10 cuộc tập trận quân sự lớn nhất năm 2010 (2)

Thế giớiThứ Sáu, 24/12/2010 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Năm 2010 khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một điểm nóng về quân sự với rất nhiều cuộc tập trận quy mô lớn.

(VTC News) - Năm 2010 khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một điểm nóng về quân sự với rất nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, đặc biệt là những cuộc tập trận này có sự tham gia của các cường quốc trong khu vực như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Điều này khiến cho khu vực Đông Á nổi lên nhiều vấn đề an ninh hết sức phức tạp. 

6. Cuộc tập trận chống khủng bố "Sứ mệnh hòa bình - 2010"

 

Thời gian:
Từ ngày 10-25/9/2010, kéo dài 16 ngày.

Các nước tham gia: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan.

Địa điểm:Thao trường quân sự Matybulak thuộc tỉnh Zhambyl, phía đông nam của Cộng hòa Kazakhstan.

Trang bị, lực lượng tham gia:

Tổng cộng có 5.000 người. Trong đó, Trung Quốc 1.000 binh sĩ, 10 máy bay chiến đấu, 40 xe bọc thép.

Nga đưa đến 1.000 binh sĩ, 130 xe bọc thép, 20 xe tác chiến mặt đất, chiến xa đa tính năng hạng nhẹ và 3 pháo tự hành chống tăng "Cơn bão", và các loại xe chiến đấu, tác chiến khác. Lực lượng không quân Nga có Su-24, Su -25 và máy bay trực thăng vận tải Mi-8.

Các nước khác: Tajikistan khoảng 1.000 binh sĩ, Kyrgyzstan khoảng 1.000 binh sĩ, Kazakhstan khoảng 1.000 binh sĩ.

Các ngày tập trận chính:

Ngày 14/9: Lực lượng tham diễn "Sứ mệnh hòa bình - 2010" tổ chức hợp luyện thực binh lần đầu tiên.

Ngày 17/9: Tập trận chống khủng bố tiến hành bắn đạn thật.

Ngày 22/9: Các lực lượng tham gia "Sứ mệnh hòa bình - 2010" tổ chức tập trận liên hợp thực binh.

Tối ngày 22/9: Tập trận bắn đạn thật trong đêm.

Ngày 24/9: Tổ chức tập trận thực binh chống khủng bố liên hợp.

Ngày 25/9: Tập trận chống khủng bố "Sứ mệnh hòa bình - 2010" kết thúc thành công.

Dư luận:  The New American ngày 23/9 cho rằng, hàng nghìn sĩ quan và binh lính quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ tham gia tập trận chống khủng bố ở tại Kazakhstan.Cuộc tập trận này là bộ phận hợp thành cuộc tập trận quân sự hàng năm “Sứ mệnh hòa bình - 2010”, tuy thời gian chỉ có vài tuần, nhưng đã cho thấy tinh thần của lực lượng quân sự Trung Quốc.

Chuyên gia Chu Kiến Nghiệp: "Việc ký kết Hiệp định là sự kiện có ý nghĩa cột mốc trong lịch sử SCO", “Sứ mệnh hòa bình - 2010” vừa là một phần thực hiện toàn diện Hiệp định, vừa là một cuộc thử nghiệm toàn diện đối với Hiệp định.

7. Cuộc tập trận chống tàu ngầm của liên quân Mỹ-Hàn

 

Thời gian:
Từ ngày 27/9 đến ngày 1/10, kéo dài 5 ngày.

Các nước tham gia: Mỹ, Hàn Quốc.

Địa điểm: vùng biển phía tây Hàn Quốc (biển Hoàng Hải).

Vũ khí trang bị tham gia: Hàn Quốc có 2 tàu khu trục KDX-II, tàu hộ tống, tàu tuần tra, máy bay tuần tra P-3C và tàu ngầm.

Mỹ có tàu khu trục “Fitzgerald” và "John McCain", tàu giám sát âm thanh sóng nước "Thắng lợi" và tàu ngầm chạy bằng động cơ nguyên tử, tàu tuần tra trên biển.

Phản ứng của các bên:

Bắc Triều Tiên: Trước và sau khi cuộc tập trận diễn ra, Bắc Triều Tiên đã lên án Mỹ-Hàn tổ chức cuộc tập trận chống tàu ngầm, đồng thời cho biết Bắc Triều Tiên tuy hy vọng đối thoại, nhưng “tuyệt đối sẽ không tha thứ cho những kẻ khiêu khích”. Bình Nhưỡng yêu cầu Hàn Quốc chấm dứt ngay cuộc tập trận. 

Chuyên gia Trung Quốc: Mặc dù quan hệ Trung-Mỹ gần đây có ấm lên, nhưng do tình hình xung quanh Trung Quốc hiện nay phức tạp, vì vậy Trung Quốc vẫn phải tiếp tục theo dõi và đề phòng đối với cuộc tập trận của liên quân Mỹ-Hàn. Phía Trung Quốc đã nhiều lần cho biết, kiên quyết phản đối máy bay và tàu chiến nước ngoài đến biển Hoàng Hải và vùng biển gần của Trung Quốc tiến hành các hoạt động ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của Trung Quốc.

8. Cuộc tập trận không quân
“Loudest Thunder”

 

Thời gian:
Từ ngày 15-22/10/2010, kéo dài 8 ngày.

Các nước tham gia: Mỹ, Hàn Quốc.

Địa điểm: Không phận phía tây bán đảo Triều Tiên.

Vũ khí trang bị tham gia:

Hơn 250 phi công sẽ tham gia tập trận. Bao gồm máy bay chiến đấu F-15K và KF-16 của Hàn Quốc; máy bay F-16, KC-135 và khoảng 50 máy bay chiến đấu của Mỹ tham gia tập trận.

 Mục tiêu tập trận: tăng cường khả năng răn đe và thúc đẩy sự ổn định trong khu vực, đồng thời nâng cao khả năng tác chiến liên hợp cho liên quân Hàn-Mỹ, thể hiện quyết tâm củng cố đồng mình Hàn-Mỹ.

Bình luận:

Bắc Triều Tiên: Ngày 14/10, Bắc Triều Tiên tuyên bố, mạnh mẽ lên án cuộc tập trận. Tuyên bố yêu cầu "chính phủ bù nhìn" Hàn Quốc lập tức chấm dứt đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia cuộc tập trận mở rộng là không thể chấp nhận. Báo chí Bắc Triều Tiên cùng ngày cũng chỉ trích hợp tác trao đổi quân sự gần đây giữa Hàn-Mỹ; cho rằng quân và dân Bắc Triều Tiên khát vọng hòa bình, nhưng sẽ không thương xót những kẻ xâm lược".

Hàn Quốc: Hãng Yonhap Hàn Quốc đưa tin, cuộc tập trận này đặc biệt chú trọng “răn đe và đánh bại hoạt động không kích có thể xảy ra của Bắc Triều Tiên”, “kiểm tra khả năng lập tức đáp trả hành động khiêu khích của đối phương". Không quân Hàn Quốc tuyên bố, cuộc tập trận này còn là sự chuẩn bị cho cuộc tập trận hàng năm có quy mô lớn hơn.

9. Cuộc tập trận của liên quân Mỹ-Hàn trên biển Hoàng Hải

 

Thời gian:
Từ ngày 28/11 – 1/12/2010.

Địa điểm: Vùng biển phía tây Hàn Quốc (biển Hoàng Hải).

Vũ khí trang bị tham gia: Ngoài tàu sân bay USS George Washington, Mỹ còn điều tàu tuần dương, tàu khu trục đến tham gia.

Quân đội Hàn Quốc có 2 tàu khu trục 4500 tấn, các tàu tuần tra, tàu hộ tống, tàu chi viện chiến đấu, máy bay chống tàu ngầm.

Nội dung tập trận: tập trung chủ yếu vào phòng không và khả năng giao tranh trên mặt nước.

Tiến trình cuộc tập trận:

Ngày 28/11: Pháo Hàn Quốc bắn, đạn rơi vào khu vực vũ trang giữa hai miền Triều Tiên.

Ngày 29/11: Phòng ngự đối không, thâm nhập trên không, tấn công tàu sân bay, tấn công và phòng ngự tự do trên biển là trọng điểm.

Ngày 30/11: Cuộc tập trận nâng cấp lên mức tập trận sáng kiến an ninh chống mở rộng.

Ngày 1/12: Tập trận Mỹ-Hàn kết thúc.

Phản ứng của các bên:

Bắc Triều Tiên: Ủy ban Toàn quốc Bảo vệ Hòa bình Bắc Triều Tiên đã ra tuyên bố lên án Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định bán đảo Triều Tiên, làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên “rơi vào trạng thái chiến tranh vô cùng nghiêm trọng”.

 

Vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên đã nhiều lần xảy ra xung đột quân sự, là khu vực nhạy cảm nhất và tập trung đối đầu gay gắt. Mỹ-Hàn tổ chức tập trận tại vùng biển này là “sự khiêu khích quân sự rất nguy hiểm”, cũng là thách thức thô bạo đến mong muốn làm giảm căng thẳng tình hình bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hòa bình của dân tộc Triều Tiên và cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc: Ngày 1/12, tại cuộc hội thảo “Tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chính sách của Trung Quốc” tổ chức tại Diễn đàn Blue Room ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, mọi người đều muốn nỗ lực cho hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, răn đe và đối đầu sẽ không có lối thoát, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục hòa giải và thúc đẩy đàm phán.

Mỹ: Hillary Clinton cho rằng, Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung trong vấn đề bảo vệ ổn định bán đảo Triều Tiên, hợp tác với nhau rất quan trọng. Mỹ sẵn sàng cùng Trung Quốc nỗ lực, duy trì hòa bình, ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên. Hai bên đồng ý tiếp tục duy trì trao đổi chặt chẽ.

10. Cuộc tập trận "Thanh Kiếm"

 

Thời gian:
Từ ngày 3 – 10/12, kéo dài 8 ngày.

Địa điểm: Vùng biển phía đông Okinawacác căn cứ quân sự Nhật Bản.

Vũ khí trang bị tham gia:

Nhật Bản: 40 tàu chiến, 250 máy bay chiến đấu.

Mỹ: 20 tàu chiến và 150 máy bay chiến đấu, tàu sân bay chạy bằng động cơ nguyên tử USS George Washington, máy bay ném bom chiến lược B52.

Lượng lượng tham gia: Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản 34.000 binh sĩ; quân Mỹ có 11.000 binh lính.

Nội dung tập trận: “quân địch” đổ bộ lên hòn đảo không được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phòng thủ, xây dựng trận địa tên lửa phòng không trên đảo, đồng thời tập kết tàu thuyền ở vùng biển xung quanh đảo. Chính phủ Nhật Bản lập tức điều máy bay chiến đấu F-2 và máy bay tuần tra P-3C, tiến hành tấn công áp đảo đối với hệ thống phòng không của "quân địch". Đồng thời, dưới sự bảo vệ của máy bay chiến đấu F-15, 250 lính dù trên 8 máy bay vận tải C-130 nhảy xuống từ trên không, phát động tấn công “quân địch” đang chiếm đóng đảo, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tích cực chi viện...       

Phản ứng của các bên:

Nga: Báo chí Nhật cho biết, 2 máy bay trinh sát của Không quân Nga sáng ngày 6/12 đã tiếp cận bầu trời biển Nhật Bản, buộc cuộc tập trận Mỹ-Nhật trên vùng biển này phải đứt quãng. Phía Nhật cho rằng, máy bay trinh sát Nga lần này “không mời mà đến” đang “phá đám”, có thể là sự đáp trả Ngoại trưởng Nhật tiến hành “thị sát trên không” vùng lãnh thổ tranh chấp trước đây. Theo kênh truyền hình NHK Nhật Bản ngày 8/12, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, sáng ngày 6/12, 2 máy bay trinh sát tầm xa "IL-38" của Không quân Nga bất ngờ tiếp cận bầu trời bán đảo Noto miền bắc Nhật Bản và bay vòng quanh vài giờ trên bầu trời vùng biển này.

Chuyên gia Tống Hiểu Quân: IL-38 của hiện diện phía trước cuộc tập trận Mỹ-Hàn là cách lịch sự nhất của Nga.

 Chuyên gia Mỹ: Viên sĩ quan Lực lượng không quân số 13 của Không quân Mỹ Chrysler Kali Hawk cho biết: "Thông qua tổ chức cuộc tập trận “Thanh Kiếm” Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng cùng ứng phó với các thách thức mới trong thế kỷ 21". Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kitazawa cho rằng, đây là cuộc tập trận diễn ra 2 năm 1 lần, đương nhiên cần xem xét đến tình hình thay đổi của môi trường an ninh xung quanh, nhưng cuộc tập trận này không nhằm vào quốc gia cụ thể nào.

Học giả Trung Quốc: Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên-Hàn Quốc, Đại học Phúc Đán là Thạch Nguyên Hoa cho rằng: "Mỹ là một siêu cường thế giới, lập trường cơ bản đối với vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên là tương đối cứng rắn. Họ muốn dựa vào răn đe quân sự và trừng phạt vũ khí để ép buộc Bắc Triều Tiên thay đổi chính sách". Đối với cuộc tập trận này, Thạch Nguyên Hoa cho rằng, Mỹ tin rằng sử dụng tập trận quy mô lớn và các loại vũ khí tiên tiến nhất như tàu sân bay để phô diễn thực lực của mình, thì có thể dọa Bắc Triều Tiên xuống nước. Nhưng thực tế chứng minh rằng, phương thức này không có tác dụng đối với Bắc Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du ngày 2/12 cho biết, cách duy nhất giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên là đối thoại và đàm phán, dựa vào đồng minh quân sự, răn đe quân sự sẽ không thể giải quyết được vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Tin cho biết, Cuộc tập trận này của Mỹ-Nhật có quy mô gấp 6 lần cuộc tập trận Mỹ-Hàn vừa qua, bao quát cả vùng biển xung quanh đảo Điếu Ngư.

Khương Du nói: "Những cuộc tập trận tương tự như hiện nay đã rất nhiều rồi. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể xuất phát từ góc độ có lợi cho bảo vệ hòa bình, ổn định bán đảo Triều Tiên, có nhiều nỗ lực tích cực hơn, chứ không phải đi ngược lại”. Khương Du cho rằng, cộng đồng quốc tế sẽ không ủng hộ bất cứ hành vi nào làm cho tình hình căng thẳng leo thang. Hiện nay các bên cần giữ bình tĩnh, kiềm chế, xoa dịu tình hình, thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề.

Khánh Hưng(Theo Tân Hoa Xã)

Bình luận
vtcnews.vn