Phạt 2 công ty nhái thương hiệu bao cao su OK

Kinh tếThứ Tư, 11/11/2015 06:35:00 +07:00

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với hai doanh nghiệp làm nhái nhãn hiệu bao cao su OK.

(VTC News) - Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với hai doanh nghiệp liên quan đến việc sản xuất và buôn bán bao cao su mang nhãn hiệu xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu OK của tổ chức DKT International.

Theo quyết định số 108/QĐ-XPVPHC và quyết định số 109/QĐ-XPVPHC của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hai công ty là công ty là Công ty Liên Doanh Medevice 3s và công ty TNHH Thương Mại Trang Thiết bị y tế Việt Đức bị phạt số tiền lần lượt là 20 triệu đồng và 12 triệu đồng do vi phạm về quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Nhãn hiệu bao cao su OKACHOI nhái bao cao su OK
Cụ thể, Công ty Liên Doanh Medevice 3s đã sản xuất (gia công) sản phẩm bao cao su gắn dấu hiệu "OKchoice", "OKachoi", "OKACHOI" tượng tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu "OK và hình" đang được bảo hộ tại Việt Nam cho DKT International (Hoa Kỳ) theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 76638 (cấp ngày 03/11/2006) bảo hộ cho sản phẩm thuộc nhóm 10 (bao cao su), là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.


Tương tự, công ty TNHH Thương Mại Trang Thiết bị y tế Việt Đức bị xử phạt 12 triệu đồng do đã buôn bán sản phẩm bao cao su gắn dấu hiệu "OKchoice", "OKachoi", "OKACHOI" tượng tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu "OK và hình" đang được bảo hộ tại Việt Nam cho DKT International (Hoa Kỳ) theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 76638 (cấp ngày 03/11/2006) bảo hộ cho sản phẩm thuộc nhóm 10 (bao cao su), là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu công ty này phải loại bỏ yếu tố vi phạm "OKchoice", "OKachoi", "OKACHOI" gắn trên các sản phẩm bao cao su được tìm thấy tại buổi kiểm tra dưới sự chứng kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại Việt Nam, sau gần 20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Nhãn hiệu OK của DKT International đã trở thành một thương hiệu quen thuộc, được sử dụng rộng rãi, lâu dài cho sản phẩm bao cao su và được nhiều người biết đến.  Theo kết quả của một điều tra nghiên cứu thị trường gần nhất, 89% số người tiêu dùng được phỏng vấn tại Việt Nam trả lời có biết đến bao cao su mang Nhãn hiệu OK.

DKT International là một trong những tổ chức cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình lớn nhất thế giới. Với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận, mục tiêu của DKT là mang đến sự an toàn tình dục và hỗ trợ kế hoạch hoá gia đình.

Việc bán các sản phẩm của DKT không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do đó, người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý.

Một nhãn hiệu nhái khác
 
Thực tế, tại Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên các nhãn hiệu được bảo hộ bị xâm phạm quyền (hay còn gọi là bị làm nhái). Ví dụ như, ngoài thương hiệu gốc Aquafina được bảo hộ cho nước uống đóng chai, trên thị trường xuất hiện hàng loạt các tên nhãn hiệu tương tự sử dụng cho sản phẩm nước uống đóng chai như: Aquaroma, Aquaria, Aquafamily, Aqualeader...

Điều đáng nói, các thương hiệu xâm phạm quyền này thường có mức giá rẻ hơn hẳn các sản phẩm mang các nhãn hiệu được bảo hộ của chủ thể quyền. Ví dụ như, sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ Aquafina có giá 5.000 đồng/chai 500ml, 10.000 đồng/chai 1,5 lít trong khi sản phẩm mang nhãn hiệu xâm phạm quyền chỉ được bán với mức giá 4.000 đồng/chai 500ml, 7.000 đồng/chai 1,5 lít.

Nhiều sản phẩm nước uống, nước giải khát bán chạy khác như: Lavie, Cocacola, Sting, Redbull... cũng xuất hiện sản phẩm mang nhãn hiệu xâm phạm quyền với giá chỉ bằng 2/3 giá của sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ.

Trả lời trên báo chí, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM Ngô Bách Phong cho rằng, nạn làm giả, nhái thương hiệu hàng hóa hiện khá phổ biến, không chỉ gây thiệt hại cho nhà sản xuất mà còn cho cả người tiêu dùng. Nhà sản xuất khi bị làm nhái thương hiệu bị chia thị phần tiêu thụ, doanh số giảm sút, làm mất uy tín; người tiêu dùng mất tiền mua phải hàng kém chất lượng, thậm chí còn tổn hại đến sức khỏe vì hàng nhái hầu như không qua các khâu kiểm định về chất lượng.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xử lý 95.830 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng nhái, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm 2014; thu nộp ngân sách hơn 463,5 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2014; đã khởi tố 699 vụ với 820 đối tượng.

Trong năm 2013 và 2014, các cơ quan chức năng trên cả nước đã xử lý 32.474 vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, thu tiền phạt 139 tỷ đồng; tiêu hủy hàng triệu sản phẩm nhái nhãn hiệu.

Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

 a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Điều 199. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.


Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn