Đầu tư gì sinh lãi 170% một năm?

Kinh tếChủ Nhật, 16/06/2013 07:29:00 +07:00

(VTC News) - Danh sách các doanh nghiệp trả cổ tức khủng tiếp tục kéo dài khiến nhà đầu tư choáng váng, trong đó đáng kể nhất là NoibaiCargo với cổ tức 170%.

(VTC News) - Danh sách các doanh nghiệp trả cổ tức khủng tiếp tục kéo dài khiến nhà đầu tư choáng váng, trong đó đáng kể nhất là NoibaiCargo với cổ tức 170%.

Cổ tức “khủng” nhất 170%

Cuối tháng 4, dư luận xôn xao khi hàng loạt doanh nghiệp đua nhau trả cổ tức khủng. Trong đó, mức kỷ lục thuộc về Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) với tỷ lệ 120%. Các doanh nghiệp đứng ngay sau HGM là FPT Online với 80%, Công ty Cổ phần Cảng Đoạn Xá (70%),..

Chỉ sau 2 tháng, danh danh sách này được kéo dài hơn. Điều đáng kể nhất chính là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Nội Bài-NoibaiCargo đã phá vỡ kỷ lục của HGM để thiết lập kỷ lục mới về cổ tức khủng khi chi trả lên tới tỷ lệ 160%.

Trong tờ trình tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, NoibaiCargo gây choáng khi muốn chia cổ tức năm 2012 là 160%, tăng 30% so với kế hoạch trước đó. Và tỷ lệ này còn lên tới 170% trong năm 2013.

tiền mặt
NoibaiCargo lập kỷ lục với cổ tức 160% 
Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG) cũng ghi tên mình vào danh sách các đơn vị mạnh tay trả cổ tức nhất khi chia cho nhà đầu tư tỷ lệ 70% bằng tiền mặt.

Công ty cổ phần Đầu tư Kỹ thuật Điện toàn cầu (GLT) chia cổ tức 2012 là 65%, trong đó 15% trả bằng tiền mặt. Đây là mức chi trả khá cao khi năm 2012, lợi nhuận sau thuế của GLT chỉ đạt 19,5 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Hà Nội (Hancic-HCI) Chi trả cổ tức năm 2012 bằng tiền mặt; Tỷ lệ thực hiện: 48% mệnh giá

Là một  đơn vị nhỏ nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (LHC) lại khiến cổ đông hài lòng khi có 2 đợt tạm ứng cổ tức năm 2012 với tỷ lệ lên tới 50%. Theo kế hoạch năm 2013, tỷ lệ cổ tức của LHC vẫn duy trì ở mức cao, từ 25% đến 50%.

Là một cổ phiếu từng tạo sóng trên sàn chứng khoán, BMC của Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định lại gây được chú ý khi lọt vào top các cổ phiếu có mức cổ tức cao ngất ngưởng. Cụ thể, BMC trình đại hội cổ đông, chi trả cổ tức 50% cho năm 2012. Điều đáng chú ý, theo kế hoạch, con số này chỉ là 30%.

Trong năm 2012, công ty đã thực hiện chi trả cổ tức 2 lần với tỷ lệ lần lượt là 20% và 10%. Như vậy, với mức chi trả này (nếu được thông qua) BMC sẽ phải bỏ ra gần 62 tỷ đồng. Văn bản đề nghị của Hội đồng quản trị, không chỉ rõ chi tiết hình thức chi trả cổ tức 2012 là bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Cổ tức “khủng” có mang lại lợi nhuận cao?

Với mức cổ tức cao, trung bình khoảng 50%, thậm chí lên tới 170%, không ít nhà đầu tư tin rằng đây các cổ phiếu này mang lại cơ hội kiếm lợi nhuận cao.

Anh Nguyễn Tiến Đông, một nhà đầu tư chứng khoán chia sẻ, hàng năm, anh thường có chiến lược săn mua cổ phiếu trả cổ tức cao. Theo anh, không cần cổ phiếu tăng giá, chỉ cần mua cổ phiếu trước khi chốt danh sách cổ đông và bán sau ngày chia cổ tức là có thể kiếm được lợi nhuận cao. Chính vì vậy, thời gian mà anh bỏ vốn đầu tư chỉ mất khoảng 1,2 tháng mà lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lãi ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Duy, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Woori CBV lại có cái nhìn khá thận trọng với việc đầu tư vào cổ phiếu cổ tưc cao. Ông Duy phân tích điều quan trọng là xem mức giá cổ phiếu là bao nhiêu. Cổ tức cao như vậy thường giá hiện tại của các công ty đã tăng mạnh.

Ví dụ, công ty trả cổ tức trên 100% nhưng giá giao dịch đã là 100.000 đồng/CP. Điều đó có nghĩa cố tức thực mà nhà đầu tư nhận được chỉ là 10%. Theo ông Duy, thông thường giá trị của cổ tức cao đã được phản ánh vào giá. Nếu đầu tư vào năm sau may ra còn hợp lý. Còn tại thời điểm bây giờ, mua đuổi cổ tức thì rất khó với một công ty niêm yết.

Với công ty chưa niêm yết, vẫn có thể mua được giá rẻ vì chưa chắc nhiều cổ đông biết thông tin đó vì họ không tham gia đại hội cổ đông, không đọc thông tin. Nhưng ông Duy cho rằng nhà đầu tư khó săn được nhiều cổ phiếu như vậy.

Ông Duy cũng khuyên nhà đầu tư tốt nhất nên tìm hiểu giá trị thực của công ty, tại sao công ty trả cổ tức cao để xem  với mức giá bao nhiêu mua thì hợp lý. Dòng cổ tức là như vậy nhưng nó cần phù hợp với tình hình tài chính của công ty, phù hợp dòng lợi nhuận mà công ty thu được.

Ông Duy đánh giá nhiều công ty trả cổ tức cao chưa hẳn đã tốt vì dòng tiền còn lại của họ rất ít. Họ không có nhiều cơ hội đầu tư thêm ngành của họ hoặc đầu tư sang ngành khác vì đã chia hết tiền. Đến lúc muốn đầu tư họ lại phải di vay.

Theo ông Duy, thường thì công ty cần vốn đầu tư nên không hay trả cổ tức cao. Với các công ty trả cổ tức cao thường cổ đông ít vì mọi người đa phần đều biết giá trị của công ty nên không giao dịch nhiều.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn