Lộ diện 10 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán 2013

Kinh tếThứ Tư, 01/01/2014 07:28:00 +07:00

(VTC News) – Danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2013 ở top đầu không có bất cứ bất ngờ nào.

(VTC News) – Danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2013 ở top đầu không có bất cứ bất ngờ nào.


Phiên giao dịch ngày 31/12/2013 kết thúc đã chỉ ra ai là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Những cái tên đình đám như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Trần Đình Long,… vẫn duy trì được vị trí vững chắc của mình. Như vậy, trong nửa đầu của Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam không có bất cứ bất ngờ nào xảy ra.
Ông Phạm Nhật VƯợng giữ vững ngôi vị đầu danh sách Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán 2013 

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup vẫn vững vàng đưng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi cổ phiếu VIC của ông tăng mạnh trong năm 2013. Cụ thể, VIC tăng 9.600 đồng/CP, tương ứng 15,9% so với thời điểm cuối năm 2012.

Như vậy, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Vượng tăng 2.732,28 tỷ đồng lên 19.923,58 tỷ đồng so với năm 2012. Giá trị cổ phiếu mà ông Vượng nắm giữ không đạt được cột mốc tỷ USD nhưng nếu tính chung cả gia đình, tài sản của họ Phạm trên sàn chứng khoán đã đạt cột mốc quan trọng này.

Bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup và cũng là vợ ông Vượng đứng thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Năm qua, tài sản của bà Hương tăng thêm 338,65 tỷ đồng lên 3.435,59 tỷ đồng. Bà Hương là người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup, em gái bà Hương giàu thứ 5 trên sàn chứng khoán. Trong năm qua, giá trị cổ phiếu VIC mà bà nắm giữ tăng 266,16 tỷ đồng lên 2.294,42 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Phạm gia trên sàn chứng khoán Việt Nam là 25.653,59 tỷ đồng, đã vượt mốc 1 tỷ USD.

Vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vẫn thuộc về ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. 2013 là năm đầy biến động của Hoàng Anh Gia Lai khi Tập đoàn này gặp nhiều vận rủi nhưng lại dễ dàng hóa giải được những vận rủi đó.

Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng có nhiều thăng trầm nhưng nếu chỉ tính chênh lệch giá trị cổ phiếu từ ngày cuối cùng của năm 2012 với ngày cuối cùng của năm 2013, HAG không có biến động lớn. Sau 1 năm giao dịch, HAG tăng 1.600 đồng/CP, tương ứng 8,47%.

Điều đó đồng nghĩa với việc tài sản của bầu Đức không có sự tăng vọt. Cụ thể, tổng giá trị HAG mà bầu Đức nắm giữ tăng 498,57 tỷ đồng lên 6.387,9 tỷ đồng. Tài sản của bầu Đức chỉ bằng 1/3 tài sản của ông Vượng nên trong năm 2014, bầu Đức rất khó vượt qua ông Vượng để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong khi ông Vượng và bầu Đức vững vàng ở 2 vị trí đầu tiên thì ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát lại khá thăng trầm ở vị trí thứ 3 của mình. Trong năm qua, ông Long và bà Hương liên tục “tranh chấp” vị trí này và cuối cùng ông Long là người thắng cuộc khi HPG có tốc độ tăng đáng nể hơn VIC.

Sau 1 năm giao dịch, HPG tăng 20.800 đồng/CP, tương ứng 102,46%. Trong khi đó, VIC chỉ tăng 15,9%. Đà tăng mạnh của HPG giúp ông Long có thêm 2.102,03 tỷ đồng vào tài khoản. Tổng tài sản của ông vọt lên 4.153,53 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2013, thị trường hứng khởi, sàn Thành phố Hồ Chí Minh không có blue-chips nào giảm điểm. Vì vậy, MSN đứng giá ở mức 82.500 đồng/CP có nghĩa MSN phải chịu thiệt thòi lớn so với các blue-chips khác.

Không chỉ chịu thiệt thòi trong phiên cuối năm 2013, tính chung cả năm, MSN còn giảm thê thảm hơn rất nhiều. Sau 1 năm, MSN giảm 19.500 đồng/CP, tương ứng 19,12% xuống 82.500 đồng/CP. Điều đó có nghĩa hai sếp lớn của Ma san chịu thiệt hại lớn.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Ma San ngậm ngùi đứng ở vị trí thứ 6 khi tài khoản “bay” mất 424,7 tỷ  đồng. Tại thời điểm cuối năm 2013, bà Yến chỉ còn 1.796,81 tỷ đồng.

MSN cũng ảnh hưởng nặng tới túi tiền và vị thế của ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ma San. Sau nhiều lần thụt lùi, hiện ông Hồ Hồng Anh đứng ở vị trí cuối cùng trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong năm qua, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hùng Anh giảm 307,48 tỷ đồng xuống “chỉ” còn 1.300,88 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hùng Anh vẫn rất có tiềm lực vì ngoài Ma san, ông còn giữ nhiều vị trí quan trọng khác tại Techcombank. Nếu cổ phiếu của ngân hàng này niêm yết, nhiều khả năng ông Hùng Anh sẽ có nhiều bước tiến mới.

Năm qua, ông Lê Phước Vũ khá ồn ào với sự kiện Nick Vujicic tới Việt Nam. Sự kiện này khiến Tôn Hoa Sen trở thành tâm điểm của báo giới và cổ phiếu HSG cũng tăng vùn vụt. Sau 1 năm giao dịch, HSG tăng 23.300 đồng/CP, tương ứng 129,44%. Điều đó cũng có nghĩa tài sản  trên thị trường chứng khoán của ông Vũ tăng 129,44%.

Cụ thể, giá trị cổ phiếu HSG mà ông Vũ nắm giữ tăng 998,8 tỷ đồng lên 1.770,41 tỷ đồng. Ông Vũ đang đứng ở vị trí thứ 7. Đứng ở vị trí thứ 8 ngay sau ông Vũ là ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Dương.

Cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương có đà tăng khá khiêm tốn khi chỉ tăng thêm 1.000 đồng/CP lên 10.500 đồng/CP. Giá trị cổ phiếu OGC của ông Thắm tăng 136,43 tỷ đồng lên 1.432,51 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt là trường hợp đặc biệt. Dù cổ phiếu PDR giảm nhưng ông vẫn có bước tiến dài lên vị trí thứ 9 trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Năm qua, PDR giảm 300 đồng/CP. Như vậy, giá trị cổ phiếu PDR mà ông Đạt nắm giữ giảm 23,04 tỷ đồng xuống 1.320,96 tỷ đồng. Ông Đạt đứng ngay trên ông Hồ Hùng Anh.

Những đại gia đứng ngay sau Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là bà Vũ Thị Hiền (1.272 tỷ đồng), ông Đặng Thành Tâm (1.239 tỷ đồng), ông Dương Ngọc Minh (1.062 tỷ đồng). 

Ông Đặng Thành Tâm là người cuối cùng trong Top những người sở hữu tài sản ngàn tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam.


Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn