Thị trưởng dỡ bỏ "biểu tượng nước Pháp" vì... vòng 1 bự

Thế giớiThứ Bảy, 02/04/2011 03:12:00 +07:00

(VTC News) - Thị trưởng một thị trấn ở Pháp vừa cho dỡ bỏ bức tượng bán thân Marianne khỏi tòa thị chính của mình do “ngực của nó quá lớn”.

(VTC News) - Thị trưởng của một thị trấn ở Pháp vừa cho dỡ bỏ bức tượng bán thân Marianne khỏi tòa thị chính của mình do “ngực của nó quá lớn”.

Bức tượng bán thân Marianne – hiện thân của người phụ nữ Pháp truyền thống với chiếc mũ Phrygian trên đầu – là tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ ở địa phương. Nó được đặt tại tòa thị chính của thị trấn Neuville-en-Ferrain, nơi có tới 10.000 người dân.

Một nhân viên làm việc trong tòa thị chính nhận xét: “Nó khiến mọi người xì xào khi tới đây”. Do vậy, Thị trưởng Gerard Cordon đã thuyết phục hội đồng phê duyệt khoảng 900 Euro ngân sách trong năm nay để mua một bức tượng khác thay thế.

Bức tượng bán thân Marianne sẽ bị dỡ bỏ 

Theo ông Gerard, bức tượng thay thế đại để vẫn sẽ như bức tượng bán thân Marianne này, nhưng sẽ được mô phỏng theo dáng hình người mẫu Laetitia Casta chẳng hạn.

Tuy nhiên, một quan chức khác làm việc ở đây tỏ ra tiếc nuối khi dỡ bỏ bức tượng này, bởi “đó là một bức tượng độc đáo và đây không phải là quyết định của tập thể, mà chỉ là của cá nhân ngài Thị trưởng mà thôi”.

Sau khi biết tin bức tượng của mình bị dỡ bỏ, bà Catherine Lamacque – chủ nhân của nó đã lên tiếng nói rằng bà đã cố tình thiết kế cho nó một bộ ngực “khủng” như vậy “để tượng trưng cho sự hào phóng của Pháp”. Bà Catherine còn bức xúc nói: “Ngài thị trưởng đã rất hài lòng về nó trong mấy năm trở lại đây. Ông ấy đã chọn nó trong số các thiết kế khác thậm chí từ trước khi tôi nung nó. Quyết định hiện tại của ông ấy thật vô lý. Tôi hi vọng ông ấy sẽ không cho phá hủy nó”.

Tòa thị chính đã mua bức tượng làm từ đất nung này của bà với giá 1.400 Euro vào năm 2007.

Tượng Marianne được xem là biểu tượng nổi bật nhất của Cộng hòa Pháp. Marianne là hình ảnh bán thân của một người phụ nữ đội chiếc mũ Phrygian – biểu tượng tự do của những người cách mạng ở miền Nam.

Có nhiều giả thiết về nguồn gốc tên gọi cũng như hình ảnh của Marianne. Có người phỏng đoán Marianne xuất phát từ bài hát La garisou de Marianno (Sự hồi phục của Marianne) được nhà thơ viết lời bằng thổ ngữ xứ Provence và rất phổ biến trong Cách mạng Pháp 1789; một vài người thì cho rằng có lẽ đó là tên của một phụ nữ đã chăm sóc các chiến sĩ cách mạng bị thương; trong khi cũng có giả thiết cho rằng Marianne đơn giản là từ ghép của Marie-Anne, một cái tên phụ nữ được ưa chuộng thời đó.

Hình ảnh của Marianne trong các tác phẩm nghệ thuật thường là đội mũ phrygian tượng trưng cho tự do (cũng như xiềng xích bị đập gãy dưới chân nàng), để ngực trần thể hiện sự giải phóng con người. Xung quanh nàng là những vật tượng trưng khác như chú gà trống choai, phù hiệu ba màu đỏ trắng xanh, miệng hoặc chân sư tử (tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh của nhân dân), ngôi sao (ánh sáng, trí tuệ và chân lý), tam giác (sự bình đẳng), hai tay bắt vào nhau (tinh thần bác ái), cán cân (công lý), tổ ong (lao động và sự cần cù), những tia sáng (quyền lực nhà nước)…

Ngày nay, biểu tượng Marianne hiện diện khắp nơi trên nước Pháp và còn được đặt nơi trang trọng trong các đại sảnh lớn hay ở tòa án. Thậm chí những diễn viên nữ nổi tiếng ở Pháp cũng được trao danh hiệu Marianne.

Kiều Vui(theo telegraph)
Bình luận
vtcnews.vn