Hiệp định TPP vừa ký kết: Chuyên gia kinh tế nhận định lợi thế của Việt Nam

Kinh tếThứ Năm, 04/02/2016 03:35:00 +07:00

TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ khi Hiệp định TPP được ký kết, Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích nhưng áp lực cũng lớn.

(VTC News) – TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ khi Hiệp định TPP được ký kết, Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích nhưng áp lực cũng lớn.

Sáng 4/2/2016, tại Aucland - New Zealand, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước thành viên TPP (New Zealand, Australia, Canada, Mỹ, Mexico, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Singapore, Peru và Chile) đã chính thức ký kết để xác thực lời văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

TPP là đỉnh cao nhất trong số hơn 90 Hiệp định thương mại

Từ khi chính thức kết thúc đàm phán ngày 5/10/2015, đến chính thức được ký kết và trong thời gian chờ đợi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực thực tế, vẫn còn không ít quan ngại và nhiều việc mà mỗi nước phải làm…

Trong mỗi nước, TPP tạo ra nhiều cơ hội và không ít áp lực với các góc độ tiếp cận và các nhóm lợi ích khác nhau, bất chấp quy mô và trình độ phát triển kinh tế như thế nào, nhất là về năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi tường, việc làm, sự bình đẳng, tính minh bạch và quyền sở hữu trí tuệ …
 
TPP là đỉnh cao nhất trong số hơn 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác khác song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký với các nước và các tổ chức quốc tế. TPP sẽ góp phần củng cố và nâng tầm vị thế khu vực FDI trong bổ sung nguồn lực đầu tư, tăng quy mô GDP, kim ngạch xuất khẩu và tạo ra việc làm mới cho khu vực doanh nghiệp chính thức…

TPP là hiệp định có những tiêu chuẩn cao, tham vọng, toàn diện và bao quát hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại, trong đó có nhiều lĩnh vực mới như môi trường, lao động, chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

TPP mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết, nhưng tiếp cận thị trường một cách toàn diện, đồng thời cân bằng lợi ích trong nỗ lực giải quyết các thách thức về cắt giảm thuế quan, phi thuế và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; bảo tồn, bảo vệ môi trường, người lao động và công đoàn; sở hữu trí tuệ, mua sắm và đầu tư công; thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và hội nhập qua biên giới, mở cửa thị trường trong nước; thúc đẩy đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số; cân bằng vai trò của các DNNN và hỗ trợ DNVVN, tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên; nâng cao mức sống, giảm đói nghèo và tạo ra một mô hình mới và hấp dẫn trong thương mại cho một trong những khu vực phát triển nhanh và năng động nhất thế giới.


Cơ hội nhiều

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt có thêm nhiều cơ hội nâng cao cạnh tranh nhờ được giảm thuế và đối xử bình đẳng; tiếp cận thuận lợi hơn với các thị trường lớn, có sức mua và tính thanh khoản cao; tìm kiếm các đối tác, nguồn cung thiết bị, công nghệ cao, với giá cả và chất lượng thích hợp; đặc biệt, có cơ hội nắm bắt và tham gia các chuỗi cung ứng giá trị và sản xuất toàn cầu mới trong quá trình tái cơ cấu khu vực và thế giới.

Hơn nữa, cơ hội đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, có lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng đậm hơn nhờ quá trình  đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện nhất quán các cam kết, đáp ứng các nội dung yêu cầu hội nhập TPP.

Trong đó có bảo đảm tính chính trực, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục tại biên giới, thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực, áp dụng quy tắc xác định trước trị giá hải quan và xử phạt trong lĩnh vực hải quan, đảm bảo các chế tài được thực hiện một cách công bằng và minh bạch, cũng như từ hệ thống chung cho phép hiển thị và xác minh hàng hoá sản xuất trong khu vực TPP đáp ứng các quy tắc xuất xứ; minh bạch và không phân biệt đối xử trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tiếp cận các thị trường TPP; áp dụng các nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, chuẩn mực ứng xử tối thiểu trong đầu tư phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế; nghiêm cấm các hành vi thu hồi tài sản không phục vụ cho mục đích công, không đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định hoặc không thực hiện bồi thường; nghiêm cấm những yêu cầu về thực hiện như yêu cầu về hàm lượng nội địa hay nội địa hóa công nghệ; tự do chuyển giao nguồn vốn thực hiện đầu tư phù hợp với những điều khoản ngoại lệ quy định trong Hiệp định TPP …

Áp lực lớn

Bên cạnh các cơ hội trên, các doanh nghiệp Việt cũng đứng trước áp lực nâng cao sức cạnh tranh vĩ mô của cả môi trường thể chế và nền kinh tế, cũng như của doanh nghiệp và sản phẩm  gắn với lộ trình xóa bỏ thuế quan, tự do hóa kinh doanh và đối xử bình đẳng giữa các DNNN với tư nhân, trong nước với nước ngoài; Đặc biệt, áp lực còn gia tăng từ việc tuân thủ các nguyên tắc nội khối và thực hiện nghiêm túc các cam kết về sở hữu trí tuệ và bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi người lao động.

Cơ hội và áp lực cạnh tranh cũng đến từ gia tăng xu hướng tìm kiếm cơ hội việc làm mới ở thị trường các nước thành viên TPP, cũng như từ làn sóng FDI và M&A đang mở rộng vào Việt Nam, kể cả trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp,thương mại và bất động sản. Dòng FDI vào phát triển công nghiệp phụ trợ, trong đó có dệt may và da giầy sẽ góp phần giảm bớt áp lực về đáp ứng yêu cầu nội khối, trong khi gây áp lực chia sẻ cơ hội phát triển thị trường đầu tư và lợi nhuận cho các nhà đầu tư ngoại. 

Dòng FDI gia tăng còn làm tăng áp lực tranh chấp giữa doanhg nghiệp FDI với những điều chỉnh chỉnh gây rủi ro chính sách thực tế hoặc “rủi ro ảo” của chính phủ, kép theo những vụ kiện cáo thiếu thiện chí và cố tình gây bất lợi cho cơ quan nhà nước và môi trường đầu tư, vì mục tiêu ngoài kinh tế và vượt khỏi mục tiêu của doanh nghiệp. Hơn nữa, yêu cầu về bảo vệ môi trường từ phát triển công nghiệp phụ trợ cũng gia tăng, nhất là trong công đoạn dệt, nhuộm vải hoặc thuộc da của ngành dệt may và da giầy...

Các cam kết về hợp tác hải quan và thực thi để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu và gian lận, cũng như các biện pháp tự vệ đặc biệt để ứng phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước trong trường hợp nhập khẩu ồ ạt; đảm bảo một khuôn khổ cạnh tranh công bằng trong khu vực thông qua các qui định đòi hỏi các nước TPP phải duy trì các chế độ pháp lý ngăn cấm hành vi kinh doanh phi cạnh tranh, cũng như các hoạt động thương mại gian lận và lừa đảo làm tổn hại đến người tiêu dùng; việc mở rộng nội hàm sở hữu trí tuệ trong TPP bao gồm bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền, thiết kế công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí mật thương mại, các hình thức sở hữu trí tuệ khác, và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các lĩnh vực mà các nước TPP đồng ý hợp tác… cũng là thách thức song hành cùng cơ hội trong nâng cao năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ TPP.

Tóm lại, TPP mang lại nhiều cơ hội và cả áp lực mới trong đảm bảo khuôn khổ pháp lý kiểm soát và điều chỉnh các hành vi cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và không phân biệt đối xử chocác doanh nghiệp Việt Nam cả ở thị trường trong nước, cũng như trên thị trường các thành viên TPP khác.\

TPP giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hình thành và thấm nhuần văn hóa cạnh tranh, nâng cao nhận thức về cạnh tranh lành mạnh và có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;  tạo điều kiện nâng cao trình độ và năng lực của cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cơ chế về hợp tác, trao đổi thông tin, tham vấn về những vấn đề liên quan đến cạnh tranh giữa các nước thành viên trong quá trình thực thi cam kết canh tranh nghiêm túc và hiệu quả 

Đón nhận và khai thác TPP một cách chủ động và tích cực, các cơ quan, hiệp hội và từng doanh nghiệp, người lao động cần xác định tâm thế và triển khai những việc làm cần thiết phù hợp: Rà soát và hoàn thiện toàn bộ cơ sở pháp lý, thể chế, kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ chế và chất lượng cán bộ, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực theo những nội dung và yêu cầu cam kết đã ký;

Thúc đẩy các hoạt động tái cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô toàn diện và chuyên sâu, trên cơ sở các đề án tổng thể, ngành và bộ phận, đơn vị được xây dựng và điều chỉnh kịp thời bám sát thị trường và bối cảnh mới;

Tăng cường công tác thông tin, dự báo, phản biện, đánh giá và chuẩn bị các kịch bản quản lý rủi ro trong triển khai TPP và phát triển KT-XH cụ thể cho từng giai đoạn, đơn vị, tránh bị động trong mọi tình huống;

Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và coi trọng hơn vào việc xây dựng và đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật; Phát triển và kêt nối  các cơ sở hạ tầng kinh tế đối ngoại với các thànhh viên TPP và đối tác FTA khác trong khu vực và thế giới; Tăng cường năng  lực thương mại điện tử và khả năng tự vệ trong các tranh chấp thương mại quốc tế trong khuôn khổ TPP.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực và phát triển thị trường lao động trình độ cao, thị trường tài chính, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ tạo nền tảng cho quá trình nắm bắt, khai thác, thích ứng với các cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh TPP có hiệu lực thực tế...

Sự chuẩn bị càng kỹ thì chi phí càng thấp và cơ hội, cái được càng nhiều. 

TS Nguyễn Minh Phong 
Bình luận
vtcnews.vn