Phát triển CNTT Việt Nam: Bài học lớn đến từ Nhật Bản

Kinh tếThứ Sáu, 21/06/2013 07:33:00 +07:00

(VTC News) - Ngành CNTT của Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều từ Nhât Bản, quốc gia hiện nằm trong nhóm dẫn đầu về công nghệ trên thế giới.

(VTC News) - Ngành CNTT của Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều từ Nhât Bản, quốc gia hiện nằm trong nhóm dẫn đầu về công nghệ trên thế giới.

Tại sự kiện ICT Summit 2013 diễn ra vừa qua đã đón tiếp một khách mời đặc biệt là ông Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản và hiện là Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á. Từng là lãnh đạo của quốc gia hàng đầu về công nghệ, ông đã chia sẻ nhiều thành tựu vượt bậc của Nhật Bản khi đặt CNTT là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế.

Hatoyama
Cựu thủ tướng Nhật Bản, Yukio Hatoyama 
Từ một quốc gia kiệt quệ sau chiến tranh, tới nay Nhật Bản đã vươn lên nhóm đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ, điều này đến từ cả yếu tố con người lẫn chính sách quốc gia. Với nhiều điểm tương đồng trong chính sách phát triển trọng tâm vào CNTT, Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ bài học thành công của quốc gia này.

CNTT ảnh hưởng đến cả kinh tế và xã hội
"Sau khi tuyên thệ không bao giờ tiến hành chiến tranh, Nhật Bản đổ nguồn lực vào phát triển kinh tế. Không nói quá rằng chuyên môn công nghệ chính là động cơ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, nhanh chóng biến Nhật Bản thành một trong các nước dẫn đầu công nghệ thế giới", ông Hatoyama cho biết.
Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, bong bóng kinh tế Nhật đã vỡ và để lại rất nhiều khó khăn. Mặc dù ngân sách không tăng nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn tin tưởng vào sự cần thiết của việc liên tục tăng ngân sách cho khoa học và công nghệ. Xem đây là nền tảng của sức mạnh quốc gia, qua đó Luật Khoa học và Công nghệ Cơ bản đã có hiệu lực từ 1995.
cong nghe nhat
Nhật Bản hiện là một trong những nước dẫn đầu về công nghệ trên thế giới 
Mặt khác, để triển khai chính sách có hệ thống theo kế hoạch nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập Kế hoạch Khoa học và Công nghệ Cơ bản. Kế hoạch được làm 5 năm một lần và đang được thực hiện trong lần thứ tư với trọng tâm được đặt vào sáng tạo, đổi mới.
Theo Luật Khoa học và Công nghệ Cơ bản, chính phủ Nhật Bản được yêu cầu có các biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn tài chính phù hợp nhằm triển khai Kế hoạch Khoa học và Công nghệ Cơ bản. Nhờ đó, thậm chí ngay trong các giai đoạn kinh tế khó khăn, ngân sách dành cho khoa học và công nghệ vẫn được tăng đều đặn.
Trong kế hoạch cơ bản lần thứ ba có hiệu lực từ bảy năm trước, bốn lĩnh vực thiết yếu đã được Nhật Bản xác định. Đó là: Khoa học về cuộc sống, công nghệ môi trường, công nghệ và vật liệu nano. Qua đó cũng khẳng định quyết tâm đặt trọng tâm vào thúc đẩy CNTT của quốc gia này.
Ông Hatoyama chia sẻ, để biến Nhật Bản thành quốc gia CNTT hàng đầu, chính phủ đã hình thành chiến lược Nhật Bản điện tử (e-Japan). Qua đó giảm phí truy cập internet còn một phần ba so với trước trong vòng bốn năm trong khi tăng số thuê bao internet tốc độ cao lên tới 20 lần. Nói cách khác, hạ tầng CNTT ở Nhật Bản được triển khai rất nhanh chóng.
Đến năm 2006, khi các mục tiêu chính của chiến lược Nhật Bản điện tử về cơ bản đã được thực hiện, chính phủ đề xuất chiến lược "u-Japan" với mục tiêu chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sáng tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến. Chữ u trong "u-Japan" không chỉ mang ý nghĩa là phổ cập mà còn là phổ quát, hướng đến người dùng và độc đáo. 
Nhật bản sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam
Cựu thủ tướng Hatoyama cho rằng Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn có thể hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực CNTT. Ông cho rằng Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhưng khuyến nghị nước ta nên đồng thời tiến vào chiến lược "Việt Nam điện tử" hướng đến một hạ tầng CNTT sẵn sàng và chiến lược "u-Việt Nam".
Việt Nam cần xác định các vấn đề hiện tại cũng như trong tương lai trên nhiều lĩnh vực nhằm đánh giá xem sử dụng CNTT có ích thế nào, nếu có những lợi ích tiềm năng, các khuôn khổ có thể được tạo ra cho hợp tác giữa khu vực tư nhân và chính phủ để đạt được giải pháp.

Trong các trường hợp nhất định, Nhật Bản sẵn sàng cung cấp các trợ giúp kỹ thuật hoặc hợp tác cùng Việt Nam.
cong nghe nhat
Mô hình giáo dục thực hành của Nhật Bản đáng đề Việt Nam học tập 
Ông Hatoyama chỉ ra rằng, đào tạo số lượng lớn kỹ sư CNTT là hết sức quan trọng cho cả phát triển tương lai của Việt Nam cũng như cho công dân được sống với phong cách tiện nghi thoải mái.

Trong vấn đề này, Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược. Điều quan trọng hiện nay là Việt Nam đầu tư tài nguyên vào phát triển nguồn nhân lực sao cho trong tương lai gần, người dân với chính đôi tay mình có thể hiện thực hóa một xã hội mạng phổ cập. 
Nguyên Thủ tướng Nhật Bản gợi mở Việt Nam nên xem xét hệ thống trường trung học nghề Nhật Bản. Tại Nhật, hệ thống giáo dục bao gồm sáu năm tiểu học, ba năm trung học cơ sở, ba năm trung học kế tiếp và bốn năm đại học. Tuy nhiên, giáo dục chuyên môn tập trung vào kỹ nghệ và công nghệ cũng có cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, với năm năm trung học nghề nhằm đào tạo sinh viên có kỹ năng công nghệ thực hành.
Do các doanh nghiệp muốn thuê nhân công có kỹ năng thực hành nên khoảng 94% sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm và tỷ lệ này là 100% với trung học nghề. Bên cạnh khuyến nghị mạnh mẽ Việt Nam cần thiết lập thể chế giáo dục tương tự, ông Hatoyama khẳng định Nhật Bản sẵn sàng gửi giảng viên sang trợ giúp.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn