“Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc là một sự hiểu lầm”

Thế giớiThứ Năm, 30/12/2010 12:14:00 +07:00

(VTC News) - Đại sứ Trình Vĩnh Hoa nói rằng "Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc" là một sự hiểu lầm Trung Quốc.

(VTC News) - Ngày 24/12/2010, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa đã trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NHK – Nhật Bản, ông cho biết, phía Trung Quốc có lập trường nhất quán trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư, đồng thời chủ trương "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác".

Trình Vĩnh Hoa cho biết, năm 2010 là một năm quan trọng của quan hệ Trung-Nhật. Một mặt, hai nước đã triển khai giao lưu toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân viên.

Tháng 5/2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đến thăm Nhật Bản, đạt được nhiều đồng thuận với chính phủ Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ Trung-Nhật, trao đổi rộng rãi với các giới Nhật Bản.

Đảo Điếu Ngư (chấm đỏ bên dưới) 

Khi tham dự hội nghị của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Yokohama, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có cuộc gặp với Thủ tướng Naoto Kan, đạt được đồng thuận 4 điểm về cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Nhật, chỉ rõ phương hướng phát triển quan hệ Trung-Nhật.

Kim ngạch thương mại song phương Trung-Nhật từ tháng 1 – 11/2010 đạt 267,8 tỷ USD, cả năm có triển vọng phá kỷ lục mới, kinh tế hai nước tiếp tục gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau.

Mặt khác, Trình Vĩnh Hoa cho rằng, sự cố va chạm tàu ở quần đảo Điếu Ngư đã gây rạn nứt quan hệ Trung-Nhật và tình cảm của nhân dân hai nước. Hiện nay, hai bên đã đạt được đồng thuận về khắc phục ảnh hưởng của vụ việc, thúc đẩy phát triển lành mạnh, ổn định quan hệ Trung-Nhật xuất phát từ đại cục, điều này phù hợp với lợi ích chung của cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Hai bên nên xuất phát từ đại cục lâu dài, tìm điểm chung, hạn chế khác biệt (cầu đồng tồn dị), thông qua đối thoại giải quyết thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm giữa hai nước. Phía Trung Quốc có lập trường nhất quán trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư, đồng thời chủ trương "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác".

 Hai nước Trung -Nhật là láng giềng có chung biển, để tránh sự cố tương tự tái diễn, cần thiết thực tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chiến lược giữa hai nước trên cơ sở kiên trì đối thoại, đàm phán, đạt được cơ chế kiểm soát khủng hoảng xung quanh các vấn đề nhạy cảm, ngăn chặn các vấn đề cá biệt ảnh hưởng đến đại cục quan hệ hai nước.

Trình Vĩnh Hoa cho biết, so với các vấn đề và lịch sử rủi ro giữa Trung-Nhật, cần phải thấy được ưu thế là hai nước có giao lưu hữu nghị lâu đời, văn hóa tương đồng và có lợi ích chung to lớn, hai nước cần trở thành láng giềng tốt, đối tác tốt, không tạo ra mối đe dọa cho nhau, ủng hộ nhau phát triển hòa bình, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, trao đổi sâu sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thực hiện và mở rộng lợi ích chung.

Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa trả lời báo chí Nhật Bản. 
Trung Quốc kiên trì chính sách đối ngoại láng giềng “thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là bạn”, giữa các nước láng giềng cần chung sống hữu nghị, không nên coi nước láng giềng là kẻ thù giả định, gây ra sự nghi kỵ lẫn nhau.

Khi nói về vấn đề “trách nhiệm nước lớn” của Trung Quốc trên phương diện biến đổi khí hậu, ông Trịnh Vĩnh Hoa cho biết, kinh tế Trung Quốc duy trì sự tăng trưởng ổn định và tương đối nhanh là kết quả kiên trì cải cách mở cửa, đoàn kết cùng xây dựng của chính phủ Trung ương Trung Quốc, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân Trung Quốc, là kết quả thực tiễn đường lối xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Cùng với tăng trưởng nhanh GDP, Trung Quốc cũng cần giữ bình tĩnh, phải thấy được còn tồn tại các vấn đề như GDP bình quân đầu người không cao, sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách giàu nghèo, cơ cấu nền kinh tế cũng cần được điều chỉnh, cần không ngừng nỗ lực giải quyết trong quá trình xây dựng xã hội hài hòa.

Trung Quốc là một nước lớn, nhưng cũng là một nước lớn đang phát triển, Trung Quốc sẽ gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế phù hợp với sức mạnh quốc gia và địa vị của mình. Trung Quốc rất coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu, đã thực hiện một loạt các chính sách và hành động ứng phó.

Trình Vĩnh Hoa cho biết, Trung Quốc tuân thủ các khuôn khổ cơ bản như "Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc" và "Nghị định thư Kyoto", nghiêm ngặt tuân thủ "Bản đồ đường lối Bali".

Trong nước, Trung Quốc nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm, phát triển năng lượng carbon thấp, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu lượng khí thải carbon dioxide theo đơn vị GDP vào năm 2020 sẽ giảm từ 40% - 45% so với năm 2005, nỗ lực thực hiện tiết kiệm năng lượng, kinh tế kiểu “tuần hoàn”, thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Trình Vĩnh Hoa còn nói rằng, "Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc" là một sự hiểu lầm Trung Quốc. Từ xưa đến nay, Trung Quốc luôn coi trọng thân thiện với láng giềng, yêu quý hòa bình.

Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa.  
600 năm trước, Trịnh Hòa đã dẫn dầu hạm đội lớn nhất thế giới vượt các đại dương, chung sống hòa bình, giúp đỡ lẫn nhau với nhân dân các nước, đó là một câu chuyện lịch sử hay, điều này đối lập với chủ nghĩa thực dân và bành trướng. Trung Quốc trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục đi trên con đường phát triển hòa bình, mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Khi nói về tình hình bán đảo Triều Tiên, Trình Vĩnh Hoa cho rằng, Trung Quốc cảm thấy đau lòng và đáng tiếc về sự cố đấu pháo Yeonpyeong gây ra thiệt hại về người, cảm thấy lo ngại về sự phát triển của tình hình.

Từ khi vụ việc xảy ra, Trung Quốc đã có một loạt các nỗ lực để ngăn chặn tình hình leo thang, xấu đi và bảo vệ sự ổn định ở Đông Bắc Á, cùng các bên liên quan tiến hành trao đổi và phối hợp chặt chẽ.

Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã lần lượt đến thăm Hàn Quốc, Triều Tiên, lần lượt cùng lãnh đạo hai nước gặp gỡ và làm việc. Trung Quốc đề nghị tổ chức đàm phán khẩn cấp các Trưởng đoàn Hội đàm sáu bên, chủ trương các bên thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết vấn đề, chủ yếu là nhằm bảo vệ sự ổn định của khu vực, ngăn chặn tình hình leo thang.

Trung-Nhật là láng giềng của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, cần đóng góp cho hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Lê Dũng(Theo Tân Hoa Xã)
Bình luận
vtcnews.vn