Tướng công an nói về tình hình Libya

Thế giớiThứ Tư, 23/03/2011 10:02:00 +07:00

TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an): "Cuộc chiến này là đẫm máu, về mặt đạo lý là phi nghĩa"

TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an): "Cuộc chiến này là đẫm máu, về mặt đạo lý là phi nghĩa"

 
Tại sao Anh, Pháp, Mỹ lại tấn công Libya vào thời điểm này? Đằng sau hành động tấn công này là gì và tương lai của Libya sẽ như thế nào? PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) phân tích.


PV: Xin Thiếu tướng phân tích, tại sao phương Tây lại tấn công Libya vào thời điểm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thật ra Mỹ, Pháp, phương tây nói chung tấn công Libya vào thời điểm này là việc đã được họ chờ đợi nhiều chục năm nay. Ông Gaddafi làm Tổng thống Libya từ năm 1969 và ông ta thực thi một chính sách đối ngoại quay lưng lại với Mỹ, phương Tây. Dưới quan điểm của Mỹ, phương Tây Gaddafi là một cái gai trên bờ biển Địa Trung Hải và Trung Đông Bắc Phi. Lâu nay Mỹ và Tây Âu chưa có cớ nào để loại bỏ ông Gaddafi cả.

Khi một bộ phận dân chúng nổi dậy chống ông Gaddafi, Mỹ và phương Tây không bỏ lỡ cơ hội này và bằng mọi cách để có Nghị quyết 1973 của Liên Hợp Quốc. Và đây là giải pháp cuối cùng mà Mỹ thực ra đã chuẩn bị từ lâu rồi.

Thái độ của Mỹ, phương Tây đối với Gaddafi khác hẳn với ông Bennani ở Tunisia, khác hẳn với thái độ của ông Mubarak ở Ai Cập. Có những người đã làm bức tường sống để bảo vệ Gaddafi. Điều này có nghĩa một bộ phận không nhỏ ủng hộ ông Gaddafi.

PV: Theo ông, bản chất quyết định tấn công Libya mà ba nước chủ chốt là Anh, Pháp và Mỹ tiến hành là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mục tiêu thứ nhất là bằng mọi cách loại bỏ Gaddafi và chính quyền của ông ta; thứ hai là tiến tới xây dựng một nhà nước sau Gaddafi, một nhà nước chắc chắn là nằm trong quỹ đạo thân Mỹ, phương Tây để tạo nên một bàn cờ mới ở Bắc Phi, Trung Đông. Đấy là mục tiêu lâu dài. Trước mắt không có giải pháp nào khác ngoài quân sự. Điều này báo hiệu một cuộc chiến tranh hết sức đẫm máu và ác liệt.

PV: Ông có thể giải thích tại sao một số nước quan trọng khác như Nga, Trung Quốc và Đức lại không tham gia chiến dịch này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Can thiệp vào Libya bằng quân sự là hoàn toàn không đúng đắn. Điều này tạo một tiền lệ xấu để Mỹ có thể can thiệp vào nước khác. Can thiệp vào Libya lần này cơ bản giống việc can thiệp vào Serbia vào năm 1999 và năm 2003 ở Iraq. Đây là việc trái với đường lối của Trung Quốc và Nga. Nhưng trong tình thế hiện nay, Nga và Trung Quốc chỉ còn cách bỏ phiếu trắng mà thôi.

PV: Như ông vừa nói, tại Libya sẽ xảy ra một cuộc chiến đẫm máu và nhà lãnh đạo Libya đã tuyên bố là sẽ chiến đấu đến cùng. Vậy theo ông hậu quả chính trị của cuộc tấn công này là gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể dự báo rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc bằng việc loại bỏ Gaddafi. Loại bỏ Gaddafi là một việc không khó nhưng việc gây dựng một nhà nước Libya để lấy được lòng dân và nằm trong một mối quan hệ với thế giới ổn định thì còn lâu lắm. Giống như Mỹ loại bỏ Sadam Hussein thì không khó gì cả nhưng tạo một đất nước Iraq ổn định thì còn lâu. Nếu nói rằng dân Libya được hưởng trọn vẹn lợi ích sau cuộc chiến này thì không có. Bản thân người dân Libya cũng phải chịu đòn trong cuộc chiến này.

PV: Xin cảm ơn PGS TS Thiếu tướng Lê Văn Cương với những phân tích vừa rồi.

Theo Nguyễn Thu Hòa (VOVNews) 

Bình luận
vtcnews.vn