"Sóng thần châu Phi": Quả đắng của phương Tây

Thế giớiThứ Tư, 20/04/2011 01:25:00 +07:00

Các nước lớn châu Âu nhiệt thành ủng hộ những vụ bạo loạn ở Bắc Phi mà dường như chẳng hiểu gì về quả đắng mà họ sẽ nhận lại - dòng người nhập cư bất hợp pháp.

Các nước lớn ở châu Âu nhiệt thành ủng hộ những vụ bạo loạn ở Bắc Phi mà dường như chẳng hiểu tí gì về quả đắng mà họ sẽ nhận lại - dòng người nhập cư bất hợp pháp, không chỉ từ ngoài rìa mà ngay cả từ trung tâm châu Phi, như sóng thần ập vào bờ biển các nước châu Âu. 


Các quốc gia Bắc Phi vốn được coi là “tấm màn sắt” ngăn không cho dòng người nhập cư từ phía Nam tràn qua châu Âu. Nhưng các hoạt động quân sự của NATO đã khiến cho rào chắn đó sụp đổ. Vị trí địa lý đẩy Italia vào thế bí – đảo Lampedusa bé con con với 5.000 dân là mảnh đất châu Âu gần với châu Phi nhất. Hiện tại đã có trên 25.000 người Phi nhập cư lậu vào đây.

 Thuyền nhân châu Phi đổ bộ lên đảo Lampedusa

Dân bản địa quá bức xúc, họ đã đẩy được 330 thuyền nhân ngược trở lại Tuynidi. Chính phủ Italia tuyên bố tình trạng khẩn cấp, còn Thủ tướng Silvio Berlusconi thì đòi EU giúp đỡ về vật chất và tiếp nhận dù chỉ một phần “những vị khách không mời”. Tuy nhiên các nước châu Âu khác đều “giả điếc”. Chẳng hạn, Chính phủ Đức tuyên bố rằng làn sóng nhập cư lậu từ châu Phi hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Italia và chỉ miễn cưỡng đón không quá… 100 thuyền nhân. Người Italia coi hành động này là sự diễu cợt không hơn không kém.

Trong cơn tuyệt vọng, Chính phủ Italia đã cấp cho những người nhập cư bất hợp pháp giấy tạm trú hoàn toàn hợp pháp. Lý do rất dễ hiểu – điều này tạo cho bất kỳ thuyền nhân nào cơ hội tự do di chuyển trong các vùng lãnh thổ chịu hiệu lực của Hiệp định Schengen (gồm 25 nước thành viên ở châu Âu), có nghĩa là ra khỏi Italia để đến các nước láng giềng. Thực tế diễn ra đúng như vậy: dân nhập cư lậu chen nhau mua vé tàu hỏa sang Pháp.

Nhưng họ không vượt qua được biên giới vì Pháp đã vội vàng đóng cửa tuyến đường sắt nối với Italia. Hàng trăm người Phi bị lùa khỏi các toa tàu và họ đã tổ chức cuộc biểu tình ngồi ngay trên đường ray để phản đối.

Italia rất tức tối trước hành động của Pháp. Bộ Ngoại giao Italia thậm chí còn dọa, nếu EU từ chối giúp giải quyết vấn đề thuyền nhân châu Phi thì nước này sẽ “nghĩ đến chuyện rút khỏi” Liên minh châu Âu.

Người Nga nhìn nhận vấn đề thuyền nhân châu Phi tại châu Âu theo cách riêng. Ông Mikhail Leontyev, Tổng biên tập tạp chí “Ognako”, nhận xét: “Đó là cái giá mà phương Tây phải trả cho chủ nghĩa thực dân. Nếu làn sóng bạo loạn ở Trung Đông và châu Phi không dừng lại thì nó sẽ bao trùm lên (toàn bộ) châu Âu. Tại châu Âu đã tích tụ sự phản kháng, các thế lực bài ngoại đang vùng lên. Điều gì tiếp theo? Tôi cho rằng sẽ diễn ra một trong hai kịch bản: hoặc là châu Âu sẽ giải quyết được vấn đề này, hoặc châu Âu… ngừng tồn tại. Nhưng bản thân người nhập cư không muốn hòa nhập, còn đẩy họ ra thì hãy nhìn sang Ixraen. Nước này xây dựng các bức tường ngăn cách với người Arập. Nhưng tại Ixraen người Arập cứ gọi là đông vô kể, chẳng tránh được họ đâu. Nước Pháp ngăn các đoàn tàu chở thuyền nhân châu Phi phỏng có ích gì khi một nửa số học sinh tiểu học ở chính nước này không phải là người Pháp?”

Ngày 17/4 Pháp đã đóng cửa đường biên giới để ngăn không cho các chuyến tàu từ Italia chở người nhập cư châu Phi vào nước này qua đường biên giới Ventimiglia - Menton. Paris và Rome đang bất đồng về cách giải quyết khủng hoảng nhập cư, trong bối cảnh làn sóng người nhập cư bất hợp pháp từ khu vực Bắc Phi tràn vào Italia và các nước trong khu vực châu Âu. Paris cho rằng Rome nên trục xuất thẳng những người nhập cư trái phép về nước thay vì cho phép họ sang các nước EU. Italia lập tức chỉ trích Pháp vi phạm các nguyên tắc của châu Âu. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Pháp khẳng định, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì các lý do an ninh.

Theo Trần Quang Vinh (Newsland/Tầm nhìn)

Bình luận
vtcnews.vn