1 năm không Internet. Bạn muốn thử không?

Tổng hợpThứ Ba, 14/05/2013 09:57:00 +07:00

Trong khi internet đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại thì chàng trai 27 tuổi Paul Miller ở Mỹ lại có một quyết định táo bạo.

Trong khi internet đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại ngày nay thì chàng trai 27 tuổi Paul Miller ở Mỹ lại có một quyết định táo bạo là rời xa internet trong vòng 1 năm. Cuộc sống không có thứ được coi như “cơm ăn nước uống” này với một người bình thường đã khó nên với một thanh niên trẻ trung đồng thời là biên tập viên công nghệ của trang tin The Verge như Paul, điều này càng gian nan gấp bội. Tuy nhiên vượt qua tất cả, anh đã sống một năm không biết tới internet và chia sẻ thật chi tiết những trải nghiệm của mình.

    Tôi đã sai.

Một năm trước tôi quyết định chia tay internet. Tôi đã từng nghĩ điều này sẽ khiến mình không thể làm được việc gì, khiến cuộc sống trở nên vô nghĩa và tựa như một hành động hủy hoại tâm hồn mình. Bỏ lại đằng sau tất cả những cám dỗ của thế giới mạng, tôi đã phải xoay xở để quen với cuộc sống không có internet như kế hoạch đặt ra. Chàng trai 26 tuổi là tôi khi đó thực sự muốn “tạm rút lui” khỏi cuộc sống hiện đại để không phải ngày ngày đối mặt với những hộp thư điện tử đầy ắp hay những núi tin tức liên tục cập nhật về mọi thứ xung quanh mình.

Tôi từng cho rằng internet là một thứ gì đó không bình thường đối với con người hoặc ít nhất là đối với bản thân tôi. Có thể tôi đã quá bốc đồng khi tự giới hạn việc sử dụng internet. 12 tuổi, tôi thường xuyên làm bạn với internet và nó đã trở thành cuộc sống của tôi từ năm tôi 14 tuổi. Trong 10 năm, tôi đã trải qua nhiều công việc, từ giao báo, thiết kế web cho đến viết và biên tập tin bài về công nghệ. Tôi không hiểu gì về con người mình ngoài cảm giác được kết nối ở khắp mọi nơi và được tiếp cận vô số nguồn thông tin. Tôi đã tự hỏi cuộc sống còn gì hay hơn thế. Có lẽ, một cuộc sống thực sự đang đợi tôi ở nơi không liên quan gì đến các trình duyệt web.

 

   Hành trình khám phá những điều internet mang lại trong những năm qua

Kế hoạch ban đầu của tôi là nghỉ việc, tránh xa cuộc sống ồn ào nơi đô thị, chuyển về sống với cha mẹ, đọc sách, viết sách và đắm mình trong những giây phút thảnh thơi. Có như thế tôi sẽ tìm được một cậu Paul thật sự, biết sống tốt hơn. Tuy nhiên vì một vài lý do, The Verge muốn trả tiền cho tôi để trải nghiệm cuộc sống không có internet. Tôi vẫn có thể ở New York và chia sẻ những phát hiện của mình với mọi người trên thế giới. Là một biên tập viên công nghệ nên tôi đã đặt mục tiêu là khám phá những điều mà internet mang lại cho mình trong những năm qua. Tất nhiên tôi không muốn chỉ riêng mình trở thành người tốt. Tôi muốn giúp tất cả mọi người biết sống tốt hơn. Và một khi đã hiểu internet có những tác động thế nào đến mình, chúng ta có thể tìm ra cách chế ngự nó.

Ðúng 11:59 đêm 30/4/2012, tôi chính thức rút cáp internet, tắt wifi, tắt smartphone với một cảm giác thoải mái và nhẹ nhõm.

    Tôi đã mơ một giấc mơ

Cuộc sống mới của tôi bắt đầu khá suôn sẻ với vô số những sự kiện bất ngờ thú vị như gặp gỡ mọi người, chơi trò ném đĩa, đi xe đạp và nghiền ngẫm văn học Hy Lạp. Tôi đã viết được nửa cuốn tiểu thuyết và gần như mỗi tuần đều viết một bài cho The Verge. Chẳng cần phải cố gắng nhiều tôi cũng giảm được 15kg. Tôi mua một vài bộ quần áo mới và nhận được khá nhiều lời khen từ mọi người xung quanh. Không thể phủ nhận đôi lúc tôi cảm thấy hơi buồn tẻ và cô đơn nhưng rồi cũng mau chóng nhận ra rằng chính sự tẻ nhạt và thiếu tính kích thích đó đã thôi thúc tôi làm những việc mình thực sự quan tâm như viết lách hay dành thời gian trò chuyện, vui chơi với mọi người.

Khả năng tập trung của tôi cũng được cải thiện thấy rõ. Nếu như trước kia, việc đọc 10 trang truyện The Odyssey với tôi thật vất vả thì giờ đây tôi có thể ngồi yên một chỗ đọc hết 100 trang. Nếu gặp cuốn truyện ưa thích, tôi thậm chí còn có thể đọc liền tù tì hàng trăm trang. Rồi tôi còn học được cả cách giảm sự phụ thuộc vào văn hóa internet để tự phát triển những ý tưởng của mình theo nhiều hướng mới mẻ. Khi đó tôi thấy mình thật khác biệt, thậm chí đôi khi có thể hơi lập dị nhưng tôi thích như thế.

Khi không dùng smartphone, tôi không còn phải đối mặt với nhiều tình huống khó xử như trước. Không bị smartphone làm phiền, tôi nhận ra mình biết quan tâm nhiều hơn tới người khác. Không có internet để tương tác với mọi người qua mạng xã hội Twitter như trước kia, tôi chỉ còn cách tìm gặp họ trong đời thực. Em gái tôi, đứa thường phàn nàn về việc tôi hay vừa dùng máy tính vừa nghe nó kể chuyện – có vẻ là người vui nhất về điều này. Nó bảo rằng nó thích cách tôi trò chuyện và chia sẻ với nó như thế này.

Có vẻ như trong những tháng đầu tiên sống không có internet, giả thuyết của tôi đã đúng. Tôi đã trở về đúng con người thật của tôi và sống tốt hơn.

 

  Trở về thực tế

Khi quyết định không dùng internet nữa, tôi nghĩ rằng mình sẽ viết báo về những đề tài kiểu như “Hôm nay tôi đã dùng bản đồ giấy. Một trải nghiệm thật thú vị!”, “Sách in là gì?” hay “Ai có từ điển Wikipedia bản offline không, cho tôi mượn”. Tuy nhiên điều đó không xảy ra.

Tôi mua vài tấm bản đồ và không gặp khó khăn gì khi đi lại ở New York. Tôi cũng chẳng có gì để so sánh hãng này hãng khác khi mua vé máy bay mà chỉ gọi điện đến hãng Delta và mua theo giá họ báo. Tất nhiên tất cả những điều này chẳng có gì ghê gớm, duy chỉ có một sự khác biệt rõ ràng giữa cuộc sống có và không có internet mà tôi nhận ra là việc nhận thư. Tôi đã lắp một hòm thư ở cổng nhà và thật khó có thể diễn tả cảm giác vui sướng khi nhìn thấy trong đó đầy ắp thư của khán giả gửi về. Cảm xúc này tôi không hề có khi nhận và đọc thư điện tử. 

Trong số những bức thư đáng trân trọng ấy phải kể đến bức thư của một cô gái với dòng chữ đơn giản: “ Cảm ơn vì đã chia tay internet.” Ðó không phải là sự xúc phạm mà là một lời khen ngợi. Với tôi, bức thư ấy thực sự là cả thế giới. 

Tuy nhiên sau đó vì một số lý do tôi bắt đầu cảm thấy ngại đi đến bưu điện và cũng bắt đầu sợ những con chữ. Tôi nhận ra rằng hồi âm hơn chục bức thư một tuần còn mất nhiều công hơn cả giải quyết một trăm email một ngày. Một quyển sách hay cũng cần có động lực để đọc và việc ra khỏi nhà đi chơi với mọi người không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cuối năm 2012, tôi bắt đầu bỏ những thói quen tích cực sau khi rời xa internet. Thay vì lao vào học hỏi và sáng tạo, tôi có xu hướng trở nên thụ động và thu mình lại. Xe đạp không buồn đi, ném đĩa chẳng buồn chơi, gặp gỡ mọi người tôi cũng không có nhu cầu. Chỗ yêu thích nhất của tôi lúc này là chiếc ghế dài - nơi tôi có thể gác chân lên bàn, nằm chơi điện tử và nghe sách nói một cách vô thức.

Không có internet, tôi bỗng thấy gọi điện thoại cho người khác còn khó hơn gửi email và nhắn tin trên SnapChat hay gọi FaceTime còn dễ hơn nhiều lần so với ghé qua nhà ai đó để tìm họ. Tất nhiên những khó khăn này không thể không vượt qua được. Rõ ràng là ban đầu tôi đã làm được điều đó nhưng nó không tồn tại lâu.

Thật khó đưa ra lời giải thích chính xác về nguyên nhân của sự thay đổi. Tôi chỉ lờ mờ đoán được rằng trong những tháng đầu tiên tôi cảm thấy rất ổn vì thoát được những áp lực của internet. Tôi vui vì mình được tự do. Nhưng khi tĩnh tâm lại và nhìn vào cuộc sống không có internet tôi thật sự thấy nhàm chán và từ đó, những khía cạnh tiêu cực trong con người tôi bắt đầu xuất hiện. Tôi bắt đầu cảm thấy mình đang bị hất khỏi dòng chảy của cuộc sống. Kế hoạch ban đầu của tôi là không dùng internet để tìm lại con người thực của chính mình và kết nối với thế giới thực. Thế nhưng thực tế cho thấy con người thực và thế giới thực của chàng Paul đã gắn chặt với internet. Nói như thế không có nghĩa là cuộc sống của tôi không có gì khác biệt khi không có internet mà chỉ là đó không phải là cuộc sống thực.

Hai tuần trước khi trở lại với internet, tôi đã nếm trải cảm giác của một kẻ thất bại, một kẻ đầu hàng. Nhưng tôi hiểu rằng tôi đã thuộc về internet.

12:00 trưa 01/05/2013 - Tôi chính thức trở lại với thế giới mạng. Không thể đảm bảo rằng từ nay tôi sẽ sử dụng nó tốt hơn. Chắc chắn vẫn sẽ có lúc tôi lãng phí thời gian, bị phân tâm hay nhấp chuột vào những đường link không hay. Tôi sẽ không có nhiều thời gian để đọc, nghiền ngẫm hay thậm chí là viết những cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Nhưng ít nhất tôi đã và sẽ được kết nối với mọi người.”

Lan Anh


Bình luận
vtcnews.vn