Điều gì đang chờ tân Tổng giám đốc VNPT?

Kinh tếThứ Năm, 08/08/2013 06:55:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều vấn đề lớn đang chờ tân Tổng giám đốc VNPT, Trần Mạnh Hùng tìm lời giải đáp.

(VTC News) - Nhiều vấn đề lớn đang chờ tân Tổng giám đốc VNPT, Trần Mạnh Hùng tìm lời giải đáp.

Nội: Đau đầu với bài toán đầu tư

Từng là doanh nghiệp số 1 về viễn thông kể từ khi thị trường này ra đời nhưng tới nay đó chỉ còn là quá khứ đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đặc biệt, giai đoạn 2012 - 2013 đã đánh dấu rõ nét nhất sự đi xuống của tập đoàn này.
Với bộ máy cồng kềnh lên tới 86 doanh nghiệp được đầu tư trực thuộc nhưng có tới quá nửa trong số này hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Tính tới năm 2011, VNPT đã đầu tư 3.273 tỷ đồng vào các đơn vị trên, trong đó có 38 doanh nghiệp thu được tỷ suất lợi nhuận bình quân/vốn là 15,64% (322 tỷ), 28 doanh nghiệp thu được tỷ suất lợi nhuận rất thấp 3,16% (196 tỷ); 20 doanh nghiệp còn lại và các quỹ đầu tư tuy bỏ nhiều vốn nhất (723.8 tỷ) trong thời gian dài từ 3 đến 5 năm, nhưng không thu đuợc lợi nhuận.
vnpt
Ông Trần Mạnh Hùng (áo đen bên trái) giới thiệu hệ thống mạng viễn thông của Hà Nội với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son. 
Không chỉ dừng lại ở đó, theo kết luận của Thanh tra Chính Phủ hồi tháng 7 vừa qua, VNPT đã để xảy ra nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý và sử sử dụng vốn. Tiêu biểu là dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao hết tổng cộng 168.522 tỷ đồng do việc khảo sát và tính toán chưa sát thực tế.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư tuyến cáp quang biển trục Bắc - Nam mặc dù được đầu tư tới gần 3.000 tỷ đồng nhưng đã chậm tiến độ tới gần 10 năm hay dự án dự án Vinasat I, II với tổng mức đầu tư 9.280 tỷ đồng, lỗ vượt dự kiến tới 329 tỷ đồng ...
Chính việc đầu tư không hiệu quả này đã dẫn tới sự sụt giảm lớn về lợi nhuận của VNPT. Nếu như trong năm 2011, lợi nhuận của tập đoàn này đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 6,15% so với năm 2010 thì sang tới năm 2012, con số này chỉ còn là 8.500 tỷ đồng (giảm tới 1.500 tỷ đồng).

Ngay bản thân Chủ tịch VNPT, Phạm Long Trận cũng thừa nhận mô hình tổ chức hiện tại của tập đoàn mình là vấn đề rất lớn, có tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh. 
Trong kế hoạch tái cơ cấu VNPT, tập đoàn viễn thông này cũng đã đặt ra mục tiêu quan trọng nhất là tinh giản và cấu trúc lại bộ máy nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh trong tương lai. Dự kiến tới 2015, VNPT sẽ rút gọn xuống chỉ còn 23 doanh nghiệp được đầu tư vốn cũng như hạn chế đầu tư ra lĩnh vực ngoài ngành.
Tuy nhiên, lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư ngoài ngành vẫn là khá lớn đối với VNPT khi còn số này đạt tới 217 tỷ đồng trong năm 2012. Vì vậy, một trong những vấn đề được ông Trần Mạnh Hùng quan tâm hàng đầu khi lên nhậm chức có lẽ là việc làm sao trong quá trình tái cơ cấu tập đoàn, vẫn phải tìm ra "cửa" để giữ lại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đang kinh doanh có lãi.
"Thù hằn" ngoại
Đã từ chục năm trở lại đây, sự "thù hằn" giữa 2 ông lớn viễn thông VNPT và Viettel không những không suy giảm mà ngày càng nâng lên ở cấp độ mới. Trong khi nhà mạng quân đội ngày càng phát triển mạnh mẽ về cả quy mô lẫn doanh thu thì VNPT lại ngày càng thụt lùi.
Minh chứng tiêu biểu nhất cho nhận định trên thể hiện ngay ở những con số. Trong 6 tháng đầu năm 2013, VNPT cho biết, doanh thu đạt 54.238 tỷ đồng nhưng vẫn còn kém xa so với 72.638 tỷ đồng mà Viettel có được ở quãng thời gian này. Lần lại quá khứ, năm 2012 cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng khi lần đầu tiên doanh thu của Viettel (140.000 tỷ đồng) vượt VNPT (130.000 tỷ đồng) và có mức lợi nhuận gấp hơn 3 lần so với VNPT (27.000 tỷ đồng so với 8.500 tỷ đồng).
vnpt
VNPT và Viettel sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn 
Theo các chuyên gia lý giải, việc VNPT ngày càng tụt hậu so với Viettel có nhiều lý do nhưng một trong những nguyên nhân chính là nằm ở tư tưởng "an phận" của các lãnh đạo cấp cao của VNPT. Đơn cử, trong khi Viettel cùng lúc vừa phục vụ cho thị trường viễn thông nội địa vừa tiến hành thâm nhập vào các thị trường nước ngoài thì VNPT chỉ "co mình" ở Việt Nam, nơi được đánh giá chỉ như một chiếc "ao nhà" đối với một tập đoàn viễn thông tầm cỡ như VNPT.
Theo các chuyên gia lý giải, việc VNPT ngày càng tụt hậu so với Viettel có nhiều lý do nhưng một trong những nguyên nhân chính là nằm ở tư tưởng "an phận" của các lãnh đạo cấp cao của VNPT.
Chính sự can đảm trong hoạt động kinh doanh, lãnh đạo dám nghĩ dám làm dám đổi mới đã mang lại thành công như ngày hôm nay cho Viettel. Liệu với sự thay đổi chiếc ghế "Tổng", ông Trần Mạnh Hùng có mang lại tư tưởng và cách làm mới nhằm giúp VNPT tìm lại "vinh quang" của ngày xưa hoặc hiện hữu nhất là qua mặt Viettel? Có lẽ chỉ có thời gian mới có thể trả lời câu hỏi này.
Tuy nhiên, việc ông Trần Mạnh Hùng là người "cầm lái" chính, chắc chắn việc cạnh tranh giữa VNPT và Viettel sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Bởi đây chính là người thường xuyên có những cuộc tranh luận nảy lửa với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel, trong các cuộc họp về vấn đề cạnh tranh giữa VNPT và Viettel trong những năm 2004 - 2006.
Việc VNPT có thể tìm lại ngôi vị số 1 hay tiếp tục đứng sau Viettel sẽ rất khó để nhận định ở thời điểm này. Tuy nhiên, với sự thay đổi vị trí Tổng giám đốc cho thấy VNPT đã sẵn sàng cho một cuộc chơi sòng phẳng nhằm khẳng định lại vị thế của mình tại thị trường viễn thông Việt Nam

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn