Đa cấp ở Việt Nam: Chiếc quần lót giá hơn 10 triệu đồng

Kinh tếThứ Năm, 03/03/2016 05:13:00 +07:00

nhiều người vì lòng tham làm mờ mắt nên đã bỏ ra hàng triệu đồng để mua một chiếc quần lót, hay hàng tỷ đồng để mua những mã hàng "ảo" của những công ty đa cấp

(VTC News) - Nghe như chuyện khó tin nhưng có thật, nhiều người vì lòng tham làm mờ mắt nên đã bỏ ra hàng triệu đồng để mua một chiếc quần lót, hay hàng tỷ đồng để mua những mã hàng "ảo" của những công ty kinh doanh đa cấp lừa đảo.

Quần lót hơn 10 triệu đồng một chiếc


Tại huyện Đắk Glei, Kon Tum, ở những vùng cao có đông người dân tộc Giẻ Triêng, các công ty đa cấp mà cụ thể ở đây chính là Thiên Ngọc Minh Uy đã ồ ạt đổ về, tuyên truyền những lời lẽ ma mị nhất để khiến cho những người dân ở đây tin và mua những mặt hàng đồ gia dụng, điện lạnh với mức giá "cắt cổ".

Từ nồi cơm điện, bếp từ, máy lọc nước nano cho tới các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… thậm chí cả quần lót, áo ngực cũng bị các công ty đa cấp này hét giá lên tới hàng triệu đồng.

Cụ thể, theo thông tin trên báo Giao thông, một người dân tại xã Đắk Kroong đã phải mua một bộ áo ngực nano lên tới 5,2 triệu đồng, trong khi đó cũng là áo ngực nano xuất xứ Trung Quốc trên thị trường có giá chỉ khoảng 500.000 đồng.
Hợp đồng mua hàng và thẻ thành viên của một cặp vợ chồng tại  với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy
Hợp đồng mua hàng và thẻ thành viên của một cặp vợ chồng tại
huyện Đắk Glei, Kon Tum với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy
 
Một trường hợp khác như Anh Krõ ở xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei mua quần lót nữ với giá 10,7 triệu đồng, hai chiếc nồi áp suất giá 11,7 triệu đồng. Hay như hai hộ A Nhót và A Nic ở cùng xã, mỗi người cũng đã bỏ ra tới 260 triệu đồng mua để mua các loại quần áo lót, nồi cơm điện, bình lọc nước…

Hầu hết những người này đều tin rằng với hợp đồng mua bán các sản phẩm đó, số tiền vài năm sau mà họ nhận được có thể lên tới hàng tỷ đồng mà chẳng cần phải đi làm.

Giống như ông A Lan ở làng Kon Riêng (xã Đắk Choong, Đắk Glei) lục trong nhà lôi ra 4 gói cà phê và 1 gói trà và cho biết, tiền phải trả cho số sản phẩm này là... 36,6 triệu đồng.

Chuyện nghe tưởng như đùa nhưng ông A Lan thành thật kể, có một người anh họ đang bán hàng cho một công ty nào đó và người này đã rủ ông mua số cà phê trên để tham gia góp vốn kinh doanh chuỗi cửa hàng, siêu thị rất to ở thành phố.

Sau đó, ông A Lan bán hết một loạt trâu, rẫy mì để rồi bỏ ra 36,6 triệu mua sản phẩm, đồng thời được cấp một thẻ VIP kèm theo lời hứa: “Sau 9 tháng được công ty trả 99 triệu đồng tiền lợi tức kèm theo tiền vốn ban đầu”.

Cho đến lúc này ông A Lan vẫn còn chưa hết thắc mắc rằng: “Cà phê gì mà đắt thế nhỉ, hơn 7 triệu đồng/gói?”.

Mất 4 triệu để mua... mã kích hoạt kinh doanh đa cấp

Một công ty đa cấp B.H có trụ sở đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh cũng đã từng làm xôn xao dư luận với khoản tiền 4 triệu đồng cho một mã kích hoạt kinh doanh đa cấp mà các thành viên bắt buộc phải đóng khi muốn tham gia.

Cụ thể, những người được mời đến để phỏng vấn và trao đổi công việc nếu như muốn gia nhập công ty thì phải mua một loại mã số được gọi là mã kích hoạt, với mức giá hơn 4 triệu đồng.

Theo như lời giải thích của người quản lý thuộc công ty B.H, đây là loại mã dùng để sử dụng trong việc hoạt động kinh doanh khi đã là thành viên của công ty.

Và khi đã là thành viên của công ty, người đó phải bán được hàng như cam kết, mặt khác còn phải lôi kéo được thêm người gia nhập vào công ty.

Điều đáng nói là trong trường hợp không mời được thêm người mới nào, thành viên đó sẽ phải nộp thêm 4 triệu đồng để... gia hạn mã hoạt động.

Chưa kể những ai muốn gia nhập vào công ty, trước hết phải tham gia một khóa học được giới thiệu là có một giảng viên từ Mỹ về dạy, học phí ngoài thị trường hơn 1 triệu, nhưng họ chỉ lấy 250.000 đồng.
Khóa học trải nghiệm giá 250.000 đồng tại công ty đa cấp B.H
Thông tin về khóa học trải nghiệm có giá 250.000 đồng trên thẻ học viên của công ty đa cấp B.H
Đồng thời, người đó phải đóng tiền mua một trong 3 gói sản phẩm của công ty, với các mức giá là 5 triệu, 15,7 triệu và 29 triệu, với mỗi mức giá sẽ có một loại ưu đãi khác nhau.

"Ngoài việc đóng tiền, bọn mình còn phải tự mua quần áo vest, tạo phong cách đại gia để dẫn dụ người khác. Sau 2 tháng, tổng số tiền mình bỏ ra gần 20 triệu nhưng không thu được đồng nào, bạn bè đòi nợ, tiền trọ không có trả. Cuối cùng mình đành gọi điện về cầu cứu cha mẹ, họ phải bán trâu cho mình trả nợ", một thành viên của công ty B.H tâm sự.

Một mã sản phẩm trị giá 8,6 triệu đồng

Mới đây, một nạn nhân của Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại VN (Liên Kết Việt) tại Đà Nẵng đến Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP.Đà Nẵng trình báo: “Cả nhà tôi có 4 người: vợ chồng tôi, con và cháu, mua 60 mã hàng với giá 8,6 triệu đồng/mã tương đương 516 triệu đồng, đến nay mới nhận hoa hồng được hơn 100 triệu đồng”, Bà C.L mếu máo kể.

Thậm chí có những nạn nhân còn thiệt hại một cách nặng nề khi nộp tiền mua 223 mã hàng hóa, tương đương tới gần 2 tỷ đồng.
Phiếu thu và sổ “ghi thưởng” của những nhà phân phối tham gia Liên kết Việt - Ảnh: Tuổi trẻ
Phiếu thu và sổ “ghi thưởng” của những nhà phân phối tham gia Liên kết Việt - Ảnh: Tuổi trẻ 
Lý do là nhân viên Liên kết Việt tư vấn 3 chương trình ưu đãi gồm: “hoa hồng đại thắng”, “hoa hồng nhân văn” và “hoa hồng hoàn lại” nhằm dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia và mua một thứ gọi là "mã hàng".

Mỗi chương trình có ưu đãi khác nhau nhưng chung quy "nhà phân phối" đều được nhận tiền lãi khủng, được dùng các loại sản phẩm độc quyền của công ty như Đông trùng hạ thảo BQP, Dưỡng cốt vương BQP với giá cực rẻ.

Quan trọng là với mức lãi trung bình là khoảng 140.000 đồng một tháng/một mã, nhà phân phối sẽ sớm thu hồi được vốn và chỉ trong vòng 5 năm nhà phân phối sẽ thu lãi về được 449 triệu đồng.

Nhiều người vì bị "đánh trúng" lòng tham nên đã mua mã kích hoạt của Liên kết Việt, thậm chí còn rất tin tưởng do công ty luôn giới thiệu là trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, ban đầu các nhà phân phối sẽ được nhận khoảng 65% tiền lãi/mã hàng, xong sau đó dần dần sẽ bị giảm lãi và cuối cùng là không còn được công ty Liên kết Việt trả lãi nữa.

Do đó nhiều người đến nay không những không nhận được số tiền lãi như Liên kết Việt đã hứa hẹn, mà thậm chí còn không lấy được cả tiền gốc về với lý do là bởi những "đại tá", "đại tướng" mạo danh trong ban lãnh đạo của Liên kết Việt đến nay đã phải ngồi trong nhà giam với tội danh là "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Hai hộp thực phẩm chức năng "đểu" giá 7,2 triệu đồng

Công ty CP Everrichs Global xuất hiện tại TP. Quảng Ngãi với những thông tin cần tuyển nhân viên tư vấn kinh doanh với thù lao vài chục triệu đồng/tháng. Với sự kỳ vọng tìm được việc làm tốt, lương cao, nhiều người đã nhanh chóng mang hồ sơ xin việc đến địa chỉ trên để được “phỏng vấn”.

Và để trở thành một nhân viên tư vấn kinh doanh của Everrichs Global, "ứng viên" bước đầu sẽ được tập huấn trong vòng một tuần, cùng với điều kiện không thể thiếu đó là mua bộ sản phẩm thực phẩm bổ sung của công ty, với mức giá là 7,2 triệu đồng.
Một trong hai hộp thực phẩm bổ sung mà nạn nhân Đặng Thị Tr phải bỏ 7,2 triệu đồng ra để mua và được tham gia vào mạng lưới bán hàng của Everrichs Global.
Một trong hai hộp thực phẩm bổ sung mà nạn nhân Đặng Thị Tr phải bỏ 7,2 triệu đồng ra để mua và được tham gia vào mạng lưới bán hàng của Everrichs Global. 
Theo đó, một loại sản phẩm có nhãn hiệu Theo Max (loại  hộp 15 gói x 15g) - là sản phẩm uống hòa tan vị cacao, nhân sâm… Ngoài ra còn có một loại sản phẩm khác là bột cân bằng dinh dưỡng Prodi Gold.

Tóm lại, chỉ cần đóng 7,2 triệu đồng để mua bộ những sản phẩm thực phẩm bổ sung "chất lượng" này thì người đó sẽ trở thành một tư vấn viên kinh doanh của công ty.

Theo quy định của công ty, các nhân viên giới thiệu được thêm càng nhiều người tham gia vào công ty thì mức thu nhập sẽ càng “khủng” và nhanh được lên chức. Trong vòng 6 tháng nếu thành lập được nhóm hoạt động hiệu quả thì nhân viên đó còn có thể thu về số tiền lương 20-30 triệu đồng/ tháng.

Nhiều bạn trẻ là sinh viên hoặc mới ra trường vì quá tin tưởng, mong muốn có được việc làm với mức thu nhập cao, lương thưởng hấp dẫn nên sẵn sàng chi ra số tiền lớn như vậy để được trở thành một nhân viên tư vấn kinh doanh của Everrichs Global.

Cuối cùng, vì bị quá nhiều người nghi ngờ nên Everrichs Global đã bị cơ quan chức năng sờ gáy vì hoạt động kinh doanh đa cấp với các sản phẩm thực phẩm bổ sung Theo Max và bột cân bằng dinh dưỡng Prodi Gold hoàn toàn không có trong danh mục hồ sơ công bố thực phẩm bổ sung được phép lưu hành trên cả nước.

Do đó, các sản phẩm này hoàn toàn không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng ảo nhưng giá tiền thì lên tới gần 4 triệu đồng/hộp.

Huyền Trân (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn