Bộ Công Thương tăng giá điện bán buôn, Petrolimex lặp lại 'kỳ tích' lãi to dù doanh thu giảm

Kinh tếThứ Ba, 17/05/2016 06:43:00 +07:00

Petrolimex lại một lần nữa lãi khủng dù doanh thu giảm mạnh trong quý I, Bộ Công thương ra quyết định điều chỉnh giá điện bán buôn năm 2016 tăng thêm 2 - 5%

Petrolimex lại một lần nữa lãi khủng dù doanh thu giảm mạnh trong quý I, Bộ Công thương ra quyết định điều chỉnh giá điện bán buôn năm 2016 tăng thêm 2 - 5% so với năm 2015.

Zalora Việt Nam "về đội" của Nguyễn Kim

Tập đoàn Zalora vừa công bố hoàn thành việc bán Zalora Thái Lan cho Tập đoàn Central Group và bán Zalora Việt Nam cho Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.

Ông Michele Ferrario, CEO Tập đoàn Zalora chia sẻ: “Chúng tôi tự hào về cách Zalora Thái Lan và Zalora Việt Nam đã góp phần vào sự tăng trưởng sôi động tại thị trường thương mại điện tử. Họ sẽ bắt đầu một chương mới trong cuộc hành trình của Central Group và Nguyễn Kim để phục vụ người tiêu dùng thời trang ở Thái Lan và Việt Nam".

 

Zalora Việt Nam là một thành viên của Zalora Group được thành lập đầu năm 2012. Zalora thuộc sở hữu của Rocket Internet, một tập đoàn lớn của Đức chuyên xây dựng những công ty khởi nghiệp và thương mại trực tuyến ở các thị trường đang phát triển.

Cách đây một tháng, TechCrunch trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Rocket Internet muốn bán mảng kinh doanh của Zalora tại Việt Nam và Thái Lan để cắt giảm chi phí. So với Lazada, tài chính của Zalora không bê bết bằng, nhưng tiền mặt của hãng đang cạn kiệt.

Cũng theo nguồn tin trên, Zalora Thái Lan được chấp thuận mua lại với giá 10 triệu USD. Tuy nhiên, thông tin về giá trị thương vụ tại Việt Nam vẫn chưa có.

Nghi vẫn Cốc Cốc "sang tên đổi chủ" cho đối tác nước ngoài

Tháng 3/2015, công cụ trình duyệt và tìm kiếm Cốc Cốc của Việt Nam đã công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 14 triệu USD từ Tập đoàn truyền thông Đức Hubert Burda Media trong 18 tháng.

Hơn nửa năm sau khi nhận đầu tư từ Burda, đến tháng 10/2015, trang Deal Street Asia đã đưa ra nghi vấn các sáng lập viên đang lần lượt rời khỏi Cốc Cốc và bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư khác.

Từ đó đến nay, không có thêm thông tin mới nào về Cốc Cốc. Tuy nhiên, nhiều thông tin đang cho rằng ngay từ đầu tháng 12/2015, Cốc Cốc đã chính thức thay tên đổi chủ sang cho đối tác nước ngoài.

Theo đó, 99,75% vốn điều lệ của Công ty TNHH Cốc Cốc – đơn vị chủ quản của hệ thống Cốc Cốc – đã thuộc về công ty Coc Coc Pte Ltd có trụ sở tại Singapore nắm giữ. 

Phần còn lại thuộc về Công ty TNHH Công nghệ và Quảng cáo trực tuyến BNT – pháp nhân có cùng địa chỉ với trụ sở chính của Cốc Cốc tại Hà Nội. Hiện Cốc Cốc có vốn điều lệ 380,6 tỷ đồng.

Cốc Cốc (ban đầu mang tên Cờ Rôm+) ra đời 4/2013, do ba lập trình viên Việt Nam sáng lập gồm các ông Phạm Văn Thanh, Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Đức Ngọc. Theo công bố từ phía Cốc Cốc, hiện họ là trình duyệt có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Petrolimex lại lãi to trong quý I dù doanh thu giảm

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016. 

Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 27.550 tỷ đồng, bằng 72,6% so với cùng kỳ, được lý giải bởi diễn biến giá dầu giảm hơn 30% so với quý I/2015.

Ngược lại, tổng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex lại tăng 146% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.371 tỷ đồng. 

Riêng lãi từ kinh doanh xăng dầu chiếm gần 48%, tương đương 658 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chi phí, lợi nhuận của Petrolimex đạt 1.134 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần cùng kỳ 2015. Riêng lãi của công ty mẹ sau thuế đạt 360 tỷ, tăng 4 lần.

 

Trước đó, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, trong quý I/2016, giá dầu có diễn biến phức tạp: nửa đầu quý giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm sau đó đảo chiều lên những mức cao nhất trong năm nay.

Cơ quan Hải quan cũng cho biết do sự sụt giảm về đơn giá nên lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng năm 2016 là 1,7 triệu tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lại giảm 33,1% về trị giá so với cùng kỳ. 

Giá bán buôn điện năm 2016 tăng 2 - 5%

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 1797/QĐ-BCT quy định khung giá bán buôn điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho các Tổng công ty điện lực năm 2016, với mức tăng từ 2-5% so với năm 2015.

 

Cụ thể, tăng mạnh nhất là mức giá tối đa, mức giá tối thiểu của Tổng công ty Điện lực Miền Trung, tăng 5% so với 2015. Từ mức 1.135 đồng/kWh lên 1.200 đồng/kWh với mức giá tối đa, từ 1.066 đồng/kWh lên 1.119 đồng/kWh đối với mức giá tối thiểu.

Mức giá tối đa tăng 4% đối với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, tăng 3% đối với Tổng công ty Điện lực Hồ Chí Minh và Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Trong khi mức giá tối thiểu tăng 3% đối với Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Hồ Chí Minh là 2%.

Theo quyết định 1797, căn cứ vào khung giá bán buôn điện bình quân trên, giá bán buôn điện bình quân của EVN cho các Tổng công ty Điện lực không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa của khung giá. EVN có trách nhiệm ban hành giá bán buôn điện cụ thể cho từng Tổng công ty Điện lực theo quy định hiện hành.

Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá bán buôn điện bình quân phù hợp, EVN có trách nhiệm tính toán, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

Thời gian áp dụng khung giá bán buôn điện trên bắt đầu từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2016.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) suýt bị tin tặc "hack" 1 triệu USD

Mới đây, Reuters đưa tin, TP Bank là ngân hàng Việt Nam bị tin tặc tấn công vào hệ thống chuyển tiền SWIFT, kỹ thuật tương tự được sử dụng trong vụ cướp từ NHTW Bangladesh.

Thông tin cho biết , trong quý IV/2015, TPBank đã xác định được một số yêu cầu có dấu hiệu đáng ngờ thông qua các tin nhắn của hệ thống chuyển tiền SWIFT nhằm chuyển hơn 1 triệu Euro (khoảng 1,1 triệu USD).

 

TP Bank đã ngay lập tức liên lạc với các bên liên quan và kịp thời chặn đứng việc chuyển tiền của bọn tội phạm bằng cách liên hệ với các bên có liên quan.

"Vụ tấn công không gây ra bất kỳ thiệt hại nào và cũng không hề ảnh hưởng đến hệ thống của SWIFT nói riêng và hệ thống giao dịch giữa TPBank với khách hàng nói chung", thông cáo của TPBank cho biết.

Vụ tấn công ngân hàng TPBank tương tự vụ  cướp từ NHTW Bangladesh trong tháng 2/2016.

Việc chuyển tiền của các tin tặc nói trên được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của bên thứ ba đã được TPBank thuê để kết nối họ với hệ thống SWIFT với máy chủ đặt ở nước ngoài.

Tuy nhiên, TPBank từ chối cung cấp thông tin về tên của nhà cung cấp này, mặc dù ngân hàng này cho biết đã chấm dứt hợp đồng và chuyển sang sử dụng hệ thống mới có tính bảo mật cao hơn và cho phép họ kết nối trực tiếp với SWIFT.

Gần đây, tổ chức SWIFT thông báo và cho biết có thể tin tặc đã cài mã độc (malware) vào một phần mềm ứng dụng của đối tác nêu trên dùng cho dịch vụ thanh toán SWIFT mà đối tác này cung cấp.

Ngày 12/5, cơ quan này cho biết một ngân hàng Việt Nam đã vào tầm ngắm của nhóm tội phạm từng cướp 80 triệu USD của Ngân hàng Trung ương Bangladesh.

Hiện vẫn chưa rõ SWIFT nhận biết về vụ tấn công tại TPBank khi nào và liệu tổ chức này có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự hoặc cảnh báo các khách hàng khác.

Tiệp Tiệp (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn