VNPT vẫn có cửa đầu tư ngoài ngành

Kinh tếThứ Ba, 09/07/2013 06:46:00 +07:00

(VTC News) - Trong quá trình tái cơ cấu, tập đoàn VNPT vẫn có cơ hội để giữ lại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đang có hiệu quả.

(VTC News) - Trong quá trình tái cơ cấu, tập đoàn VNPT vẫn có cơ hội để giữ lại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đang có hiệu quả.

Trong đề án tái cơ cấu VNPT từ nay đến 2015, lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này là một trong những nội dung quan trọng nhất. Bởi lĩnh vực trên không chỉ tạo ra nguồn thu lớn cho VNPT mà còn ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp đang cùng hợp tác với tập đoàn trong thời gian qua.
Qua các buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT cho biết sẽ tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là viễn thông, công nghệ thông tin và các dịch vụ liên quan tới viễn thông. Từng bước thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan tới ngành nghề kinh doanh chính và các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả. Từ đó chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính trước năm 2015.
vnpt
Đầu tư ngoài ngành tạo ra nguồn thu không nhỏ cho VNPT 
Tuy nhiên, theo các con số thống kê từ VNPT, nếu tập đoàn này bắt buộc phải chấm dứt tất cả các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là trong đó có cả những lĩnh vực đang hiệu quả sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ, ít nhất là về mặt doanh thu.

Theo đó, trong số 8.500 tỷ đồng doanh thu của năm 2012, lợi nhuận và cổ tức được chia ngoài ngành nghề kinh doanh chính của VNPT đạt tới 217 tỷ đồng.
Được biết, các lĩnh vực mà VNPT đầu tư không phải là ngành nghề kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan tới ngành nghề kinh doanh chính gồm có: Tư vấn khảo sát, thiết kế công trình viễn thông, CNTT & TT; kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng; Ngân hàng, bảo hiểm ....
Vẫn "muốn" đầu tư ngoài ngành
Phía VNPT cho biết từ nay tới 2015, thực hiện đúng đề án, tập đoàn sẽ hạn chế đầu tư ra lĩnh vực ngoài ngành và đặt mục tiêu từ nay tới 31/12/2015 sẽ rút toàn bộ vốn tại 11 doanh nghiệp ngoài ngành cũng như 27 doanh nghiệp được đầu tư vốn nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Ngoài ra, số doanh nghiệp được đầu tư vốn sẽ được thu gọn lại từ 82 xuống còn 23 doanh nghiệp.
Như vậy từ nay tới năm 2015, về cơ bản VNPT sẽ chỉ còn hai doanh nghiệp giữ 100% vốn là: Công ty Thông tin Di động Việt Nam (sở hữu mạng MobiFone) và Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện. Trên 50% vốn chỉ còn duy nhất một công ty là VNPT Technology và dưới 50% vốn sẽ chỉ còn 23 công ty. 
Ngoài ra còn các đơn vị hoạch toán phụ thuộc gồm: Vinaphone, Tổng công ty Hạ tầng mạng, Tổng công ty Dữ liệu truyền thông, Tổng công ty Viễn thông quốc tế, Tổng công ty VNPT Hà Nội, Tổng công ty Tp.HCM, Bưu điện Trung Ương và 61 VNPT các tỉnh thành phố.
Tuy nhiên, khi một số lĩnh vực đầu tư ngoài ngành vẫn đạt được hiệu quả, đại diện VNPT đã đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông cho giữ lại những nguồn đầu tư này. Đây được xem là một trong những điều kiện quan trọng để tập đoàn này duy trì được sự vững mạnh của một tập đoàn kinh tế mũi nhọn. 
Đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên của ban chỉ đạo tái cơ cấu VNPT cho biết, tập đoàn này vẫn có cơ hội để tiếp tục đầu tư ngoài ngành.

Theo đó, VNPT cần giữ lại lĩnh vực đầu tư nào thì cung cấp dẫn chứng cho thấy lĩnh vực này hoạt động hiệu quả cũng như kinh doanh có lãi. Nếu đủ các điều kiện, nhiều khả năng VNPT sẽ vẫn được kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành hiệu quả.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn