Sếp bự ngân hàng: Trẻ vững vàng, già… ‘chạy loạn'

Kinh tếChủ Nhật, 26/05/2013 07:37:00 +07:00

(VTC News) - Trong khi nhiều sếp dày dạn kinh nghiệm liên tục bị rời “ghế nóng” thì không ít sếp trẻ vẫn giữ vững được ví trí của mình.

(VTC News) - Trong khi nhiều sếp dày dạn kinh nghiệm liên tục bị rời “ghế nóng” thì không ít sếp trẻ vẫn giữ vững được ví trí của mình.

Sếp già thi nhau rời “ghế nóng”

Trong hai năm trở lại đây, làn sóng thay “tướng” tại các ngân hàng diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Cách đây chưa tới một tuần, Ngân hàng Đại Á (DaiABank) đưa mình vào danh sách các ngân hàng mạnh tay trảm “tướng”. Cụ thể, sau đại hội cổ đông thường niên tổ chức bất thành hồi đầu tháng 5, Hội đồng quản trị ngân hàng đã ra quyết định cho thôi chức Tổng giám đốc đối với ông Lê Huy Dũng.

Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cũng có xáo trộn nhân sự cao cấp. Từ ngày 1/3, ông Trần Kiên Cường thôi chức Phó tổng giám đốc.

Cuối năm 2012, ngân hàng Kiên Long (KienLong bank) cũng liên tục “trảm tướng”. Sau khi cho nghỉ phó tổng giám đốc Lê Anh, sau chưa đầy 3 tháng làm việc, KienLong bank công bố ông Trương Hoàng Lương sẽ thôi giữ chức vụ tổng giám đốc. Người được bổ nhiệm thay thế ông Lương là ông Phạm Khắc Khoan - phó tổng giám đốc.

Dù không còn giữ được chức vụ tổng giám đốc nhưng cả ông Dũng và ông Lương vẫn gắn bó với các ngân hàng này khi góp mặt trong Hội đồng quản trị. Trong khi đó, ông Cường chuyển sang giữ vai trò Phó bí thư thường trực Đảng ủy Vietinbank.

sếp ngân hàng
Ông Trần Hùng Huy, bà Dương Hoàng Quỳnh Như, ông Trầm Trọng Ngân 
Trong khi đó, nhiều sếp bự ngân hàng dày dặn kinh nghiệm lại chủ động ra đi vì lý do “cá nhân và sức khỏe”.

Ngày 7/2/2013, ngân hàng Đại Tín (TrustBank) phải tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vì toàn bộ 7 thành viên Hội đồng quản trị và 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2009 - 2013 đã từ nhiệm.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng chứng kiến sự dứt áo ra đi của sếp lớn. Sau nhiều năm gắn bó, bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc ngân hàng từ nhiệm vì lý do cá nhân. Và ngay sau đó, bà chuyển về ngân hàng Hảng hải (Maritime Bank) với vai trò Tổng giám đốc Khối ngân hàng doanh nghiệp.

Sacombank cũng phải nhìn ông Trần Xuân Huy gửi đơn xin từ nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quả trị kể từ ngày 25/4/2013 vì lý do cá nhân.

Vẫn còn rất nhiều sếp bự khác của các ngân hàng dứt áo ra đi tìm môi trường mới với nhiều điều kiện hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, cũng có sếp bự phải từ nhiệm trước khi dính vào vòng lao lý như các sếp của ACB và Eximbank.

Sếp trẻ giữ “ghế” trong nghi ngại

Trong khi nhiều sếp dày dặn kinh nghiệm hoặc chủ động, hoặc bị động rời khỏi “ghế nóng” thì một số sếp trẻ tiếp tục giữ được vị trí của mình. Trong đó, nổi bật nhất là ông Trần Hùng Huy, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Á Châu (ACB).

Theo thông tin từ Ngân hàng ACB, sau Đại hội đồng cổ đông ngày 26/4, 11 thành viên Hội đồng quản trị được bầu vào nhiệm kỳ 2013 - 2018. Ông Trần Hùng Huy tiếp tục giữ vị trí chủ tịch trong sự bất ngờ của dư luận.

Trước đó, thị trường xôn xao với sự trở lại đầy ngoạn mục của chuyên gia tài chính kỳ cựu Trần Mộng Hùng, cha ông Trần Hùng Huy. Sau một thời gian “nghỉ hưu”, ông Hùng lại muốn đóng góp cho ACB khi ngân hàng này “nghiêng ngả” vì sự cố bầu Kiên.

Giữ vững ngôi vị cao nhất tại ACB, ông Trần Hùng Huy nhận được sự đánh giá đầy cẩn trọng từ cổ đông. Nhiều cổ đông đã có ý kiến về vấn đề tuyển chọn nhân sự của ngân hàng. Một số bày tỏ e ngại khi ngân hàng để ông Trần Hùng Huy, một người còn rất trẻ tuổi, giữ vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị.

E ngại này của cổ đông không phải không có cơ sở khi ACB đã có một quý hoạt động ít thành công. Lợi nhuận sau thuế quý 1 của ACB chỉ là 307 tỷ đồng, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý, ACB vẫn tiếp nối “truyền thống” lỗ từ vàng. Khoản lỗ từ vàng quý này là 84 tỷ đồng, giảm rất nhiều so với các quý trước đó.

Đại diện của ACB đã lên tiếng “bênh vực” vị Chủ tịch trẻ tuổi của mình. Ông Julian Fong Loong Choon khẳng định vấn đề tuổi tác không giải thích cho sự thông minh. Ngoài ra, lý lịch của ông Huy cho thấy đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại ACB và ngân hàng khác, điều quan trọng cần chú ý là các thành phần trong Hội đồng quản trị.

Một số cổ đông khác bày tỏ ý kiến lo ngại trong Hội đồng quản trị có tới 3 người nhà ông Trần Mộng Hùng khiến ngân hàng mang dáng dấp của mô hình gia đình trị. Tuy nhiên, ý kiến này cũng đã được đại diện ACB giải đáp.

Đứng ở vị trí thấp hơn – Phó tổng giám đốc ngân hàng Sacombank nên bà Dương Hoàng Quỳnh Như ít bị “soi” hơn. Sau một quý khá bình yên, bà Quỳnh Như cũng bình yên với chiếc ghế của mình.

Sinh năm 1981, Trầm Trọng Ngân là cái tên nhạt nhòa so với với cha, đại gia ngân hàng Trầm Bê. Tuy nhiên, ông Trầm Trọng Ngân lại giữ chức vụ quan trọng của ngân hàng Phương Nam - Phó Chủ tịch thường trực.

Trong khi em trai, Trầm Khải Hòa dần rút vốn và rời các vị trí quan trọng trong nhiều công ty ngành tài chính thì ông Trầm Trọng Ngân vẫn hoạt động ở cương vị Phó Chủ tịch thường trực, ngân hàng Phương Nam.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn