Sếp lớn Vina Megastar bị bắt, khách hàng đi về đâu?

Kinh tếThứ Bảy, 06/07/2013 09:46:00 +07:00

Ông Lê Xuân Thắng, Chủ tịch mới của Tập đoàn Vina Megastar cho biết, hiện tập đoàn đang tìm giải pháp để tiếp tục triển khai các dự án đã huy động vốn.

Ông Lê Xuân Thắng, Chủ tịch mới của Tập đoàn Vina Megastar cho biết, hiện tập đoàn đang tìm giải pháp để tiếp tục triển khai các dự án đã huy động vốn của người dân.

Trong thời gian 2009-2011, công ty Cổ phần Tập đoàn Megastar đã thông qua nhiều đơn vị đầu tư thứ cấp phân 5 dự án bất động sản. Cho đến thời điểm này chỉ duy nhất 1 dự án đã hoàn thành xong phần thô, 4 dự án còn lại vẫn nằm trên giấy. Số phần của hàng trăm khách hàng mua nhà giờ không biết sẽ đi về đâu?
 
Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar được biết đến trên thị trường bất động sản năm 2008 với rất nhiều dự án lớn có vị trí đẹp như dự án C2 Xuân Đỉnh (Từ Liêm), dự án chung cư Hesco Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (Hai Bà Trưng, Hà Nội),...
 
Hầu hết, việc phân phối sản phẩm các dự án này đều được chủ đầu tư thông qua các công ty thứ cấp. Công ty thứ cấp này có nhiệm vụ bán hàng, sau đó thu tiền về nộp cho chủ đầu tư.

Dự án Vĩnh Hưng vẫn chỉ là đất trống 
Ngay sau khi ông Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch HĐTV tập đoàn Vina Megastar bị bắt về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, rất nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Vina Megastar rất hoang mang. Họ lo ngại về khả năng sẽ bị mất vốn, lo dự án không thể triển khai.

Ông Lê Xuân Thắng, Chủ tịch mới của Tập đoàn Vina Megastar cho biết, hiện tập đoàn đang tìm giải pháp để tiếp tục triển khai các dự án đã huy động vốn của người dân.
Đối với dự án Vĩnh Hưng tại 406 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Vina Megastar đã huy động 30% giá trị căn nhà. Ngày 5/7, Vina Megastar làm việc với ngân hàng và các đối tác để thu xếp nguồn vốn tiếp tục triển khai.

Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng nên cần phải hoàn tất nhanh tại Sở Xây dựng Hà Nội. Hiện số tiền người dân nộp vào dự án này trên 140 tỷ đồng.

Về dự án HESCO Văn Quán, tại đô thị mới Văn Quán, Hà Đông Hà Nội, Vina Megastar đồng ý với đề xuất của các thứ cấp và người dân thành lập một công ty mới. Theo đó, 30% giá trị căn hộ người dân đã nộp sẽ được chuyển thành trái phiếu công ty, sử dụng cho việc nộp tiền đất, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng mới cho chủ đất cũ.

70% còn lại sẽ được sử dụng vào việc xây dựng tòa nhà. Người dân được kiểm soát dòng vốn và được chia lợi tức từ kinh doanh. Hiện số tiền người dân nộp vào dự án này là trên 200 tỷ đồng.

Mặc dù dự án 181 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội đã huy động vốn của khách hàng, nhưng do chủ trương tạm dừng phê duyệt cho các dự án nhà ở thương mại của Hà Nội đến năm 2014 nên chưa có hướng xử lý cụ thể.

Hiện những dự án này gần như chỉ hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và chưa triển khai được nhiều. Theo những người dân mua nhà tại dự án, họ cần Vina Megastar phải công khai cụ thể số tiền họ góp đã sử dụng vào mục đích gì. Đồng thời, phải công bố thông tin về việc tập đoàn này đã dùng các dự án trên thế chấp tại những ngân hàng nào, số tiền đã vay là bao nhiêu. Người dân sẽ không chịu trách nhiệm về những khoản vay không đúng mục đích của tập đoàn này.

Theo Anh Đào/Vnmedia

Bình luận
vtcnews.vn