Đại gia thực phẩm Nestlé dính nghi án chuyển giá

Kinh tếThứ Ba, 13/08/2013 08:03:00 +07:00

Sau 15 năm hoạt động, Nestlé, đại gia thực phẩm - đồ uống Thụy Sĩ mới ghi nhận 4 năm có lãi.

Sau 15 năm hoạt động, đại gia thực phẩm - đồ uống Thụy Sĩ mới ghi nhận 4 năm có lãi. Trong khi đó, hãng lại vừa khánh thành thêm một nhà máy với số vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD.

Báo Đầu tư dẫn nguồn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay từ khi thành lập đến nay, công ty TNHH Nestlé Việt Nam lỗ hơn 30,8 triệu USD, tương đương 20% vốn chủ sở hữu. Việc đại gia thực phẩm - đồ uống này báo lỗ không khỏi gây bất ngờ sau khi hãng vừa có động thái mở rộng hoạt động kinh doanh tại Viêt Nam với việc khánh thành nhà máy trị giá gần 250 triệu USD tại Đồng Nai.
 
Theo báo cáo vừa được công bố đầu tháng 7 của Công ty nghiên cứu thị trường - Nielsen, Nestlé cũng đang dẫn đầu về doanh số trên thị trường cà phê hòa tan của Việt Nam. Kết quả này cũng gây ra nhiều nghi ngờ về khả năng doanh nghiệp lỗ do chuyển giá (chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài), tương tự nhiều "nghi án" đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thời gian qua.
 

Nestlé Việt Nam
Nestlé Việt Nam vừa khánh thành nhà máy mới dù lỗ trong nhiều năm. 
Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Thông tin đối ngoại của Nestlé Việt Nam xác nhận nhận kết quả lỗ nhiều năm của công ty, song cũng cho biết con số được trích dẫn chưa thật sự chính xác. "Chúng tôi đã kiểm tra và nhận thấy những thông tin nêu trên không khớp với những số liệu kê khai tại cơ quan thuế tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, con số lỗ lũy kế là của năm 2012, không phải là tính đến nay", vị này cho hay.
 
Người đại diện này cũng cho biết, kể từ khi nhà máy đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 1999, tức đến nay gần 14 năm thì Nestlé mới có lãi ở Việt Nam được 4 năm (2007, 2008, 2011 và 2012). Tuy nhiên, ông Tuấn nhận định chuyện năm lãi, năm lỗ với một doanh nghiệp là “bình thường”.
 
“Xây dựng nhà máy đòi hỏi phải có thời gian khấu hao, nhất là những năm đầu tiên chưa phát triển. Trong thời gian nhà máy mới xây thì thường bị lỗ, sau đó dần dần khấu hao và thị trường phát triển hơn thì mới có lãi", ông Tuấn phát biểu.
 
Riêng đối với những nghi ngờ về chuyển giá, ông Tuấn khẳng định trong những năm có lãi, công ty đã nộp cho tỉnh Đồng Nai hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Thậm chí, có năm công ty còn được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen là doanh nghiệp "đã chấp hành tốt các chính sách thuế". "Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng nhà máy mới cũng được thực hiện trong giai đoạn Nestlé có lợi nhuận", ông Tuấn nhấn mạnh.
 
Chia sẻ về chiến lược tại Việt Nam, đại diện hãng khẳng định vẫn rất coi trọng thị trường này, vì đây là đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil, đứng đầu thế giới nếu chỉ tính cà phê robusta. "Việc xây dựng nhà máy cà phê mới cũng phản ánh tầm nhìn dài hạn và mong muốn của Nestlé là được tạo thêm giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam trước khi xuất khẩu", ông nói.
 
Trước Nestlé, một số doanh nghiệp FDI cũng thường xuyên báo lỗ như Coca Cola, Adidas… Đây cũng là tình trạng phổ biến ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi báo cáo của Bộ Tài chính vào tháng 3/2013 cho hay, 50% doanh nghiệp FDI đang hoạt động báo lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp khai lỗ liên tục trong 3 năm.
 
Tình trạng doanh nghiệp FDI lỗ, đóng thuế thấp cũng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cảnh báo nhiều lần trong các chương trình tọa đàm về thu hút FDI. Thậm chí, trong chuyến làm việc với đại diện Tập đoàn Coca-Cola tại Mỹ tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng đã nhắc nhở Coca-Cola phải thường xuyên cung cấp thông tin và minh bạch các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả dự án và giữ đúng tiến độ cam kết đầu tư.

Theo Huyền Thư/Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn