Những nhiệm kỳ siêu ngắn của Tổng giám đốc Việt

Kinh tếThứ Sáu, 20/09/2013 07:27:00 +07:00

Ngồi "ghế nóng” của những DN lớn, nhưng CEO của Tôn Hoa Sen, Air Mekong, Mai Linh hay VIB... đã vội vã từ nhiệm với thời gian cầm quân chỉ tính bằng tháng, ngày

Ngồi "ghế nóng” của những doanh nghiệp lớn, nhưng CEO của Tôn Hoa Sen, Air Mekong, Mai Linh hay VIB... đã vội vã từ nhiệm với thời gian cầm quân chỉ tính bằng tháng, thậm chí theo ngày.


CEO Mai Linh và nhiệm kỳ ngắn nhất lịch sử các công ty niêm yết
Nhậm chức từ ngày 5/9, với mức lương 80 triệu đồng cùng phần thưởng 200.000 cổ phần, nhưng chỉ 1 tuần ngồi ghế nóng, bà Bùi Bích Lân đã từ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh MLG). 
Đơn từ chức được thông qua trong một cuộc họp cổ đông bất thường, và chiếc ghế nóng của tập đoàn được giao lại cho ông Hồ Huy, Chủ tịch MLG kể từ 17h ngày 13/9.
Đây có thể được coi là một trong những nhiệm kỳ CEO ngắn nhất với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn của Việt Nam. 
Việc từ chức của nữ CEO này diễn ra trong giai đoạn Mai Linh đang thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, sau một thời gian dài thua lỗ và bị đối thủ chính là Vinasun vượt mặt. Như vậy, sau 20 năm liên tiếp nắm giữ cả 2 vị trí chủ chốt tại ban giám đốc và HĐQT, ông Hồ Huy lại một lần nữa trở thành CEO của tập đoàn sau khi bà Lân ra đi.
CEO Tôn Hoa Sen và 18 ngày tại vị tai tiếng
Từng là một trong những “công thần” có hơn 10 năm gắn bó với công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), ngày 1/4, ông Phạm Văn Trung chính thức được bổ nhiệm là tân Tổng giám đốc công ty. 
 

Cùng với quyết định này, hàng loạt lời có cánh của ban quản trị doanh nghiệp về CEO mới cũng đã được gửi tới cổ đông, ca ngợi vị CEO trẻ là người trung thực, được đào tạo bài bản, tạo sự đồng thuận cao, uy tín, tài năng, sức trẻ..., là thế hệ lãnh đạo kế cận mà HSG cần trong suốt nhiều năm nỗ lực tìm kiếm cho “chiếc ghế nóng”.
Thế nhưng, chỉ 18 ngày sau khi chính thức giữ cương vị CEO, ông Trung đã có đơn từ chức, với lý do cá nhân. Hội đồng quản trị HSG cũng nhanh chóng phê duyệt quyết định từ chức này ngay trong ngày, và không đưa ra bình luận gì thêm.
Mọi việc tưởng dừng lại êm đẹp ở đó, thì đến ĐHCĐ năm 2012 của HSG diễn ra vào ngày 22/3, Chủ tịch Lê Phước Vũ bất ngờ hé lộ nguyên nhân dẫn tới sự ra đi bất ngờ của cựu CEO này. 
Theo đó, ông Trung được cho là đã thiếu minh bạch trong việc quản lý khi còn là phó tổng giám đốc phụ trách mua hàng của doanh nghiệp, dẫn tới thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho HSG. 
Ngoài ra, ngay sau khi thay đổi CEO, phía Tôn Hoa Sen cho hay, cước phí vận chuyển hàng xuất nhập khẩu đã giảm khoảng 20%.
Phản pháo lại lời của Chủ tịch Lê Phước Vũ, ông Trung cho rằng, HSG đang bôi nhọ danh dự của mình, khi cáo buộc ông khai man bằng cấp, không tuân thủ quy định sau khi nghỉ việc ở công ty, đồng thời "quỵt" trợ cấp thôi việc. Ngày 17/4/2012, cựu CEO Tôn Hoa Sen thông báo đã khởi kiện công ty cũ ra tòa, trong khi HSG cũng cho biết đã thuê luật sư, củng cố hồ sơ để kiện ngược lại người cũ.
CEO Air Mekong và sự chia tay đầy tiếc nuối
Nhận chức vào ngày 4/7/2012, trong cương vị là Tổng giám đốc đầu tiên của Air Mekong, ông Lương Hoài Nam lại bất ngờ nói lời chia tay khi tại vị đúng 4 tháng. Trên trang cá nhân của mình, ông chia sẻ "lý do cá nhân" xin từ chức là muốn được sum họp cùng với gia đình. 
 

"Nhà mình sống ở TP HCM, làm việc lại ở Hà Nội, cả tuần vợ một mình một nơi, chồng một mình một nơi, những cái được không bù đắp được những cái mất, nên mình xin nghỉ. Không có bất kỳ lý do nào khác ngoài lý do này", ông viết.
Là nhân vật được biết tới nhiều nhất trong lĩnh vực hàng không, CEO 6X này từng kinh qua chức vụ lãnh đạo tại 3 hãng hàng không của Việt Nam, với gần 18 năm hoạt động. Ông từng giữ chức Trưởng ban Kế hoạch - Thị trường tại hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) trong vòng 11 năm, CEO Jetsar Pacific trong 6 năm, sau đó làm phó tổng giám đốc một công ty kinh doanh, đầu tư bất động sản trước khi chuyển về Air Mekong với vị trí CEO trong 4 tháng.
2 sếp nữ VIB và những nhiệm kỳ ngắn ngủi
Là một trong những ngân hàng thường xuyên thay tướng, mới đây, ngân hàng Quốc tế VIB lại đưa ra thông báo về việc thay cùng lúc hai chức danh quan trọng, là tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT. Trong đó có sự ra đi của nữ tướng ANZ một thời Đàm Bích Thủy.
 

Từng làm việc cho ngân hàng nước ngoài danh tiếng là ANZ trong 20 năm, đến với VIB vào tháng 4/2013, bà Thủy từng được kỳ vọng sẽ đưa VIB trở thành ngân hàng nội địa mang đẳng cấp quốc tế. Thế nhưng, chỉ chưa đầy nửa năm, nữ CEO này đã vội vã nói lời từ biệt, giao lại chiếc ghế cho một người cũ là ông Hàn Ngọc Vũ, cựu CEO của VIB trong giai đoạn từ 2006 đến 2008.
Đáng nói, tại VIB, bà Thủy là người thay thế cho một nữ CEO khác là bà Dương Thị Mai Hoa. Bà Hoa giữ chức vụ CEO tại VIB được hơn 1 năm (từ tháng 9/2011 đến tháng 2/2013), nhưng hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong giai đoạn này kém khởi sắc. 
Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của VIB đạt 542 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2010. 
Dư nợ cho vay khách hàng cuối năm 2012 giảm 22% so với cuối năm 2011, nợ xấu chiếm 2,75% tổng dư nợ. Huy động vốn từ khách hàng cũng giảm 11,7% trong năm 2012. Giống như nhiều lãnh đạo ngân hàng khác, sau khi từ nhiệm khỏi VIB, bà Hoa về giữ chức CEO tại ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank).

Sếp chứng khoán Âu Việt và sự ra đi đã được báo trước
Lên nắm quyền điều hành doanh nghiệp ngay sau khi đại hội cổ đông đã thông qua phương án giải thể, CEO mới nhậm chức vào tháng 4 của công ty chứng khoán Âu Việt (AVS) có lẽ đã biết trước sự ra đi của mình. 
Trước khi nhận nhiệm vụ trên chiếc ghế nóng của công ty chứng khoán Âu Việt, ông Bùi Văn Trưởng đã có 7 năm kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp này, từ kế toán trưởng, giám đốc khối tài chính, phó tổng giám đốc.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Trưởng có thể sẽ kéo dài đến một năm, do những thủ tục và nghĩa vụ giải thể của AVS phải kéo dài đến năm 2014. 
Trước đó, ông Đoàn Đức Vịnh, chủ tịch AVS, đồng thời là người đã nắm quyền CEO đã đưa ra nội dung giải thể doanh nghiệp sau thời gian dài kinh doanh thua lỗ, bị đưa vào diện kiểm soát, buộc phải thu hẹp nghiệp vụ.



Theo Tri thức
Bình luận
vtcnews.vn