Bồi dưỡng ‘cậu Thủy’ tiền tỷ, ngân hàng chính sách thanh minh gì?

Kinh tếThứ Ba, 29/10/2013 11:40:00 +07:00

Số tiền trên đều do hơn 10.000 cán bộ công nhân viên Ngân hàng chính sách xã hội tự nguyện phát tâm đóng góp 4 ngày lương.

Số tiền trên đều do hơn 10.000 cán bộ công nhân viên Ngân hàng chính sách xã hội tự nguyện phát tâm đóng góp 4 ngày lương, không lấy từ tiền ngân sách, chi phí hoạt động chuyên môn.

Sau khi xảy ra sự việc trên, ngay trong ngân hàng nhiều người cũng đặt câu hỏi, mình đóng góp như thế đúng không?

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) - người được lãnh đạo ngân hàng này giao quyền phát ngôn mọi thông tin liên quan đến sự việc trên – thừa nhận khi trao đổi với báo Người đưa tin.

“Khó giải thích”?

Như đã thông tin, ngày 28/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Quảng Trị đã bắt tạm giam “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy – tức “cậu Thủy” do liên quan đến nghi ngờ làm giả một liệt sĩ để trục lợi. “Cậu” chính là người đã được VBSP “bồi dưỡng” 75 triệu đồng/bộ hài cốt liệt sĩ, tổng cộng 7,9 tỷ đồng.

cậu Thủy
 
Trước cáo buộc sử dụng ngân sách để chi cho việc làm này, ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó chủ tịch Công đoàn – Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: VBSP có thành lập quỹ, ban đầu là quỹ tìm mộ Liệt sĩ, sau đó hồi tháng 1/2013 lại nhập vào quỹ An sinh xã hội. Quỹ này sử dụng làm từ thiện như xóa đói giảm nghèo, xây trường học…

“Quỹ này do toàn bộ hệ thống ngân hàng đóng góp mỗi năm 4 ngày lương/người” - ông Phương cho biết - “Hoàn toàn không sử dụng ngân sách, không lấy từ chi phí hoạt động chuyên môn”.

Tuy nhiên, VTV cáo buộc: Sau 4 cuộc liên kết với ngân hàng này trong chưa đầy 8 tháng, cậu Thủy đã thu tiền công 7,9 tỷ đồng, chưa kể hàng chục vụ lẻ có Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cùng đi.

Quỹ An sinh còn chi nhiều khoản và nhiều vụ khác nữa, lấy đâu ra 8 tỷ đồng giải ngân cho “cậu Thủy”, chưa kể chi phí hoa hồng cho hàng trăm người mặc áo xanh có mặt và tham gia tìm hài cốt. Vậy tiền đó ở đâu ra?

Theo nguồn tin của cơ quan này, chính Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương mới là nơi xuất tiền. Và các phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh giữ chức trong Hội đồng quản trị địa phương của ngân hàng.

Khi được hỏi “cơ duyên” nào đã đưa VBSP gặp được “cậu Thủy”? thì ông Phương cho biết, một số người là cán bộ công nhân viên trong ngân hàng này đã từng nhờ “nhà ngoại cảm” này tìm mộ người thân, thấy thành công và giới thiệu lại cho VBSP.

“Ngoài chuyện ngoại cảm, mình cũng nghĩ là nhờ người có kinh nghiệm đi tìm để bớt được ngày công đào bới, chi phí tìm kiếm”, ông Phương nói.

Theo ông, việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ không chỉ trông duy nhất vào nguồn thông tin của nhà ngoại cảm mà phía ngân hàng quyết định việc chọn địa điểm, đề xuất nơi tìm kiếm, cậu Thủy sẽ “soi” và đưa ra danh sách liệt sĩ đã hy sinh. Qua danh sách này, VBSP sẽ liên hệ với gia đình để đối chiếu thông tin trước khi tìm kiếm… Nếu gia đình đồng ý, ngân hàng sẽ hỗ trợ 100% chi phí tìm kiếm, cất bốc, đi lại.

Đã kiểm tra kỹ càng, vậy tại sao có những trường hợp, như tại điểm tìm kiếm ở Ea H’leo (Đắk Lắk) lại tìm được liệt sĩ theo giấy báo tử - đã hy sinh ở Quảng Trị, có người hy sinh ở Đông Nam Bộ; Hay có người hy sinh ở Quân khu 9 (Tây Nam Bộ) lại tìm thấy ở Cam Lộ (Quảng Trị)…?

Ông Phương không giải thích cụ thể khúc mắc này mà cho rằng: Chúng ta là những người đi sau, không có mặt tại thời điểm đó nên không thể giải thích được.

Ông ví dụ, có trường hợp đơn vị đóng quân ở Bà Rịa Vũng Tàu, khi xảy ra đánh nhau, một đơn vị pháo binh được điều lên Tây Ninh, người liệt sĩ này thuộc đơn vị thông tin, do thiếu người cũng đã được điều lên theo và hy sinh tại đây.

Nếu không điều tra kỹ, không tìm được nhân chứng thì sẽ rất khó giải thích.

Theo ông, có những trường hợp từ lúc đặt vấn đề tới lúc cất bốc chỉ có 16 ngày, làm sao có thể làm giả.

Lãnh đạo địa phương đều đã biết sự thật?

Ông Phương cũng khẳng định, việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ hoàn toàn công khai, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các địa phương trong việc tham gia, giám sát.

Trong quá trình cất bốc, Sở LĐ-TB-XH đều phối hợp để ghi nhật ký quy tập, ký biên bản bàn giao hài cốt, làm lễ truy điệu... Với những ý kiến trái chiều của địa phương, ông Phương nói:

Trong buổi quy tập không có ý kiến nào, không ai phản đối, ngăn cản. Sau này, Sở có phát biểu như thế nào là ý kiến chủ quan của một cá nhân anh Mãn (Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Phước), tôi không có ý kiến gì bình luận.

Sở LĐ-TB-XH Bình Phước đã có cơ sở để nghi ngờ một số hài cốt liệt sĩ bị làm giả khi khai quật ở Bình Long. Các mẫu xương từ Bình Phước gửi ra không phải xương người và những dòng chữ khắc trên các Bi đông di vật mới được làm chưa lâu. Sự việc đã được Sở LĐ-TB-XH Bình Phước báo cáo lên lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tuy nhiên, do sức ép của công tác đền ơn đáp nghĩa, lãnh đạo tỉnh vẫn phải ký vào quyết định quy tập, tổ chức tiếp nhận, truy điệu…

Tuy nhiên, theo ông Phương, lúc đó không phát hiện có dấu vết làm giả. Việc quy tập cũng đã được quay - truyền hình trực tiếp, chiếu trên màn hình lớn cho hàng ngàn dân xem.

Trong vụ quy tập mới diễn ra vào ngày 25/7 tại Quảng Trị, mặc dù VTV đã cảnh báo, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vẫn cho tiến hành quy tập. Trong công văn tỉnh gửi xuống các sở, và Bộ chỉ huy quân sự thậm chí còn ghi rõ sẽ quy tập được 3 Liệt sĩ có tên cụ thể kèm di vật là gì.

Dân quân Quảng Trị đào đối chứng, dù cố gắng nhưng cũng chỉ được 20 cm trong khi hố hài cốt gần đó có thể đào tay sâu 1m.

Biết trước sự bất thường, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị tự khảo sát và không cho người ngoài được khai quật, mà chỉ được đứng xem.

Trước sự cương quyết của Bộ chỉ huy quân sự Quảng Trị, nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy (tức cậu Thúy) vẫn khẳng định: “Hỗ trợ thì bên Tỉnh đội hỗ trợ thoải mái, nhưng khi bốc thì dù có quy tập đi chăng nữa “cậu” cũng không cho bốc. Vẫn là quân của mình trực tiếp “mang cái tâm” xuống bốc”.

“Cậu Thủy” còn khẳng định, bộ hài cốt được xác định là của Liệt sĩ Nguyễn Như Hổ (sinh năm 1949, nhập ngũ tháng 12/1967), ở độ sâu khoảng 95cm – 1m.

Và một loạt những dấu vết khiến người ta nghi ngờ: đất đã được đào bới nên tơi xốp, đào bằng tay được gần 1m; Rễ cây bị chặt chưa lâu. Trong khi dân quân đào đối chứng gần 3 miệng hố trên, cũng bằng tay nhưng chỉ được tối đa 20cm.

Có mặt tại hiện trường, Đại tá Trần Minh Thanh, chính ủy Bộ chỉ huy quân sự Quảng Trị cho biết: “Nếu chúng tôi không làm hết trách nhiệm của mình, thì chúng tôi có tội với vong linh người đã khuất. Sau sự việc trên, chúng tôi có thể kết luận rằng, những nơi có hài cốt, di vật trên đó là những nơi đã được chuẩn bị và đào sẵn để đưa xuống”.

Ngân hàng Chính sách xã hội xin làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, và xin Bộ Chỉ huy du di công nhận hài cốt Liệt sĩ.

Trong buổi làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Trị, đoàn ngân hàng đã liên tục được chỉ đạo từ xa. Thậm chí, tổng giám đốc VBSP Dương Quyết Thắng liên tục nhắn tin đốc thúc.

Viện Pháp y quân đội đã lấy mẫu hài cốt từ Lâm Xuân gửi lên Viện Công nghệ sinh học, Công an Quảng Trị cũng lấy các Bi đông trong 9 tiểu sành chuyển tới viện Phòng Khoa học hình sự Bộ Công an.


Theo Nguoiduatin

Bình luận
vtcnews.vn