Chuyển đổi sang nhà ở xã hội nhiều nhiêu khê

Kinh tếThứ Ba, 19/03/2013 01:54:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều chủ đầu tư đã đồng loạt kêu khó khi thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội ở Hà Nội còn quá nhiêu khê.


(VTC News) – Nhiều chủ đầu tư đã đồng loạt kêu khó khi thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội ở Hà Nội còn quá nhiêu khê, qua nhiều tầng nấc, gây ức chế cho doanh nghiệp.

Tại buổi làm của tổ công tác phối hợp triển khai chiến lược phát triển nhà do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng diễn ra chiều 18/3, nhiều đại diện của các tổng công ty lớn như HUD, Vinaconex, Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng, Viglacera... đều cho rằng việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội quá nhiêu khê.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty GP Invest lấy dẫn chứng, dự án Nam Đô (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) của Công ty ông, muốn xin chuyển đổi diện tích từ 48 căn lên thành 72 căn hộ nhưng phảii mất tới gần 6 tháng mới xong thủ tục.

Trong khi đó,  theo quy định của Bộ Xây dựng, nếu việc chia nhỏ căn hộ không làm thay đổi mật độ, hệ số sử dụng đất, diện tích xây dựng không thay đổi thì doanh nghiệp được phép làm. Nhưng mất nhiều thời gian như thế này, cùng với đó là các thủ tục hành chính phiền hà, lâu la kéo dài, thì doanh nghiệp cũng sẽ mất nhiều thời cơ hơn.

“Tôi cho rằng, vấn đề của bất động sản hiện nay là hàng tồn kho.  Cái thành phố có thể giúp doanh nghiệp chính là tạo điều kiện để tiêu thụ được hàng hóa, đánh trúng vào nhu cầu của người mua nhà và xã hội. Căn hộ diện tích nhỏ vẫn đắt hàng. Mỗi tháng chúng tôi vẫn bán được 30 căn. Vì vậy, cần phải giả bớt các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.

Đồng tình với quan điểm của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, không có lý gì dự án có rồi, diện tích đất cũng đã xác định được rồi mà việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội lại chậm như vậy.

 
Thứ trưởng yêu cầu, tổ công tác phải đẩy nhanh tiến độ làm việc, đầu mối Uỷ ban nhân dân thành phố là Sở Xây dựng Hà Nội, với những dự án trên 500 căn hộ, khi có những vướng mắc cần tháo gỡ ngay thì báo cáo thẳng với Phó Chủ tịch thành phố và lãnh đạo Bộ Xây dựng trực tiếp giải quyết.

Cũng theo Thứ trưởng Nam, đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân có nhu cầu về nhà ở, nếu Hà Nội và Bộ Xây dựng không làm quyết liệt, lòng tin của người dân sẽ bị giảm sút.

“Hiện nay, nhu cầu người ở nhà xã hội của Hà Nội rất lớn, vì vậy trong năm nay phấn đấu xây dựng, chuyển đổi khoảng 10 dự án, trong đó từ nay đến hết tháng Tư tới cố gắng thực hiện từ 5 đến 6 dự án’, Thứ trưởng Nam cho biết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng khẳng định thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư dự án và đang nhận đăng ký chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội.

Đối với một số dự án có tính khả thi, đã được phê duyệt, chấp thuận đầu tư thì sẽ tích cực đẩy nhanh triển khai và không quá cầu toàn, soi xét một số vấn đề thủ tục liên quan không cần thiết. Mục tiêu của thành phố là tạo điều kiện thuận lợi trực tiếp cho doanh nghiệp thì sẽ gián tiếp giảm bớt khó khăn cho đối tượng mua nhà xã hội.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đến thời điểm này đã có 6 chủ đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại 7 điểm trên địa bàn thành phố, với tổng số lượng căn hộ dự kiến cung cấp cho thị trường 1.354 căn, đáp ứng chỗ ở khoảng hơn 4.200 người. Tuy nhiên, những dự án này, cho đến nay vẫn chờ chủ trương chấp thuận của Uỷ ban nhân dân thành phố.

Anh Quân

Bình luận
vtcnews.vn