Đại gia ngoại đua nhau rót USD vào 'chiếc cốc vàng' Việt Nam

Kinh tếThứ Năm, 17/03/2016 06:44:00 +07:00

Việt Nam như một chiếc cốc vàng đang được rót đầy bởi những dòng tiền đầu tư trị giá hàng tỷ USD của những vị đại gia nổi tiếng nhất nhì trên thế giới.

(VTC News) - Việt Nam như một chiếc cốc vàng đang được rót đầy bởi những dòng tiền đầu tư trị giá hàng tỷ USD của những vị đại gia nổi tiếng nhất nhì trên thế giới.

Big C Việt Nam được đại gia Nhật trả giá 800 triệu USD


Tập đoàn Aeon của Nhật đang tiến gần tới việc đạt thỏa thuận mua lại Big C Việt Nam từ nhà bán lẻ Pháp Casino Guichard - Perrachon SA sau khi đưa ra mức giá chào mua là 800 triệu USD, theo nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Bloomberg.

Hiện tại Aeon đã nổi lên thành đối tác tiềm năng nhất trong thương vụ này. Kết quả cuối cùng về tân chủ nhân của Big C Việt Nam có phải là vị đại gia Nhật Bản này hay không cũng sẽ được công bố trong tuần này, nhưng đến nay vẫn đối mặt với khả năng thất bại.

Lý do là bởi ngoài Aeon, còn có một số đối thủ khác cũng chào mua Big C Việt Nam như tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, Central Group của Thái Lan, và TCC Holding của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.

Tháng trước, Casino đã đạt thỏa thuận bán lại quyền kiểm soát chuỗi siêu thị Big C Supercenter ở Thái Lan cho TCC với giá 3,1 tỷ Euro, tương đương 3,4 tỷ USD.

Hiện nay Casino còn đang phải bán bớt tài sản ở châu Á và Mỹ Latin để cắt giảm nợ nần và tập trung vào hoạt động kinh doanh cửa hàng tiện ích và giá rẻ tại Pháp, thị trường lớn nhất tập đoàn, trong bối cảnh sức mua của người tiêu dùng đi xuống.
Gã khổng lồ Apple chuẩn bị rót 1 tỷ USD về Hà Nội

Apple Inc có thể sẽ theo chân đối thủ lớn nhất của mình là Samsung Electronics để đầu tư vào Hà Nội, biến Việt Nam thực sự trở thành trung tâm lớn của các hãng sản xuất điện thoại và tạo ra sức hút mới với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam.

Theo một nguồn tin riêng được tiết lộ trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Apple đã đề xuất xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu phục vụ khu vực Châu Á tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Hiện tại, Apple đang trong giai đoạn tìm kiếm địa điểm và hoàn tất các thủ tục đầu tư cần thiết, nguồn tin trên cho biết.

Nếu như dự án được triển khai, đây sẽ là dự án đầu tư đầu tiên của Apple vào Việt Nam, sau khi các đối thủ lớn khác như Samsung Electronics, LG Electronics và Microsoft đều đã thiết lập các dự án đầu tư tại đây khá lâu.

Tuy nhiên khác với các đối thủ khác, Apple không đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Thay vào đó, toàn bộ 1 tỷ USD vốn đầu tư lần này dự kiến sẽ được dùng để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và cơ sở dữ liệu phục vụ cho toàn bộ khu vực Châu Á.

Hiện tại, Apple đã có các trung tâm R&D tại Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và Israel. Tập đoàn này cũng đang xây dựng một trung tâm R&D mới ở Nhật Bản và dự kiến đến tháng 6 tới sẽ mở một trung tâm R&D mới tại Ấn Độ.

Vẫn chưa thể biết được rằng dự án đầu tư của Apple tại Hà Nội đến lúc nào sẽ được triển khai và lĩnh vực nghiên cứu cụ thể mà Apple muốn tập trung ở Việt Nam.

Nhưng với quy mô của dự án lên tới 1 tỷ USD như vậy, có thể thấy được Apple đang đánh giá rất cao về tiềm năng nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, cùng với đó là sức hấp dẫn như là một trung tâm mới, không chỉ về sản xuất mà cả trong các hoạt động nghiên cứu phát triển của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

TP HCM "no căng" với những khoản đầu tư FDI

Trong khi đó, tại TP.HCM, heo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì chỉ tính trong 2 tháng đầu năm nay, thành phố đã thu hút gần 232 triệu USD từ vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng.

Trong đó, vốn cấp mới cho 90 dự án với vốn đầu tư gần 156 triệu USD, 25 dự án được điều chỉnh tăng vốn gần 79 triệu USD.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 5.854 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn trên 40 tỷ USD.
Trong năm 2015, thành phố đã thu hút được 4,5 tỷ USD vốn FDI, tăng khoảng 38% so với năm 2014, chiếm gần 20% trong tổng vốn FDI của cả nước.

Singapore là nước có vốn FDI lớn nhất tại TP.HCM, chiếm tỷ trọng 22,3% (8,7 tỷ USD), tiếp đến là Malaysia chiếm tỷ trọng 14,9% (5,8 tỷ USD) và British Virgin Islands đứng thứ 3, chiếm tỷ trọng 11% (4,2 tỷ USD).

Phân theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng nhất lĩnh vực bất động sản khi đổ vốn vào đây tới 14 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%, đứng thứ 2 là lĩnh vực công nghiệp chế biến với 12 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 32%. Thứ 3 là giáo dục với 3,7 tỷ USD, chiếm 9,3%...

Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp gần 25% vào giá trị GDP của TP.HCM.

Đến người dân gửi tiền ngân hàng cũng chuộng USD

Nhiều người Việt nghĩ rằng, việc gửi USD vào ngân hàng không được lãi suất nhưng cốt để giữ tiền và an toàn đỡ phải bảo quản, nhưng với những khoản tiền lớn vẫn có thể được nhận ngay lãi suất.

Theo thông tin trên Dân Việt, một nhân viên ngân hàng cũng cho biết “có chuyện lãi suất bên trong, bên ngoài đối với tiền gửi USD bởi hiện tại các ngân hàng đang cần USD”. Cũng theo nhân viên này cho biết mức lãi suất thấp nhất cũng từ  0,6 – 1,5% tùy từng  khoản gửi và thời hạn khác nhau.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, với mức tiền gửi khoảng 30.000 USD tại một hàng cổ phần tại Hà Nội, nghiễm nhiên người gửi sẽ nhận được khoản tiền lãi khoảng 1%, song là nhận trực tiếp bằng “tiền tươi thóc thật” không ghi vào hợp đồng.

Chuyên gia  kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhiều khách hàng cá nhân chưa muốn “buông bỏ” ngoại tệ. Thậm chí khi còn “thỏa thuận” được lãi suất thì người dân vẫn “kiên trì” với USD.

Ông Hiếu cho rằng, để khắc phục tình trạng găm ngoại tệ NHNN cũng đã công khai công bố tỷ giá trung tâm, đã tạo được niềm tin cho thị trường, dẹp được tâm lý đầu cơ tỷ giá. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm và biến động không ngừng của tỷ giá, ông Hiếu cho rằng NHNN cũng cần cảnh giác, để có thể xử lý linh hoạt, kịp thời.

Liên quan đến vấn đề này, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cũng bày tỏ lo lắng: Hiện tượng găm giữ USD trong dân tăng lên. Có động thái người dân chuyển VND sang USD gửi ngân hàng.

Trong bối cảnh ấy, “NH VN lại phải vay ngoại tệ bên ngoài. Mới đây, NH Công thương phải đi vay 200 triệu USD do NH của Đài Loan (Trung Quốc) thu xếp với lãi suất bao nhiêu tôi không biết chính xác? Trong khi ở trong nước lãi suất lại bằng 0”, ông Thúy nói.

Tiệp Tiệp(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn