Nga quyết tâm chế tạo tên lửa xuyên lục địa hạng nặng

Thế giớiChủ Nhật, 27/02/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Xung quanh vấn đề Nga triển khai dự án nghiên cứu, chế tạo tên lửa liên lục địa hạng nặng mang nhiên liệu lỏng.

(VTC News) – Xung quanh vấn đề Nga triển khai dự án nghiên cứu, chế tạo tên lửa liên lục địa hạng nặng mang nhiên liệu lỏng đã có rất nhiều ý kiến bàn tán và tranh luận.

Hiện nay, Nga đang triển khai dự án nghiên cứu, chế tạo tên lửa liên lục địa hạng nặng mang nhiên liệu lỏng để thay thế cho tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-20 Voyevoda.

Cuối tháng 12/2010 Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã phê chuẩn chương trình vũ khí quốc gia tới năm 2020 với tổng kinh phí lên tới 19.000 tỷ rúp, trong đó một trong những ưu tiên hàng đầu là phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược.

Phát biểu trước báo giới trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Popovkin khẳng định, Nga sẽ nghiên cứu, chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng mang nhiên liệu lỏng hiện đại nhất thế giới.

Giải thích cho lý do nghiên cứu, phát triển loại tên lửa này, Thứ trưởng Popovkin nhấn mạnh, tên lửa cùng loại mang nhiên liệu cứng như Topol chỉ có thể mang tối đa 8 đầu đạn trong khi tên lửa hạng nặng mang nhiên liệu lỏng có thể mang tới 10 đầu đạn, rõ ràng hiệu quả sẽ cao hơn.

Hơn nữa, thời hạn sử dụng của tên lửa mang nhiên liệu cứng chỉ có 20 năm trong khi tên lửa mang nhiên liệu lỏng lại có thời hạn sử dụng tới 35 năm, gần gấp đôi thời gian sử dụng.

Bình luận viên của Ria Novosti Alina Chernoivanov cho biết, hiện nay trong biên chế của lực lượng bộ đội tên lửa chiến lược của Nga đang có tên lửa hạng nặng RS-20 Voyevoda.

Đây là một trong những loại tên lửa lớn nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, do nghiên cứu, chế tạo từ thời Xô Viết nên tên lửa đã cũ và cũng sắp hết hạn sử dụng. Đặc biệt, trong 5-7 năm tới, tỷ lệ những tên lửa loại này sẽ bị giảm đi đáng kể.

Tuy vậy, Nga vẫn quyết định tiến hành nghiên cứu, chế tạo tên lửa hạng nặng mang nhiên liệu lỏng để tập trung vào chất lượng trước khi buộc phải giảm về số lượng do tác động của Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ (START-3).

Hơn nữa, Nga cũng không muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ giữa Nga với các nước khác trên thế giới vì đây là lĩnh vực mà Nga chiếm ưu thế trên thị trường vũ khí thế giới.

Vấn đề chế tạo tên lửa hạng nặng mới không thuộc thẩm quyền giải quyết của các nhà quân sự hay các nhà chế tạo tên lửa mà thuộc thẩm quyền của các nhà lãnh đạo tối cao của đất nước.

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Rian)

Bình luận