Chuyện của một sinh viên lọt 'động đa cấp'

Kinh tếThứ Tư, 11/09/2013 12:16:00 +07:00

(VTC News) - Chia sẻ của một sinh viên đã từng "dính bẫy" công ty đa cấp, với mong muốn các bạn sinh viên không bị rơi vào hoàn cảnh tương tự.

(VTC News) - Sau loạt bài "Lừa đảo dân ham làm doanh nhân, Người Khổng Lồ biến học viên thành con nợ", hàng trăm sinh viên đã từng "dính bẫy" công ty đa cấp viết email bức xúc về tòa soạn.

VTC News xin trích đăng thêm một bức thư được bạn Trần Bảo Hòa (Sinh viên trường Đại học Hoa Sen) gửi về tòa soạn, với mong muốn cảnh báo tới các sinh viên, nhất là các tân sinh viên, tránh xa cạm bẫy của các công ty đa cấp.

"Tôi hiện là sinh viên năm 3 của trường Đại học Hoa Sen tại TP.HCM. Sau khi đọc xong bài viết của bạn Nguyễn Quốc Huy về vụ việc “Người khổng lồ”, tôi cảm thấy hoàn toàn bức xúc.

Sau đây tôi xin chia sẻ câu chuyện của mình, mong các bạn sinh viên (nhất là sinh viên năm nhất) không bị rơi vào hoàn cảnh tương tự:

Người Khổng Lồ biến học viên thành con nợ
Đánh trúng tâm lý ham làm doanh nhân, Người Khổng Lồ biến học viên thành con nợ 
Thực ra, hồi thi xong đại học, chuẩn bị lên thành phố, tôi đã được các anh chị sinh viên đi học về cảnh báo: Lên thành phố, nhớ tránh xa kinh doanh đa cấp.

Nghe thế, để đấy, chứ tôi cũng chẳng hình dung ra được kinh doanh đa cấp là thế nào, tại sao mọi người lại phải cảnh báo tránh xa.

Những ngày đầu lên thành phố, với một đứa con gái nhà quê, tôi choáng ngợp trước vẻ phồn hoa, nhịp sống gấp gáp của thành phố.

Cũng như những sinh viên khác năm nhất, tôi rất tò mò, chứng kiến một cuộc sống mới, lạ lẫm và cũng thích được như họ, ở nhà lầu, đi xe hơi, ăn ở những nhà hàng sang trọng, vận những bộ quần áo chỉn chu...

Thế rồi, một ngày, khi tôi được những chị khóa trên rủ rê chuyển đổi SIM điện thoại đang dùng sang SIM đa năng để có thể tự mình làm "bà chủ", chỉ với 300.000 đồng chuyển đổi SIM thường, tôi có thể tự mình kinh doanh được.

Sau chuyển đổi SIM, SIM điện thoại của tôi có thể bắn tiền vào tài khoản người khác nếu họ muốn nạp thể điện thoại gọi, hoặc thẻ games...

Tuy nhiên, tôi không chỉ là "bà chủ" kinh doanh thẻ cào điện thoại mà nhiệm vụ chính của tôi trong "đường dây" này là đi vận động người khác chuyển đổi SIM của họ, và được ăn hoa hồng.

Tuy nhiên, việc này quá với sức của tôi. Sau đó, khi đem chuyện kể với người anh họ, tôi đã bị mắng một trận tơi bời vì đã vô tình dính vào bẫy của một hình thức kinh doanh đa cấp.

Tự nhủ với mình, phải tỉnh táo hơn trong mọi việc, nhất là đừng bao giờ ngu ngơ, tin ngay vào những lời đường mật.

Cứ tưởng, "duyên" với đa cấp của mình đã hết, nhưng không ngờ, hình thức kinh doanh đa cấp xuất hiện khắp nơi, bủa vây mọi phía. Tôi lại vấp vào đa cấp.

Đó là lần đi trên xe buýt, tôi gặp một chị rất xinh đẹp, ăn nói nhẹ nhàng, sau khi bắt chuyện vài câu, chị rủ rê tôi, hỏi có muốn tham gia câu lạc bộ phát triển kĩ năng mềm hay không? Đây sẽ là cơ hội cho những sinh viên mới vào trường như tôi vượt qua chính mình, tự tin trong cuộc sống để thành công.

Thấy hay hay, vả lại tôi cũng là một cô bé nhút nhát, muốn thoát khỏi vỏ bọc của mình, tôi đồng ý đến nơi hẹn vào một chiều Chủ nhật.

Đúng hẹn, tôi đến chỗ hẹn là một quán trà sữa trên đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp). Khi vào quán, tôi được một chị đon đả hỏi han tên tuổi, số điện thoại... Tóm lại là lý lịch trích ngang.

Tôi bắt đầu thấy nghi nghi.

Tiếp sau, tôi được đưa vào một căn phòng rộng chừng 10m2, ở đó, tôi thấy rất đông người, già có, trẻ có, đa số đều ăn vận rất chuyên nghiệp (quần tây đen, áo sơ mi trắng) .

Chúng tôi được chơi những trò chơi tập thể cổ vũ tinh thần, vui vẻ lắm.

 

Bán hàng đa cấp biến hóa khôn lường, ngày càng tinh vi hơn. Các bạn của tôi, có rất nhiều người ôm nợ hay bỏ học vì ham mê bán hàng đa cấp, đến khi tỉnh ra rồi, họ chẳng còn gì cả.


 
Sau khi chơi xong trò chơi, có một anh lên ổn định chỗ ngồi và bắt đầu hỏi những câu hỏi về quê quán.


"Ở đây ai là sinh viên tỉnh lẻ?”, gần như tất cả học viên trong phòng giơ tay.

Tiếp theo, người thanh niên được giới thiệu là "diễn giả" lại hỏi: "Chúng ta là sinh viên tỉnh lẻ, điều kiện thiếu thốn phải nỗ lực, ở đây ai muốn làm chủ? Ai muốn trở thành doanh nhân?”. Dĩ nhiên, tất cả cùng giơ tay.

Hỏi xong, "diễn giả" bắt đầu nói những điều sách vở có trong cuốn "Dạy con người làm giàu"; nào là 95% nhân loại là người làm công, chỉ có 5% là làm chủ, song thực chất 5% đó mới là người quyết định khối tài sản của toàn nhân loại.

Chính vì thế, phải trở nên giàu có… Cầm bằng đại học ra trường cũng chẳng thể xin việc tốt nếu không có các kỹ năng mềm.

"Diễn giả" bắt đầu kể rằng, ngày xưa anh ta cũng khó khăn nhưng từ khi lên thành phố và vào công ty hiện tại anh đã được giúp đỡ rất nhiều và cuối cùng đã thành công(?!).

Khi "diễn giả" hỏi về giấc mơ của các học viên ở đây, đa phần các bạn đều trả lời muốn làm chủ xí nghiệp hay doanh nghiệp. Với câu trả lời như vậy, họ được anh ta khen là có hoài bão, ước mơ.

Tới lượt tôi được hỏi, tôi trả lời chỉ thích làm 1 thư ký hay trợ lý giám đốc. Anh ta hỏi lại: "Em không muốn làm chủ hả?”, Tôi trả lời :“Không ạ”. Vì thế, tôi bị chê là thiếu hoài bão, đam mê…
Chen chúc nhau trong các căn phòng chật hẹp, các học viên Lô Hội ngày ngày sống cảnh thiếu thốn với mộng tưởng một ngày đổi đời
Chen chúc nhau trong các căn phòng chật hẹp, các học viên Lô Hội ngày ngày sống cảnh thiếu thốn với mộng tưởng một ngày đổi đời
Rồi "diễn giả" bắt đầu nói thêm về tương lai tươi sáng nếu tham gia vào công ty.

Không cần đến tấm bằng đại học, anh ta "tiêm" vào đầu bọn tôi rằng: "Học đại học ra cũng thất nghiệp thôi. Nếu vào công ty này sẽ có tương lai tươi sáng".

Khi anh ta nói đến đây, tôi chắc mẩm mình đã lọt vào “động bán hàng đa cấp” vì những điều anh ta đang nói giống hệt vụ SIM đa năng tôi đã kể ở trên.

Buổi giao lưu kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Trước khi ra về tôi còn nhận được một cái lịch hẹn khác tới thẳng công ty vào sáng hôm sau để xem cách thức hoạt động, để xem diễn giả, những người thành công ở công ty thuyết trình về cơ hội làm giàu.

Dẫu biết mình đã lọt vào "động đa cấp" nhưng ham vui và muốn biết thêm, tôi cũng đăng ký tham gia khóa học tiếp.

Sáng hôm sau, tôi có mặt ở công ty trên đại lộ Võ Văn Kiệt (Quận 5), biển hiệu công ty dần dần hiện lên “HOÀNG KIM THẾ GIA”.

Đầu tiên, tôi được giải thích về tên công ty, có nghĩa là một gia tộc giàu có, sau đó là ý nghĩa logo rằng "phải đặt tâm lên chữ tiền” nhưng xin thưa, tôi cảm thấy lạ là logo in hình thỏi vàng đặt trên hoa sen.

Sau đó, chúng tôi xếp ghế ngồi để một ông người Trung Quốc, nói tiếng Việt không sõi giải thích mục đích thành lập công ty, tiếp theo một nam thanh niên tự giới thiệu là phó giám đốc công ty “HOÀNG KIM THẾ GIA”, mặc dù trước kia là một công nhân, lương tháng 3 triệu đồng song từ khi tham gia công ty đã "một bước lên tiên".

Theo chia sẻ của anh phó giám đốc này, giờ mức lương anh ta nhận được là cả chục triệu đồng một tháng. Dĩ nhiên là sinh viên, ai nghe cũng khoái, cũng thích.

Tiếp đến, mọi người có mặt được giới thiệu các mặt hàng của công ty. Nhiều lắm, tôi cũng không nhớ hết được, một số loại như đồng hồ, nước hoa, đồ lót, máy lọc nước… đa thể loại nhưng tất cả đều được bán với giá "trên trời".

Dù các mặt hàng này được giới thiệu là hàng Đức, hàng Pháp….nhưng tôi quan sát thì thấy không hề có nhãn mác trên các sản phẩm. Ngoài ra, so sánh với đồng hồ 50.000 đồng ở chợ Hạnh Thông Tây, tôi cũng thấy chẳng khác gì chiếc đồng hồ ở “gia tộc giàu có”, bán tới 2 triệu đồng.

Họ thuyết phục tôi mua sản phẩm để trở thành nhân viên công ty (?!), giới thiệu người vào sẽ được hoa hồng và đồng thời tăng chức.

Bên cạnh đó, xung quanh họ dán áp phích xem tuổi, xem cung, nhưng đa phần là những câu nói gây tò mò như "Có một cơ hội lớn trong đời bạn, hãy nắm bắt lấy nó" hay "Bạn đã sẵn sàng giàu có”. Đọc tới đó, tôi ngán ngẩm tỏ ý không mua sản phẩm và xin phép đi về.

Thế là, từ chỗ thân thiện họ bắt đầu thô lỗ, chê bai tôi là đứa nhát gan, không dám thử sức. Chẳng còn hơi đâu mà cãi, tôi trốn ra về.

Sau những gì mình đã trả qua với đa cấp, tôi kết luận rằng: Các bạn, dĩ nhiên làm giàu thì ai cũng muốn, nhưng đồng tiền đâu có dễ kiếm. Đừng vì tò mò hay nghe lời dụ dỗ mà phung phí tiền bố mẹ làm ra nhé.

Bán hàng đa cấp biến hóa khôn lường, ngày càng tinh vi hơn. Các bạn của tôi, có rất nhiều người ôm nợ hay bỏ học vì ham mê bán hàng đa cấp, đến khi tỉnh ra rồi, họ chẳng còn gì cả.

Nhân đây, tôi muốn nói với chính quyền địa phương hãy ngăn chặn những hành động của bán hàng đa cấp để sinh viên không bị mất tiền oan".

Trần Bảo Hòa (Sinh viên trường Đại học Hoa Sen)
* Tên sinh viên đã được thay đổi

Bình luận
vtcnews.vn