Nhặt rác nuôi ăn học, con ra trường bỏ rơi mẹ già

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 08/08/2010 07:24:00 +07:00

(VTC News) - Một buổi tối năm 1995, không biết hai vợ chồng cãi nhau vì chuyện gì, chồng bà Chi châm lửa đốt nhà.

(VTC News) - 53 tuổi đời nhưng già như bà lão 70, hai hàm răng rụng hết chỉ còn chừa lại duy nhất một chiếc răng cửa, ngày ngày nhặt rác mưu sinh, 5 năm sống không điện không nước, ốm nằm bẹp 5 ngày mới được hàng xóm phát hiện là tình cảnh thương tâm của một bà mẹ bị đứa con gái duy nhất bỏ rơi sau khi đã được bà nuôi ăn học ra trường bằng chính những thứ lượm được hàng ngày từ bãi rác.

Tờ Quảng Châu nhật báo ngày 5/8 có đăng bài viết về một người phụ nữ có hoàn cảnh éo le đến thắt lòng, cuộc đời lăn lộn vạ vật đủ thứ việc kiếm tiền nuôi con, lúc ốm đau lại một thân vò võ không biết sống chết thế nào. Bà là Hoàng Quần Chi, 53 tuổi ở phố Hưng Long đường Nam Thạch thành phố Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc.

Một mình trong căn phòng chất đầy đồ phế liệu. 

Một buổi tối năm 1995,  không biết hai vợ chồng cãi nhau vì chuyện gì, chồng bà Chi châm lửa đốt nhà. Bị công an bắt đi cải tạo, một mình bà Chi làm lụng nuôi con ăn học. Đến năm 2003 người chồng trở về và đuổi hai mẹ con khỏi cửa.

Nhặt nhạnh những mảnh nilon, những chiếc tải rách và cả những viên gạch bà cất tạm một chiếc lều cuối đường làm chỗ hai mẹ con chui ra chui vào. Dần dà, một mình người phụ nữ này đã xây nên căn phòng nhỏ từ những viên gạch nhặt nhạnh được.

Ngày ngày, cứ tờ mờ sáng người phụ nữ khắc khổ ấy bắt đầu làm việc, bất cứ việc gì người ta thuê, dù nặng nhọc đến đâu hễ làm được là bà làm. Gánh nước thuê, nhặt rác, buôn bán lặt vặt chắt bóp từng đồng nuôi đứa con gái đang tuổi ăn tuổi học.

Khó khăn, nhưng mẹ con bà chưa từng ngửa tay xin một đồng bố thí của người đời. Có lẽ cuộc sống quá khó khăn và nghiệt ngã với bà đã khiến người phụ nữ này luôn cảnh giác ngay cả với những người hàng xóm.

Mới 53 tuổi đời nhưng bà Chi đã già như bà lão 70. 

Cuộc sống tạm bợ, suốt 7 năm qua hai mẹ con sống trong cảnh không điện, không nước, ngay cả căn phòng nhỏ mẹ con họ dựng tạm cũng là “xây dựng trái phép”. Con càng học cao lên tiền học phí càng trở thành gánh nặng đè lên vai người phụ nữ ấy, nhưng dù khó khăn thế nào bà cũng gắng gượng nuôi con học xong trung học chuyên nghiệp những mong nó sẽ kiếm được công ăn việc làm cho cuộc đời khỏi khổ.

5 năm trước, Yến Yến, tên con gái bà Chi tốt nghiệp và bỏ nhà đi, chỉ để lại cho mẹ già số điện thoại di động với lời dặn “Con đi làm ở sân bay”. Lễ tết, lúc ốm đau thân già vò võ, chưa bao giờ con gái gọi điện hỏi thăm hoặc trở về nhà xem mẹ sống chết thế nào. Lo cho con, có lần bà đã báo cảnh sát vì tưởng con mình mất tích. Cảnh sát tìm được Yến Yến về nhưng chỉ một lát cô lại bỏ mẹ ra đi.

2 tháng trước, bà Chi bị ốm nặng nằm bẹp trong nhà. Chị hàng xóm thấy lạ, cửa đóng im ỉm suốt mấy ngày bèn chạy sang gọi, không nghe tiếng trả lời. Hai vợ chồng người hàng xóm đánh bạo xô cửa xông vào thì đã thấy bà nằm bẹp một chỗ. Họ nấu cháo bưng sang, người phụ nữ này cũng không tự xúc ăn được. Nhờ có vợ chồng người hàng xóm ấy, bà Chi mới giữ được tính mạng nhưng sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy người phụ nữ này lại mắc thêm chứng nghễnh ngãng.

Nhắc đến con, bà chỉ nói được một câu: “Nó đi mất rồi!”, không trách cứ, không oán hận, từ cặp mắt hoen đục hai dòng nước mắt nóng hổi trào ra, có lẽ bà tủi cho số phận hẩm hiu của mình và thương cả đứa con đã bỏ bà ra đi.

Hồng Vũ(Theo Quảng Châu nhật báo)

Bình luận
vtcnews.vn