Cuộc chơi tốn kém của Tân Hoàng Minh

Kinh tếChủ Nhật, 15/09/2013 01:16:00 +07:00

Từ chỗ chỉ được biết đến là chủ thương hiệu Taxi V20, Tân Hoàng Minh đã bất ngờ xuất hiện trên thị trường bất động sản khi chào bán dự án căn hộ “đế vương".

Từ chỗ chỉ được biết đến là chủ thương hiệu Taxi V20 ở Hà Nội và TP.HCM, cái tên Tân Hoàng Minh đã bất ngờ xuất hiện trên thị trường bất động sản vào đầu năm ngoái khi chào bán dự án căn hộ “đế vương” D.’ Palais De Louis có giá lên đến 140 triệu đồng/m2.

Khi những chiếc taxi V20 dần biến mất khỏi đường phố Thủ đô thì cũng là lúc tập đoàn này vươn mạnh qua bất động sản với việc thâu tóm những mảnh đất ở các vị trí đắc địa của Hà Nội.

Thâu tóm đất vàng

Những vụ thâu tóm đất vàng của Tân Hoàng Minh có thể đánh dấu bằng việc cách đây 10 năm, Tân Hoàng Minh đã đề xuất dự án đầu tư, cải tạo công viên Thống Nhất thành trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí lớn nhất Thủ đô. Nhưng kế hoạch này bị phản đối, vì nhiều người lo ngại cảnh quan bị phá nát và giá trị văn hóa, lịch sử của một địa danh đã ăn sâu trong lòng người dân Thủ đô sẽ bị hủy hoại.

Nhưng không vì thế mà Tân Hoàng Minh từ bỏ tham vọng trở thành tập đoàn kinh doanh bất động sản hàng đầu. Kể từ năm 2006, Tập đoàn đã tập trung thâu tóm những mảnh đất có vị trí đắc địa nhất quanh các hồ và công viên của Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Hoàng Cầu, hồ - công viên Nghĩa Tân và công viên Thống Nhất - hồ Bảy Mẫu. Trong số này, có một số khu đất có vị trí rất đẹp như mảnh đất rộng 8.046 m2 tại số 2, phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ; khu đất 2.088 m2 tại khu D9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Ngoại trừ khu đất xây dựng dự án D.’ San Raffles tại ngã tư phố Hàng Bài và Hai Bà Trưng gây ồn ào suốt một thời gian dài, có rất ít thông tin về quá trình thâu tóm các khu đất vàng của Tân Hoàng Minh.

Tư cách chủ đầu tư của Tân Hoàng Minh đối với khu đất 4.791 m2 tại số 6, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy và khu đất 5.363 m2 tại phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa chỉ được biết khi tập đoàn này công bố dự án căn hộ hạng sang D.’ Palais De Louis và D.’Le Pont D’or.

tân hoàng minh
Phối cảnh một góc dự án D.’ Palais De Louis của Tân Hoàng Minh. 
Nhưng việc thâu tóm mảnh đất 4.071 m2 tại ngã tư phố Hàng Bài và Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm lại dai dẳng và tốn kém nhiều công sức và tiền bạc. Mảnh đất này ban đầu được giao cho Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng Nhà Hà Nội. Năm 2009, Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T được thành lập để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại - văn phòng và nhà ở tại khu đất này. Trong đó, Tân Hoàng Minh góp 14% vốn, Công ty Kinh doanh và Xây dựng Nhà Hà Nội góp 80% và hai cá nhân khác, 4%.

Nhưng sau đó, tỉ lệ góp vốn giữa các bên đã thay đổi. Theo đó, Tân Hoàng Minh chiếm tới 90%, đồng nghĩa với việc Tập đoàn đã cơ bản thâu tóm được mảnh đất có vị trí đắc địa này (có 2 mặt tiền và chỉ cách hồ Hoàn Kiếm hơn 100 m).

Mặc dù đã có 15/17 chủ sử dụng đất di dời nhưng Tân Hoàng Minh lại mắc kẹt với 5 hộ dân cuối cùng khi họ kiên quyết phản đối dự án và không thỏa thuận đền bù mặc dù chủ đầu tư chấp nhận trả tới mức 500 triệu đồng/m2.

Sau nhiều lần thương thảo, Công ty Thời đại mới T&T buộc phải chấp nhận đền bù diện tích 52 m2 của 5 hộ dân với số tiền lên đến 37,8 tỉ đồng. Đồng thời, chủ đầu tư hỗ trợ cho một gia đình chính sách thêm 9,2 tỉ đồng, nghĩa là số tiền bỏ ra giải tỏa ở mức kỷ lục, gần 1 tỉ đồng/m2. Nhờ đó, đến tháng 7.2011, Tân Hoàng Minh đã giải tỏa được khu đất và tổ chức động thổ xây dựng dự án cách đây 1 tháng.

Gửi vàng nhầm chỗ?

Vì việc giải tỏa khu đất cho dự án D.’ San Raffles kéo dài, Tân Hoàng Minh đã quyết định đầu tư vào con át chủ bài là khu căn hộ siêu sang D.’ Palais De Louis.

Không chỉ nổi như cồn khi được quảng bá là “Cung điện Versailles giữa lòng Hà Nội” với căn hộ hoàn thiện có nội thất siêu sang và dát vàng, dự án D.’ Palais De Louis còn gây sốc khi chào bán với giá hơn 140 triệu đồng/m2, tức là căn hộ nhỏ nhất cũng có giá 13 tỉ đồng. Khi đó, Tân Hoàng Minh rất tự tin về đầu ra của dự án, cho rằng một bộ phận thu nhập cao trong xã hội luôn có nhu cầu sở hữu căn hộ sang trọng. Tân Hoàng Minh cũng công bố là đã có 39 khách hàng đặt mua vào thời điểm bắt đầu chào bán.

Sự tự tin lúc đó của Tân Hoàng Minh phần nào có cơ sở vì có dự án căn hộ ở trung tâm TP.HCM đã bán được với giá từ 160-200 triệu đồng/m2. Có những biệt thự nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng cũng bán được với giá 20-40 tỉ đồng/căn. Nhưng phần lớn những người làm trong ngành bất động sản đều giữ thái độ thận trọng, nếu không nói là nghi ngờ khả năng bán hàng của D.’ Palais De Louis. Bởi lẽ, với số tiền bỏ ra mua một căn hộ tại dự án này, họ có thể mua được biệt thự rộng 200-300 m2 của Khu Đô thị Ciputra gần đó.

Một nhà môi giới bất động sản nói rằng chỉ những dự án có vị trí độc tôn ở trung tâm thành phố mới hy vọng có giá bán trên 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, dù D.’ Palais De Louis có vị trí đẹp vì nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Huyên và nhìn ra hồ và công viên Nghĩa Tân, nhưng lại không khó kiếm một vị trí tương tự ở gần đó.

Nếu căn hộ D.’ Palais De Louis được xây dựng tại vị trí của dự án D.’ San Raffles thì sẽ bán được với giá cao, thậm chí với giá 200-300 triệu đồng/m2. Nhưng vì D.’ San Raffles lúc đó vướng mắc việc giải tỏa nên Tân Hoàng Minh buộc phải khởi động D.’ Palais De Louis trước. Chiến lược này đã đặt Tập đoàn vào thế khó khi căn hộ không tiêu thụ được mà vẫn phải dốc tiền đầu tư để giữ uy tín cho dự án đầu tay.

Gần đây, Tân Hoàng Minh đã buộc phải xuống nước khi công bố sẽ bán căn hộ D.’ Palais De Louis theo 3 mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây: 60-65 triệu đồng/m2 đối với căn hộ xây thô, 80-85 triệu đồng/m2 đối với căn hộ hoàn thiện nội thất cơ bản và 115-120 triệu đồng/m2 đối với căn hộ hoàn thiện nội thất đầy đủ.

Ngoài việc phải tiếp tục đầu tư một số tiền rất lớn để hoàn thiện dự án D.’ Palais De Louis, gần đây, Tân Hoàng Minh lại tiếp tục “tạo sóng” với khoản nợ 142 tỉ đồng tiền sử dụng đất của dự án D.’ Le Pont D’or mà tập đoàn này động thổ xây dựng hồi đầu năm nay.

Mặc dù Tân Hoàng Minh giải thích là đã được giãn tiến độ nộp tiền, nhưng dù sao việc này vẫn cho thấy khó khăn của Tập đoàn. Không những sẽ phải nộp khoản tiền này trong thời gian tới, Tân Hoàng Minh cũng sẽ phải rót tiền để triển khai xây dựng D.’ Le Pont D’or và D.’ San Raffles trong khi nguồn thu từ việc bán căn hộ lại rất mong manh vì thị trường bất động sản vẫn u ám.

Tiền ra nhiều, tiền vào thì chưa thấy đâu, không biết ông chủ của những căn hộ “đế vương” sẽ đi nước cờ tiếp theo thế nào để thoát cơn bĩ cực.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Bình luận
vtcnews.vn