Tín dụng tìm đường tăng tốc

Kinh tếThứ Năm, 24/07/2014 12:23:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù đã có những biện pháp quyết liệt ngay từ đầu năm nay nhưng tăng trưởng tín dụng 6 tháng qua mới đạt 3,52%.

(VTC News) - Mặc dù đã có những biện pháp quyết liệt ngay từ đầu năm nay nhưng tăng trưởng tín dụng 6 tháng qua mới đạt 3,52%, chỉ bằng 1/3 mục tiêu trong năm 2014.

Thực tế này đặt ra bài toán khó đối với toàn ngành ngân hàng: làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% với tỷ lệ tăng trưởng nửa đầu năm thấp như vậy?

Ngân hàng đang “tự giải cứu”


Dù biết rằng tăng trưởng tín dụng thấp ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận nhưng các ngân hàng vẫn gặp không ít những trở ngại trên con đường tìm đầu ra cho dòng vốn. Trong bối cảnh kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, sức cầu còn rất yếu, “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa được cải thiện thì lối ra cho tín dụng vẫn sẽ hẹp.
 
Không thể mãi loay hoay trong cảnh thừa vốn, thiếu doanh nghiệp vay, các NHTM liên tục triển khai nhiều giải pháp để khơi thông lối ra cho dòng vốn. Hạ lãi suất cho vay kết hợp với những ưu đãi khi sử dụng những dịch vụ khác là một giải pháp.

Như trong tháng 7/2014, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) triển khai gói cho vay doanh nghiệp trị giá 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi VND chỉ 7%/năm. Đồng thời, ngân hàng này cũng đang triển khai chương trình ưu đãi cho vay dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất USD chỉ 2,8%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này cũng thực hiện cơ chế ưu đãi phí chuyển tiền, ngân hàng điện tử, bảo lãnh và nhiều dịch vụ khác. .

Một số NHTM cũng đang đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi như: Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) dành 1.000 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm đối với VND hoặc 3,2%/năm đối với USD dành cho các doanh nghiệp phụ trợ đặc thù; ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dành 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay từ 8,1%/năm cho doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh…

Trước câu hỏi, hiện nay có nhiều ngân hàng tung ra những gói tín dụng lãi suất thấp, nhưng việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng, ông Vũ Nhật Lâm, PTGĐ OceanBank nói: “Lãi suất là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Để vốn vay đến được doanh nghiệp, cần có sự nỗ lực của cả hai phía: ngân hàng và doanh nghiệp.

Về phía ngân hàng, đó là cải thiện thủ tục và quy trình cấp tín dụng, trong đó yếu tố quan trọng là rút ngắn thời gian duyệt vay và minh bạch chính sách. Ngoài ra, những dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm hợp đồng tín dụng cũng là yếu tố để khách hàng xem xét, bởi đó là những công cụ để doanh nghiệp quản trị tài chính tốt hơn.

Về phía doanh nghiệp, để có thể thuyết phục ngân hàng và hấp thụ vốn hiệu quả, cần tính toán kỹ về thời gian hoàn vốn, giá trị hiện tại thuần và tỷ suất sinh lời của đồng vốn”.

Riêng ngân hàng là chưa đủ


Tuy lãi suất liên tục giảm mạnh nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận được vốn. Đâu là rào cản tín dụng giữa doanh nghiệp với ngân hàng?

Lý do đầu tiên khiến doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng là do sức mua của nền kinh tế suy giảm nên các doanh nghiệp hết sức thận trọng. Ngân hàng cũng không thể cho vay tiền khi hàng tồn kho doanh nghiệp ngày càng tăng. Điều này cho thấy việc tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm mới là vấn đề quyết định để khơi thông tín dụng ngân hàng.

Thêm vào đó, vấn đề về quy định và thủ tục cho vay của ngân hàng cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, phía ngân hàng lý giải, trong bối cảnh nợ xấu chưa giảm như hiện nay thì việc các tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong cho vay là hợp lý.

Vì thế, tình trạng doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, không có nhiều khả năng xây dựng được đề án khả thi; hồ sơ, sổ sách không đầy đủ, không rõ ràng luôn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.

Theo nhiều chuyên gia, để gỡ bỏ những rào cản, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận dòng vốn giá rẻ thì không chỉ riêng phía ngân hàng mà cần có nỗ lực từ nhiều phía.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, các bộ, ban, ngành cần giúp doanh nghiệp tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường, miễn thuế, giãn thuế; kết hợp với ngân hàng triển khai những chương trình hỗ trợ lãi suất… Chính phủ cần nghiên cứu ban hành các chính sách kích cầu để phá được tảng băng hàng hóa, vật tư tồn đọng… Tổng hòa sự hỗ trợ đó thì nền kinh tế mới hấp thu được vốn từ ngân hàng.

Để có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thuận lợi hơn, bản thân các doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ với ngân hàng một cách nghiêm túc, minh bạch giống như cách họ thể hiện với những đối tác quan trong nhằm tạo tiền đề, niềm tin để ngân hàng cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền trong bối cảnh doanh nghiệp đang thiếu tài sản đảm bảo.

Doanh nghiệp nên cập nhật thường xuyên cho ngân hàng các kế hoạch kinh doanh và tình hình tài chính của mình để ngân hàng có thể hỗ trợ kịp thời nhất là trong những thời điểm khó khăn. Và bên cạnh những yếu tố cơ bản về tài sản thế chấp và năng lực tài chính, các yếu tố quan trọng khiến ngân hàng đi đến quyết định cho vay chính là năng lực quản trị của doanh nghiệp và giải pháp của doanh nghiệp để sử dụng vốn hợp lý.

Về phía ngân hàng, điều cần làm là cải tiến thủ tục và quy trình cho vay nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng cũng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho, mở rộng thị trường, tăng năng lực sản xuất…

Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng đã đầu tư thời gian, nguồn lực để tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp và đưa ra những hỗ trợ hợp lý cho khách hàng.

Ông Vũ Nhật Lâm – Phó Tổng GĐ OceanBank cho biết: “Chúng tôi không chỉ quan tâm tới cho vay và thu lãi về mà còn xây dựng cơ chế và giải pháp tài chính đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự thấu hiểu những khó khăn của khách hàng và cũng là trách nhiệm của ngân hàng đối với đồng vốn mà mình bỏ ra”.

P.D
Bình luận
vtcnews.vn