3 nữ doanh nhân lọt top quyền lực nhất châu Á; Lộ diện người gốc Việt trong hồ sơ Panama

Kinh tếThứ Năm, 07/04/2016 06:50:00 +07:00

Mặt sáng, mặt tối của những cái tên người Việt được cả thế giới biết đến

Người Việt vừa vinh dự có 3 nữ doanh nhân lọt top quyền lực nhất châu Á thì cũng là lúc cả thế giới biết đến người gốc Việt đầu tiên có mặt trong danh sách đen của “Hồ sơ Panama”.

Lộ diện người gốc Việt đầu tiên có mặt trong "Hồ sơ Panama"

Tờ Toronto Star của Canada vừa tiết lộ, Eric Van Nguyen - một người Canada gốc Việt, 32 tuổi và là một nhà đầu tư chứng khoán sống tại Quebec - có mặt trong danh sách đen của “Hồ sơ Panama” chấn động toàn cầu.

Trang Le Journal de Montreal trích dẫn tài liệu của Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra ICIJ cho hay, ông Eric có thể đã đăng ký một công ty bí mật ở Samoa, Nam Thái Bình Dương và một công ty vô danh ở quẩn đảo Virgin của Anh
Eric Van Nguyen là người gốc Việt đầu tiên có tên trong Hồ sơ Panama. Ảnh: Le Journal de Montreal.
Eric Van Nguyen là người gốc Việt đầu tiên có tên trong Hồ sơ Panama. Ảnh: Le Journal de Montreal. 
Cũng theo trang này, năm 2014, Eric Van Nguyen đã từng bị buộc tội lừa đảo 290 triệu USD ở New York. Luật sư gốc Việt này đã cùng 7 đồng phạm môi giới cổ phiếu với giá cao rồi bán cho các nhà đầu tư cả tin.

Nguồn tin cho biết ông Eric là một đối tác cũ của John Babikian, người được mệnh danh là “Sói Montreal” vì sự tương đồng với nhân vật chính của bộ phim “The Wolf of Wall Street” – Jordan Belfort, một nhà môi giới giàu có nhưng sống trong tội lỗi.

Tháng 11/2014, Ủy ban Chứng khoán SEC đệ đơn tố cáo ông Eric, cáo buộc ông đã trả 1 triệu USD cho Babikian như một phần của thương vụ gian lận cổ phiếu.

Hồ sơ Panama được cho là vụ bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử, có liên quan đến hành vi trốn thuế và rửa tiền của nhiều người quyền lực, giàu có nhất thế giới.

3 nữ tướng Việt Nam lọt top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Mới đây, Forbes đã công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á, trong đó đáng tự hào có 3 người phụ nữ của Việt Nam được lọt vào danh sách này.

Cụ thể gồm có bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đứng ở vị trí thứ 3, ngay sau hai nữ doanh nhân Ấn Độ là Nita Ambani Giám đốc của Reliance Industries kiêm Chủ tịch của Reliance Foundation và Arundhati Bhattacharya, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
Từ trái sang phải: Bà Cao Thị Ngọc Dung - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Bà Thái Hương
Bà Cao Thị Ngọc Dung (58 tuổi) bắt đầu tham gia ban quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận từ năm 1998 trên cương vị giám đốc. Từ năm 2004 đến nay bà Dung là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là cổ đông lớn nhất của PNJ.
Năm 2015, doanh thu của PNJ đạt  7.697 tỷ đồng, lợi nhuận 1.138 tỷ đồng.

Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ, bà Dung còn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý ở những doanh nghiệp khác mà PNJ là cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Đông Á.

Hai đại diện khác của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc điều hành Vietjet Air, đứng thứ 32 và bà Thái Hương - Chủ tịch TH True Milk xếp ở vị trí 43.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo  (46 tuổi) là người sáng lập kiêm CEO của hãng hàng không VietJet, đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM HDBank.

Ngoài ra, bà Thảo còn sở hữu 90% cổ phần tại Savico Holdings và nắm giữ số cổ phần không nhỏ tại 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp là Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara Nha Trang và An Lâm Ninh Vân Bay Villas.

Theo một tính toán mới đây của Bloomberg, sau khi VietJet tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tài sản của bà Thảo sẽ vượt quá 1 tỷ USD và trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam.

Bà Thái Hương (58 tuổi) dù mới chỉ tham gia vào lĩnh vực sữa từ năm 2009 nhưng đã tạo được nhiều dấu ấn với ngành sữa Việt Nam.

