'Quỵt’ cổ tức: Ngân hàng chiếm ưu thế

Kinh tếThứ Tư, 23/04/2014 04:28:00 +07:00

(VTC News) – Trong danh sách những ông lớn “quỵt” cổ tức của công đông, ngành ngân hàng chiếm ưu thế.

(VTC News) – Trong danh sách những ông lớn “quỵt” cổ tức của công đông, ngành ngân hàng chiếm ưu thế.

Cổ tức “hẻo”

Bỏ số vốn không nhỏ để đầu tư vào doanh nghiệp, điều nhà đầu tư mong muốn chính là có thể kiếm lời khi cổ phiếu tăng giá và cổ tức. Với doanh nghiệp chưa niêm yết, chờ đợi giá cổ phiếu tăng trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều sáng sủa là bất khả thi. Vì vậy, không kể những cá nhân mua cổ phần để ngồi vào vị trí nào đó thì với nhà đầu tư, cổ tức là hy vọng cuối cùng.

Thế nhưng, những năm gần đây, điệp khúc quen thuộc khiến nhà đầu tư vô cùng thất vọng chính là doanh nghiệp không chịu chi trả cổ tức dù có lãi hay không. Và trong số những doanh nghiệp chưa chịu chia sẻ lợi nhuận cho cổ đông, ngành ngân hàng chiếm ưu thế.

Giữa tháng 4 này, hàng loạt ngân hàng tổ chức Đại hội cổ đông. Một trong những thông tin gây “bão” chính là ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức. Ngày 16/4, tại Đại hội cổ đông, Southern Bank lại xin cổ đông thông qua việc không chia cổ tức năm 2013.

VPBank
VPBank là ngân hàng mới nhất không chi trả cổ tức bằng tiền mặt
Đây không phải lần đầu tiên Southern Bank “quỵt” cổ tức. Tại đại hội cổ đông năm 2013, Southern Bank trình cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức năm 2012 ở mức 2,1%. Tỷ lệ này đã giảm mạnh so với kế hoạch đưa ra ban đầu là 10%. Thế nhưng, trong năm qua, Southern Bank chưa chi trả cổ tức cho cổ đông.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng khiến nhà đầu tư mất vui khi đề xuất không chia cổ tức 2013.

Năm 2011, VIB cũng gặp sự cố cổ tức khi chậm trễ thanh toán. Theo kế hoạch, cổ đông sẽ nhận được cổ tức năm 2010 là 17%. Tuy nhiên, tới tháng 8/2011, quá sốt ruột, cổ đông lên tiếng yêu cầu lãnh đạo VIB trả lời rõ ràng khi nào trả nốt 12% còn lại.

Sáng 17/4, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2014. TPBank cũng sớm ghi tên mình vào danh sách doanh nghiệp không chia cổ tức. Đông thái này của TPBank không khiến cổ đông hài lòng cho lắm.

Danh sách ngân hàng không trả lợi tức cho cổ đông còn kéo dài. Chiều 21/4, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014. Giống TPBank hay VIB, VPBank cũng xin không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Vì sao nên nỗi

Lý giải cho việc không trả cổ tức, hầu hết các ngân hàng đều than lợi nhuận không tốt. Hội đồng quản trị Southern Bank cho rằng kết quả kinh doanh năm 2013 của ngân hàng quá thấp. Lợi nhuận trước thuế chỉ có 18 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng rủi ro cao 372 tỷ đồng. Chính vì vậy, Hội đồng quản trị muốn giữ lại nguồn lợi nhuận này để hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Mặc dù cổ đông phản ứng khá gay gắt với đề xuất này nhưng tình hình cũng không có nhiều thay đổi. Cổ đông tạm an ủi bằng việc Southern Bank dự kiến chia cổ tức 2014 là 5%. Tuy nhiên, không ai dám tin kế hoạch này liệu có thành sự thực không khi mà trước đó, Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 8% cho năm 2013. Kết quả là cổ đông không nhận được bất cứ đồng lợi tức nào.

VIB cũng dùng lợi nhuận thấp để giải thích. Lãnh đạo VIB cho biết năm 2013, cổ đông VIB không nhận được cổ tức vì lợi nhuận trước thuế 2013 của ngân hàng này chỉ đạt 81 tỷ đồng, giảm 88% so với năm 2012 và không đạt kế hoạch.

Trả lời cho câu hỏi bao giờ cổ đông TPBank được chi trả cổ tức, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank cho biết TPBank dự tính giữa năm 2016 sẽ bù đắp hết những tổn thất trước tái cơ cấu, đi lên khỏi mặt đất và chi trả cổ tức.

Ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank, chiều qua 21/4 đã lên tiếng kêu gọi cổ đông cùng đồng thuận phương án giữ lại lợi nhuận để tăng vốn ngân hàng này.

Theo đó, phương án xin tăng vốn, tổng số vốn dự kiến tăng thêm là 977,27 tỷ đồng, tương đương 97,727 triệu cổ phần.

Hình thức tăng vốn là chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (chia cổ phiếu thưởng).

Tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn là 14,697% và chia cổ phiếu thưởng 0,699% trên vốn điều lệ 6.347 tỷ đồng. Tổng tỷ lệ cổ phần tăng thêm là 15,396%.

Ông Dũng giải thích rõ hơn: “Có thể nhìn lại 5 năm vừa qua, tổng tài sản, dư nợ đều tăng trưởng trung bình 30 – 35%. Nguồn để tăng vốn không có nguồn nào khác ngoài lợi nhuận để lại”.

Ông Dũng cho biết thêm nếu thời gian tới có cổ đông chiến lược tham gia, ngân hàng bán được vốn thì sẽ chia lợi nhuận.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn