve Officers' Training Corps) đào tạo lính hải quân ở trường. McRaven đã từng dành giải đồng trong Defense Superior Service Medal (Một giải của bộ quốc phòng Hoa Kỳ trao cho các thành viên trong lực lượng quân đội với những chiến công đặc biệt).

 Phó đô đốc hải quân William McRaven (Nguồn: Navyseals)

McRaven cũng viết sách văn chương trên Special Ops vào năm 1995, về lịch sử một cuộc đột kích của đội đặc nhiệm thuộc Phát xít Đức để giải cứu Musssolini năm 1943, hay cuộc đột kích trong chiến dịch Entebbe (phi vụ giải cứu con tin do lực lượng phòng vệ Israel tiến hành tại sân bay Entebbe ở Uganda năm 1975). Luận văn ông viết tại trường cao học hải quân nay trở thành cuốn sách bắt buộc phải đọc với các chỉ huy của Special Ops (lực lượng đặc biệt).

Tờ Newsweek trích lời về sự can trường của McRaven năm 2004: “Bill (tên thân mật McRaven) là người thông minh nhất mà SEAL từng có.” Một cựu chỉ huy biết khá rõ về McRaven phát biểu. “Anh ấy rất cứng cỏi, giàu lòng trắc ẩn, và cũng có thể thọc dao vào mạng sườn bạn chỉ trong chớp mắt.”

Điều đáng nói là với nền tảng là một người tốt nghiệp ngành báo chí, McRaven rõ ràng đã tận dụng rất tốt lợi thế truyền thông trong việc phát triển sự nghiệp của mình, cũng như biến lực lượng SEAL trở thành “ngôi sao” sau chiến dịch tiêu diệt bin Laden.

Sau điệp vụ mang mật danh Geronimo (tên của vị thủ lĩnh da đỏ thuộc bộ tộc Apache từng khiến quân đội Mỹ điêu đứng trong thế kỷ 19), gần như tất cả các cơ quan truyền thống trên thế giới đều có bài viết về SEAL, đặc biệt là biệt đội ST6 (SEAL Team Six), biệt đội đã trực tiếp tấn công vào nơi ở của bin Laden tại Bilal, Abbottabad (Pakistan).

Điều này làm người ta nhớ lại vụ giải cứu các thợ mỏ bị sập hầm ở Chile năm ngoái. Chiến dịch giải cứu được truyền hình trực tiếp tới khắp thế giới, đem lại những giây phút nghẹt thở và cảm động như phim Hollywood ấy, do chính Tổng thống đương nhiệm của nước này Sebastian Pinera chỉ huy. Mà trước khi nhậm chức, ông Pinera chính là ông trùm truyền thông sở hữu hệ thống truyền hình lớn nhất Chile!

Quay trở lại với lực lượng SEAL giờ được truyền thông Mỹ ca ngợi là những người hùng của xứ sở cờ hoa, đã trở về quê hương trong ngày hôm nay. Theo kênh ABC thì họ đã đặt chân đến căn cứ không quân Andrews ở Washington DC.

Một chi tiết nữa chưa được giới chức Mỹ đề cập đến là liệu các thành viên tham gia chiến dịch tiêu diệt bin Laden sẽ được thưởng bao nhiêu. Còn theo những tài liệu của Bộ quốc phòng Mỹ, ước đoán mỗi thành viên lực lượng SEAL, với 12 năm kinh nghiệm và bậc lương E-7 – trung bình nhận được mỗi năm là 54.000 USD, tức tương đương với mức lương trung bình của các giáo viên Mỹ trong năm học 2008-2009!

Theo Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn