Đẩy con đang bệnh ra đường kiếm sống vì quá nghèo

Thời sự quốc tếThứ Ba, 08/06/2010 12:43:00 +07:00

(VTC News) - Bữa cơm chiều ngày 4/6, bố cậu nói từ ngày mai muốn đi đâu thì đi, bố mẹ kiệt sức rồi, không lo được nữa.

(VTC News) - “Bác sĩ bảo cháu bị mắc bệnh giảm tiểu cầu, nhà không có tiền chữa. Bố mẹ đưa cho cháu 1000 tệ và bảo tự ra ngoài mà kiếm ăn, bố mẹ không nuôi được nữa.” Nói đến đây, cậu bé lại khóc…

Mạng tin tức Quảng Tây ngày 8/6 đưa tin, chiều qua 6/6/2010 nhiều người đã lên tiếng bất bình khi thấy một cậu bé 12 tuổi, tay chân bầm dập khoác chiếc tải rách rưới đi nhặt rác.

Cậu bé Trần Hoàng Lâm và bao tải đựng quần áo và một vài vỉ thuốc. 

Ai hỏi cậu cũng chỉ biết khóc, mãi một lúc sau mới nói thành lời, giọng vẫn nấc nghẹn: “Bố mẹ đuổi cháu khỏi nhà.”, chỉ nói được bấy nhiêu thôi, nỗi tủi thân lại trào dâng trong lòng con trẻ khiến những người làm cha, làm mẹ bỗng dưng thấy nghẹn đắng nơi cổ họng.

Một mình lang thang trong bệnh viện

Khoảng 5 giờ chiều qua, anh Diệp bảo vệ bệnh viện số 1 trực thuộc Đại học Y Quảng Tây để ý thấy một cậu bé khoác theo chiếc bao tải rách lượm rác cứ một mình đi đi lại lại, đôi mắt ngấn lệ, thất thần. Anh đến bên hỏi thăm, cậu bé chỉ cúi đầu không nói, hai mắt mọng nước.

Sắp đến giờ cơm chiều, cậu bé vẫn đi lại vẩn vơ quanh cổng bệnh viện. Thấy tội nghiệp đứa trẻ, người bảo vệ ấy mua hai chiếc bánh mỳ đưa cho cậu, cậu bé lí nhí nó lời cảm ơn và đưa hai tay nhận lấy. Lúc này anh Diệp mới để ý thấy những vết bầm tím trên hai cánh tay cậu bé thoạt nhìn có vẻ phổng phao.

“Cháu đừng sợ, có chuyện gì cứ nói chú nghe!” anh vỗ về, an ủi cậu bé, nhưng chưa kịp nói cậu đã khóc òa. Chưa biết chuyện gì, nhưng người đàn ông tốt bụng đã lờ mờ cảm thấy một sự tủi thân không gì khỏa lấp được đang trào dâng trong lòng đứa trẻ. Đợi cậu bình tĩnh lại, anh vừa xoa đầu vừa động viên, cậu bé mới kể những vết thâm tím trên hai cánh tay là do bị bố đánh. Bố mẹ cậu đuổi cậu ra khỏi nhà.

“Thế nhà cháu ở đâu? Tại sao bố cháu lại đánh cháu?” Hỏi đến câu thứ hai, cậu bé chỉ khóc, giọng đã bắt đầu khản đi. Dỗ dành cậu một lúc để cậu bé ăn hết cái bánh mỳ, anh Diệp gọi điện báo cảnh sát và gọi cho tòa soạn. 6 giờ tối phóng viên có mặt, cậu bé mặc chiếc áo phông và quần bò đã cũ ngồi thẫn thờ ngoài hành lang bệnh viện.

“Bác sĩ bảo cháu bị mắc bệnh giảm tiểu cầu, nhà không có tiền chữa. Bố mẹ đưa cho cháu 1000 tệ và bảo tự ra ngoài mà kiếm ăn, bố mẹ không nuôi được nữa.” Nói đến đây, cậu bé lại khóc. Cậu bé bảo hôm kia cậu thèm ớt nên lén ăn mặc dù bố đã dặn mắc bệnh này không được ăn cay, bị bố phát hiện và cu cậu phải hứng chịu trận đòn do không nghe lời.

Cậu bé viết tên mình lên cuốn sổ tay phóng viên, nắn nót, nét chữ khá đẹp. Trần Hoàng Lâm, 12 tuổi, mới hôm nào vẫn còn là học sinh lớp 5. Các cô chú cảnh sát, phóng viên dỗ dành hỏi kiểu gì Lâm cũng không chịu nói địa chỉ nhà mình, cậu chỉ bảo: “Bố cháu bảo không được nói. Mở chiếc bao tải cậu bé khoác theo, trong đó có quần áo, một hợp cơm đã ăn hết chỉ còn lại vỏ và một vài vỉ thuốc.

Không có tiền chạy chữa đành để con ra đường

Trong gói nilon bọc mấy vỉ thuốc, người ta thấy có dòng chữ Bệnh viện Số 1 Đại học Y Quảng Tây, chắc hẳn cậu bé đã được khám ở bệnh viện này. Sau một lúc dỗ dành, Lâm mới kể về gia đình mình.

Bố mẹ cậu đều làm ruộng, trong nhà còn một anh trai, một chị gái và một cậu em. Để chữa chạy cho Lâm, bố mẹ cậu đã phải bán hết những gì có giá trị trong nhà, ngoài ra còn nợ rất nhiều.

Bữa cơm chiều ngày 4/6, bố cậu nói từ ngày mai muốn đi đâu thì đi, bố mẹ kiệt sức rồi, không lo được nữa. Trưa hôm sau, 5/6 mẹ cậu đưa cậu ra xe và dúi vào tay cậu 1000 tệ. Bà chỉ biết ôm con khóc ròng.

“Tại sao cháu lại đi, cháu không muốn sống cùng bố mẹ nữa à?” Hai mắt đứa trẻ tròn xoe mà ngấn lệ: “Có chứ ạ. Nhưng bố mẹ cháu bảo, nếu cứ ở nhà thì chỉ có đường chết, lúc phát bệnh không lấy đâu ra tiền mà chữa. Để cháu đi ra ngoài, may ra còn gặp được người tốt giúp đỡ.”

5 năm trước trong một lần đi khám, các bác sĩ kết luận Trần Hoàng Lâm bị mắc chứng suy giảm tiểu cầu phải điều trị và tĩnh dưỡng trong thời gian dài. Nếu tiểu cầu cứ tiếp tục giảm, cậu sẽ bị chảy máu cam không ngừng và phải đưa đến bệnh viện truyền máu. Mắc chứng bệnh quái ác ấy, tuổi thơ của Lâm cũng mất theo khi cậu không thể vận động mạnh, chỉ cần sơ ý là có thể cháy máu không sao cầm được.

Lâm kể, bố cậu thường xuyên đánh cậu. Tuy nhiên, ngay cả lúc bố mẹ đuổi cậu ra khỏi nhà, Lâm không hề trách bố mẹ mình, cậu hiểu rằng bố mẹ rất yêu thương cậu, nhưng quả thực bố mẹ đã không thể làm được gì tốt hơn cho mình.

 “Để dành tiền chữa bệnh cho cháu, mấy năm nay bố mẹ cháu không có bộ quần áo mới nào cô ạ!” Nói rồi cậu chỉ cổ áo, cánh tay áo của mình và bảo, “Áo bố cháu những chỗ này rách hết rồi nhưng bố cháu vẫn phải mặc.”

Sở dĩ cậu bé tìm đến bệnh viện này và cứ đi lại hoài ở đây là vì Lâm mong gặp được bác sĩ Ninh, người duy nhất cậu quen ở thành phố xa lạ này. “Bác sĩ Ninh khám bệnh cho cháu. Bác ấy tốt lắm cô ạ. Mẹ bảo cháu cứ đến tìm bác sĩ Ninh xem có ai tốt bụng giúp đỡ được cháu.”

Sau một hồi nói chuyện, cậu bé cảm thấy tin tưởng nên quyết định viết địa chỉ gia đình mình vào cuốn sổ của phóng viên: Thôn Đỗ Đường, thị trấn Long, huyện Bình Nam thành phố Quý Cảng, Quảng Tây.

Chuyện đã quen, cậu bé kể rằng cậu rất thích đi học. Học kỳ trước Lâm được xếp thứ 3 trong lớp. 7 giờ 30 tối, cảnh sát đưa em đến bệnh viện số 1 Đại học Y Quảng Tây. “Lâm hiện giờ đang ở đâu, cháu nó ăn cơm chưa?” đầu dây bên kia, bác sĩ Ninh lập tức hỏi thăm tình hình cậu bé khi phóng viên vừa nhắc tên.

Chị Ninh quen cậu bé từ 5 năm về trước, lúc đó Lâm phải nằm viện điều trị một thời gian, sau cứ cách vài ba tháng cậu lại được bố mẹ đưa đến một lần. Bố mẹ Lâm đều là nông dân, lần nào đưa cậu đến khám cũng mang theo chiếc bao tải đựng đồ. “Thằng bé ngoan lắm, đau như thế nhưng không khóc. Nó tuy ít tuổi nhưng rất hiểu biết em ạ!” bác sĩ Ninh chia sẻ.

Lần cuối cậu vào viện, lúc về Lâm bảo bác sĩ bố mẹ nói rằng hết tiền chữa bệnh rồi, bác sĩ có cách nào cứu cháu không ạ? “Nói rồi thằng bé khóc làm tôi khóc theo.” Hai lần trước, một mình cậu bé lớp 5 ấy tự đi viện khám, lúc về chị Ninh đều đưa Lâm ra tận bến xe. Hai bác cháu rất quý nhau. Mấy năm nay, chị cũng nhiều lần tìm cách giúp đỡ.

Đồ đạc, quần áo của con cái từ bé đến lớn, có cái nào không dùng chị đều giặt sạch gửi về cho anh em Lâm. Gác máy, chị Ninh bảo rằng mình sẽ khám cho Lâm xem cậu bé thế nào, bệnh này tuy nặng nhưng không phải bệnh hiếm gặp và không thể điều trị. Chị sẽ tìm cách vận động bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ cậu bé vượt qua khó khăn này để cậu lại được tới trường.

Hồng Vũ(Theo Quảng Châu nhật báo)

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn