Thả ngư dân TQ, chính phủ Hàn bị chỉ trích nặng nề

Thế giớiThứ Hai, 27/12/2010 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Việc thả 3 ngư dân Trung Quốc vô điều kiện hôm thứ 7 vừa qua khiến chính quyền của TT Lee Myung-bak bị chỉ trích nặng nề.

(VTC News) – Chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak hiện như đang ngồi trên đống lửa trước chỉ trích của dư luận nước này về việc thả 3 ngư dân Trung Quốc sau vụ đụng độ vừa qua.

Những người chỉ trích cho rằng chính phủ đã thi hành một chính sách ngoại giao “phục tùng” đối với Trung Quốc khi thả 3 ngư dân nước này, những người đã tham gia tấn công lực lượng phòng vệ bờ biển trong một cuộc đụng độ chết người giữa một tàu đánh cá và tàu tuần tra ở vùng biển phía Tây hồi đầu tháng.

Tàu cá Trung Quốc bị chìm ở vùng biển Tây sau vụ va chạm với tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Hàn Quốc 

Các ngư dân Trung Quốc đã được thả về nhà hôm thứ 7 mà không nhận một sự trừng phạt nào. Trước đó, Seoul đã tuyên bố sẽ xử lý nghiêm khắc những ngư dân tham gia tấn công lực lượng phòng vệ này bằng tuýp sắt, vòi nước, và làm thương 4 người trong số họ.

Sự cố này xảy ra ở ngoài khơi bờ biển phía tây khi lực lượng phòng vệ bờ biển đang cố ngăn những tàu cá của Trung Quốc đang đánh bắt trái phép trên vùng nước của Hàn Quốc.

Một tàu đánh cá đã cố tình đâm vào tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển để làm vật cản đường cho các tàu khác chạy thoát ra vùng biển quốc tế - nhưng chiếc thuyền này đã bị chìm sau vụ va chạm.

Một ngư dân đã bị thiệt mạng trong vụ đụng độ này.

“Chúng tôi đã quyết định không truy tố những ngư dân này vì họ không trực tiếp tham gia vào vụ đụng độ vào thời điểm đó”, một quan chức Seoul được hãng tin Yonhap trích dẫn lời cho biết:
 
“Họ cũng đã hợp tác đầy đủ với chúng tôi trong suốt quá trình điều tra”.

Một số binh lính thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển đã phản đối quyết định phóng thích 3 ngư dân này.

“Tôi có thể hiểu rằng chính phủ đã cố tình cho phóng thích các ngư dân này để không làm khuấy động lên một rắc rối ngoại giao”, một lính biên phòng yêu cầu giấu tên cho biết.

“Nhưng chúng tôi cũng đang lo ngại rằng chúng tôi sẽ không thể ngăn chặn hiệu quả hoạt động đánh bắt trái phép của ngư dân Trung Quốc do hậu quả của tiền lệ xấu này”.

Một quan chức của lực lượng phòng vệ bờ biển cho biết: “Chính phủ cần phải có hướng xử lý trường hợp này theo đúng quy định của pháp luật”.

Theo một số liệu của chính phủ Hàn Quốc, khoảng 40 tàu cá Trung Quốc tham gia các hoạt động đánh bắt trái phép mỗi năm.

Trung Quốc đã có một tranh cãi ngoại giao gay gắt với Nhật Bản trước việc nước này bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá ở vùng biển gần hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku.

Khi Trung Quốc gây áp lực kinh tế với Nhật Bản bằng cách ngừng xuất khẩu đất hiếm, chính phủ Nhật Bản đã phải nhượng bộ và phải thả người ngay sau đó. Sau vụ này, chính phủ Nhật Bản cũng đã bị chỉ trích gay gắt.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc hiện còn đang gặp phải nhiều vấn đề khác. Sau vụ pháo kích về phía đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, Trung Quốc đã kêu gọi nối lại các vòng đám phán 6 bên khẩn cấp, nhưng không nhận được sự hợp tác từ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Đồng thời, Trung Quốc còn tuyên bố Bắc Triều Tiên có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, điều mà cả Seoul, Washington, Tokyo đều phản đối.

Hữu Túc (theo Korea Times)

 

 

Bình luận
vtcnews.vn