Ngoài cương vị Chủ tịch của TH True Milk, bà Hương còn là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng TMCP Bắc Á - ngân hàng do bà sáng lập năm 1994.

Nhân viên dầu khí nhận lương trung bình hơn 30 triệu đồng mỗi tháng

Công ty Phân phối Khí Thấp áp dầu khí Việt Nam (Mã CK: PGD) vừa công bố báo cáo giải trình kết quả kinh doanh và báo cáo thường niên năm 2015. Theo đó, doanh thu đạt 4.935 tỷ đồng, tăng 4,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 238 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước.

Tính đến hết năm 2015, công ty có tổng cộng 244 nhân sự, trong đó 70,5% đạt trình độ đại học trở lên. Mức lương bình quân trong năm 2015 mỗi nhân viên là 30,05 triệu đồng một tháng, tăng 6,91% so với năm trước.

Cũng theo báo cáo, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trần Trung Chính được bổ nhiệm cách đây một năm đã nhận tổng lương 691 triệu đồng, tương đương bình quân mỗi tháng trên 81 triệu đồng. Hai thành viên Hội đồng quản trị là ông Phạm Văn Huệ và Nguyễn Thành Lam cũng nhận mức lương 73-77 triệu đồng. Ông Đinh Ngọc Huy và Nguyễn Quang Huy cùng giữ chức Phó giám đốc cũng nhận 62,4 triệu đồng mỗi tháng.

So với các công ty khác trong ngành, nhân viên Công ty Phân phối Khí Thấp áp dầu khí ở mức khá cao, gấp gần 6 lần mức bình quân 5,53 triệu đồng trong năm 2015 của lao động Việt Nam.

Hà Nội lên cơn "sốt" tôm, đắt cũng không có mà mua

Khoảng gần 2 tuần trở lại đây, giá tất cả các mặt hàng tôm tại chợ đều tăng đồng loạt thêm 50.000-80.000 đồng/kg vì tôm hiếm đến mức không có để mà bán.

Trong khi đó, giá tôm sú cũng tăng thêm 70.000 đồng/kg lên 450.000 đồng/kg. Tôm rảo loại nhỏ giờ tăng lên mức 180.000 đồng/kg, tôm rảo loại to tăng lên mức 250.000 đồng/kg, thậm chí vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật tuần vừa rồi, giá tôm còn tăng lên 270.000 đồng/kg.

Lý giải tình trạng "sốt" tôm này, một tiểu thương ở chợ Đại Từ, Hà Nội lý giải: "Vùng tôm ở miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa, vụ cũ thì thu hoạch gần hết, vụ mới thì chưa xuống con giống nên hàng cực kỳ khan hiếm".
Tiểu thương này cho biết thêm, thời gian trước nếu nhập được tôm sẽ bán hết sáng đến chiều, nhưng mấy ngày nay số lượng tôm nhập về chỉ đủ bán buổi sáng, thậm chí có hôm chưa đến giờ tan chợ buổi sáng mà tôm đã cháy hàng.

Kể cả với những loại tôm yếu, tôm đã chết được ướp đá, trước phải bán giá rẻ bằng một nửa tôm sống thì nay khách cũng phải mua hết với giá gần ngang bằng giá tôm sống.

Một nguyên nhân lớn hơn dẫn tới tình trạng này là năm nay, các tỉnh ở ĐBSCL đang gặp hạn mặn, dân không xuống giống tôm để nuôi thả nuôi nên nguồn cung tôm thương phẩm ra thị trường trong đó cũng khan hiếm, kéo theo giá tôm tại các chợ ở Hà Nội tăng kỷ lục như vậy.

Đợt trước, một ký tôm rảo loại to bán buổi sáng chỉ 160.000-180.000 đồng, loại nhỏ hơn giá 120.000-130.000 đồng, buổi chiều cao hơn khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với buổi sáng.

Giám đốc Sở NN-PTNT một số tỉnh ở ĐBSCL thừa nhận, giá tôm nguyên liệu đang tăng mạnh với lý do chính là do khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng khiến người nuôi e ngại không dám xuống giống vì ở độ mặn cao tôm không thể lớn được. Vì thế, sản lượng tôm nguyên liệu cũng giảm tương ứng với diện tích nuôi thả.

Tiệp Tiệp (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn