Khai mạc Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 7

Thế giớiThứ Ba, 03/05/2011 11:26:00 +07:00

Sáng 3/5, Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 7 (APF-7) đã khai mạc tại thủ đô Jakarta với sự tham dự của Phó Tổng thống Indonesia Boediono và hơn 1.300 đại biểu.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, sáng 3/5, Diễn đàn nhân dân ASEAN lần thứ 7 (APF-7) đã khai mạc tại thủ đô Jakarta với sự tham dự của Phó Tổng thống Indonesia Boediono và hơn 1.300 đại biểu đến từ các tổ chức nhân dân của 10 nước thành viên ASEAN và một số tổ chức khu vực.

Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam dẫn đầu.

Phát biểu trong phiên khai mạc, Phó Tổng thống Bôeđiônô nhấn mạnh với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Indonesia cam kết cố gắng thiết lập cơ chế đối thoại để mang tiếng nói của nhân dân đến với lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, sẵn sàng lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của người dân và phát huy hơn nữa sự tham gia đóng góp của người dân vào các hoạt động chung của ASEAN.

 

Với chủ đề “Tiến tới một ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm, vì một cộng đồng công bằng toàn cầu,” APF-7, diễn ra trong các ngày 3-5/5, tiếp tục lấy mục tiêu thúc đẩy quá trình hội nhập nội khối ASEAN, xây dựng một ASEAN hướng tới nhân dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với vị trí ngày càng được mở rộng.

Tại APF-7, thông điệp của đoàn Việt Nam đã hướng sự chú ý của các đại biểu 10 nước thành viên ASEAN vào ba vấn đề được quan tâm: ngăn chặn chạy đua vũ trang, bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông; mối quan ngại về các dự án xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong; và cuộc đấu tranh vì công lý của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam.

Bản thông điệp nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phát triển lấy con người làm trung tâm và thân thiện với môi trường, chứ không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Cũng như vậy, hợp tác kinh tế phải trên tinh thần phối hợp và cùng có lợi, thay vì cạnh tranh mù quáng và nhấn chìm lẫn nhau."

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Trần Đức Lợi nhấn mạnh ý nghĩa và mục tiêu của APF-7 là nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm giữa nhân dân các nước thành viên ASEAN.

Cũng như các diễn đàn trước đó, APF-7 là cơ hội để người dân bày tỏ nguyện vọng và mong muốn của mình với lãnh đạo chính phủ. Kết quả của Diễn đàn sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung gửi tới Hội nghị cấp cao ASEAN.

Ông Trần Đức Lợi lưu ý: "Kinh tế đang phát triển rất nhanh chóng trong khu vực ASEAN, nhưng đi kèm với nó là biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường. Một trong những mối lo ngại là việc xây dựng các đập thuỷ điện trên sông Mekong có thể gây ảnh hưởng khó lường đến biến đổi khí hậu, đến đa dạng sinh học và cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở vùng hạ lưu. Việt Nam kêu gọi các quốc gia liên quan hợp tác chặt chẽ, thiện chí với nhau để bảo vệ sông Mekong, vì lợi ích của người dân, an ninh lương thực và môi trường vùng hạ lưu sông Mekong."

Nhân dịp này, tại khách sạn Ciputra - nơi diễn ra APF-7, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam cũng đã thực hiện góc triển lãm về tác hại và di chứng nặng nề của chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, Lào và Campuchia, qua đó kêu gọi các tổ chức nhân dân và định chế ở các quốc gia ASEAN tiếp tục đoàn kết và hành động để ủng hộ những nạn nhân này.

Sau lễ khai mạc đã diễn ra phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề "Những chiều hướng và thách thức trong ASEAN," dưới sự chủ tọa của Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, ông Trần Đức Lợi, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Nur, Hassan Wirajuda và bà Jenina Joy Chavez thuộc tổ chức "Focus on Global South" của Philipin.

Phát biểu kết thúc phiên họp, ông Viragiuđa nhấn mạnh trên cơ sở Hiến chương ASEAN, Chương trình hành động của ASEAN, sự nhất trí chung hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các chính phủ, các cộng đồng và tổ chức nhân dân trong ASEAN cần thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa, đảm bảo các quyền con người, hướng tới một Cộng đồng ASEAN vì nhân dân.

Được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN, khai mạc ngày 6/5 tới, đại diện các tổ chức nhân dân của 10 nước ASEAN sẽ có buổi tiếp kiến lãnh đạo các nước ASEAN vào ngày 7/5 và trình bày những thông điệp chung đã được thống nhất tại APF-7.

Bắt đầu từ năm 2005 tại Malaysia, đến nay, APF đã trở thành một hoạt động thường niên thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của nhân dân các nước ASEAN. Năm 2010, APF-6 được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) với nhiều sự cải tiến trong quá trình chuẩn bị và tổ chức, được các tổ chức nhân dân nhiều nước nghiên cứu vận dụng.

Theo Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn