Nước giải khát hóa chất tràn ngập Sài Thành

Kinh tếThứ Tư, 09/04/2014 03:06:00 +07:00

Nhân cơ hội Sài Gòn thời tiết oi bức, đủ loại hóa chất, hương liệu ở chợ Kim Biên xâm nhập vào các hàng nước vỉa hè để giải nhiệt cho người đi đường.

Nhân cơ hội Sài Gòn thời tiết oi bức, đủ loại hóa chất, hương liệu ở chợ Kim Biên xâm nhập vào các hàng nước vỉa hè để giải nhiệt cho người đi đường.

Pha chế mới có lời

Trời trở nóng là lúc xe đẩy bán nước sâm giải nhiệt, nước rong biển, dừa tươi... mọc lên ngày một nhiều trên vỉa hè các tuyến phố Sài Gòn. Nhu cầu sử dụng cũng nhiều nên nhiều điểm bán trở nên hút khách. Một số nơi, khách phải xếp hàng chờ. Tại các xe nước vỉa hè trên đường An Dương Vương (quận 5), Kinh Dương Vương (quận 6, quận Bình Tân), quốc lộ 1A (hướng đi miền Tây)... , dừa tươi có giá 10.000-12.000 đồng/trái; sâm lạnh, rong biển 5.000-6.000 đồng/ly.

Khi được hỏi tình hình buôn bán, chị Hoa - chủ xe đẩy bán nước dạo trên đường Hồng Bàng (quận 5) - cho hay, ngày nào càng nắng thì bán càng đắt hàng, trung bình mỗi ngày cũng lời khoảng vài trăm ngàn đồng. Hồi mới ra bán chị phải hì hục dậy từ 4 giờ sáng nấu sâm để bán cả ngày. Sau đó, nhiều người mách cho chị cách pha chế nên lượng nấu không còn nhiều như trước, thay vào đó là hương liệu pha thêm.

nước pha chế
Nấu sâm mệt nhọc ít lời nên nhiều hàng nước chọn cách pha chế hương liệu 
Chị Hoa tiết lộ, chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng là có thể pha được cả chục thùng nước sâm. Một vốn không chỉ bốn lời mà lãi gấp cả chục lần. Nào là sâm bổ lượng, sâm bí đao, bông cúc, chanh dây, tắc, cốt dâu tằm, cốt nho... Tất nhiên, pha được thùng nước sâm để bán không phải là chuyện đơn giản, phải qua nhiều khâu, từ chọn nguyên liệu, cách nấu các chất làm mát, tỷ lệ với đường... Để dễ dàng hơn nữa, không ít người bán nước sâm lại chọn hoá chất để pha thành nước sâm đủ loại.

Khi hỏi pha hương liệu vậy có đảm bảo an toàn hay không, chị Hoa trả lời: “Đâu phải toàn bộ là hương liệu pha với nước đâu? Mình cũng nấu nước sâm và pha với tỷ lệ 50/50 thì chắc cũng không độc hại gì. Còn nấu toàn bộ từ nước sâm thì lời ít lắm mà tốn công nữa”.

Không chỉ các vỉa hè mà xung quanh các trường học cũng là điểm tập kết của các xe bán nước di động này. Ngoài những nước được đun nấu như nước sâm, bông cúc, rong biển ở đây còn có thêm nhiều loại nước đóng chai màu sắc sặc sỡ khác để thu hút học sinh.

Với lượng khách khổng lồ, các hàng nước trước cổng trường học bày bán đủ loại sinh tố, nước đóng chai sặc sỡ ghi chữ Thái Lan. Ngoài ra, thấy trà sữa bán có lời, nên người bán các bột hương liệu và cả đường hóa học về nấu kèm để có vị ngọt sắc. Hầu hết các loại nước này đều bị phù phép bằng hóa chất ở chợ Kim Biên.

Có nhiều người cảnh giác với nước uống đun nấu vỉa hè tìm đến các loại nước thuần tự nhiên như dừa tươi vẫn không thoát khỏi hóa chất Kim Biên. Đối với dừa tươi ướp lạnh, vỏ trắng phau đa phần được ngâm tẩm chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc. Hóa chất này dễ dàng thấm qua lớp vỏ dừa (nếu ngâm lâu), ngấm trực tiếp qua vị trí tiếp xúc khi dùng dao chặt lấy nước dừa nếu uống.

Mát ruột, hại thân

Mặc dù là thức uống, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng các loại nước giải khát lề đường gần như không được kiểm tra chất lượng. Người bán tự do bán, người mua vô tư uống, cơ quan y tế cũng khó lòng kiểm soát hết.

nước pha chế
Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo nước giải khát màu sắc càng lòe loẹt có thể càng độc.  
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đa phần thức uống lề đường không được kiểm soát về chất lượng, người bán sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, hóa chất cấm hoặc không dùng trong thực phẩm.Thường các chất tạo màu, tạo mùi dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng, khi dùng trong thức ăn, thức uống sẽ tích tụ trong cơ thể, lâu ngày gây ngộ độc mãn tính và có thể dẫn đến ung thư.

Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn - Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết: “Với các loại nước pha chế từ loại đường hóa học là không có dinh dưỡng, không tạo calo, năng lượng... Nếu trẻ em uống những sản phẩm này chắc chắn không bổ béo gì mà còn có nguy cơ gây bệnh”.

Ông khuyến cáo: “Hiện rất nhiều loại nước uống có nhiều màu sắc quá đậm và có trường hợp dùng nhầm phẩm màu công nghiệp. Chính vì thế cách tốt nhất là không nên lựa chọn những sản phẩm nước uống có màu sắc quá lòe loẹt, bởi vì kể cả những phẩm màu cho phép cũng không bổ ích gì cho sức khỏe”.

Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn