Gia đình đại gia 'đốt nóng' chứng khoán 2012

Kinh tếChủ Nhật, 30/12/2012 01:22:00 +07:00

Giới đầu tư năm 2012 bất ngờ được tiếp cận với rất nhiều thông tin về các gia đình đại gia, tiếng tăm có, tai tiếng cũng có.

Giới đầu tư năm 2012 bất ngờ được tiếp cận với rất nhiều thông tin về các gia đình đại gia, tiếng tăm có, tai tiếng cũng có. Những biến động của gia đình này khiến chứng khoán nóng lên.


Nổi danh trong bão

Trưa ngày 26/12, với tỷ lệ trúng cử rất cao, ông Trần Mộng Hùng - một gương mặt rất quen thuộc của ACB - đã chính thức trở lại khi trúng cử thành viên HĐQT ngân hàng này. Như vậy, sau 4 năm về hậu trường ông xuất hiện với một hoàn cảnh biến động mới.

Đây là một sự thay đổi sau khi ACB gặp phải những cú sốc liên quan tới Nguyễn Đức Kiên, vụ vỡ nợ Huyền Như và cú thua lỗ do đóng trạng thái vàng.

Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là, sự có mặt trở lại của ông Hùng, ACB lại mang dáng dấp một ngân hàng "gia đình" giống như trường hợp Sacombank của ông Đặng Văn Thành trước đây.

Với sự trở lại của ông Hùng, HĐQT gồm 11 người hiện tại có tới 3 người thuộc gia đình ông, gồm bà Đặng Thu Thủy - vợ ông Hùng và ông Trần Hùng Huy - con trai ông Hùng, hiện đang là Chủ tịch HĐQT.

Ông Trầm Bê 


Diễn biến tại đại hội cổ đông cho thấy, điều mà các cổ đông thực sự lo lắng là các vấn đề đang được giải quyết như vụ bầu Kiên, Huyền Như, vàng. Vấn đề "gia đình trị" với họ không phải là quá khó chấp nhận. Dư luận nhiều người cho rằng, ông Hùng quay trở lại để giúp con trai lèo lái ACB vượt qua khó khăn, nhưng cũng có dự đoán cho rằng, chỉ trong vài tháng tới, khi mà đại hội thường niêm 2013 diễn ra, ông Hùng - người sáng lập ra ACB, sẽ trở vị trí thuyền trưởng.

Với kinh nghiệm 14-15 năm dẫn dắt ACB phát triển trước đó (1994-2008), cùng với sự góp tay của vợ và con trai, vị doanh nhân sinh năm 1953 này đang được kỳ vọng sẽ giúp ACB vượt qua những khó khăn, phục hồi trở lại.

Trong năm 2012, giới đầu tư chứng khoán đón nhận nhiều thông tin về gia đình một đại gia ngân hàng khác là ông Trầm Bê. Cho dù là một người rất kín tiếng, ít khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng hoạt động mạnh mẽ của ông và gia đình trong vụ mua bán, thâu tóm Sacombank đã khiến rất nhiều người quan tâm.

Cũng giống như gia đình ông Trần Mộng Hùng, gia đình ông Trầm Bê nghiệp kinh doanh theo kiểu cha truyền con nối. Với khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh tuyệt vời ở nhiều lĩnh vực như nông-lâm-thủy sản, bất động sản, y tế, tài chính-ngân hàng, chỉ trong vòng khoảng 20 năm, ông Trầm Bê đã nổi lên là một trong những người giàu hàng đầu ở Việt Nam.

Sinh năm 1959, ông Trầm Bê - vốn là người Việt gốc Hoa đã là cổ đông lớn, thậm chí cổ đông sáng lập của nhiều DN tên tuổi như: Xây dựng Bình Chánh, Bệnh viện Triều An, Thủy sản Sơn Sơn, Ngân hàng Phương Nam...

Tuy nhiên, ông và hai người con trai là Trầm Trọng Ngân và Trầm Khải Hòa thực sự nổi tiếng được biết đến không chỉ ở trong lĩnh vực ngân hàng mà rộng rãi trên cả thị trường chứng khoán và một số lĩnh vực khác trong năm 2012 khi dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực tài chính với vụ thâu tóm Sacombank đình đám.

Có thể thấy, với những bước tiến kinh doanh vững chắc trong từng ngành nghề, gia đình ông Trầm Bê đang mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng lớn trong mảng tài chính với quyền uy trong ngân hàng lớn hàng đầu trên phạm vi cả nước Sacombank.

Vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam mà ông Trầm Bê bỏ lại cũng đã được trám vào bởi con trai mình, ông Trầm Trọng Ngân.

Trên thị trường chứng khoán năm 2012, giới đầu tư cũng chứng kiến thông tin tràn ngập về một số gia đình doanh nhân quyền thế như: Sự trở lại FPT của ông Trương Gia Bình (thay cho cháu Trương Đình Anh); gương mặt bà chị giàu có của ông Bình và cũng là mẹ chồng của hoa hậu Jennifer Phạm; vợ chồng ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG); gia đình ông Trần Lệ Nguyên với đại gia bánh kẹo Kinh Đô; gia đình ông Bình Sudico với con trai được cho là chồng sắp cưới siêu mẫu Ngọc Thạch; gia đình một số đại gia ở Masan, Vingroup...

Khó khăn, vận hạn

Cũng trong năm 2012, cùng với những thăng trầm của nền kinh tế, của thị trường chứng khoán không ít gia đình nhiều doanh nhân nổi tiếng đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vận hạn.

Trường hợp nổi bật nhất có lẽ là gia đình ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank. Vị doanh nhân từng 20 năm xây dựng và điều hành một trong những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam này đã đổ bệnh trong những ngày cuối năm 2012 sau một loạt những sóng gió, bão tố đến với Sacombank trong cả năm qua.

 Ông Đặng Thành Tâm

Quyết định khó khăn nhất, với ông Đặng Văn Thành, có lẽ là lá đơn từ nhiệm vị trí trí thành viên HĐQT Sacombank, sau khi đã rút khỏi vị trí Chủ tịch trong 3 ngày đầu tháng 11/2012. Chỉ hơn một tháng sau đó, đại diện cuối cùng của nhà họ Đặng là ông Đặng Hồng Anh - con trai ông Thành cũng đã được chấp nhận nguyện vọng từ nhiệm thành viên HĐQT với lý do cá nhân, cho dù ông Thành và ông Hồng Anh tổng cộng vẫn nắm giữ gần 8% cổ phần STB.

Những sự thay đổi và biến cố đối với gia đình ông Đặng Văn Thành không chỉ dừng lại ở đó. Gần đây nhất, con gái ông Đặng Văn Thành là Đặng Huỳnh Ức My (1981) thôi chức CEO Thành Thành Công vì sức khỏe yếu muốn tĩnh dưỡng một thời gian.

Không chỉ mảng ngân hàng, mảng BĐS năm 2012 cũng chứng kiến những gia đình doanh nhân được thông tin liên tục và đa chiều, nhưng có lẽ chủ yếu vẫn là những khó khăn mà họ gặp phải.

Đình đám nhất có lẽ vẫn là gia đình của doanh nhân trẻ Quốc Cường, với biệt danh nổi tiếng Cường đô-la, con trai bà chủ Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Thị Như Loan. Năm nay, cho dù không tham gia vào đại hội siêu xe Car Passion, nhưng tiếng tăm của thiếu gia này gắn với ca sĩ Hồ Ngọc Hà vẫn không hề suy giảm. Cường đô-la hiện vẫn sở hữu bộ sưu tập siêu xe đắt tiền, được báo chí nước ngoài nhắc tới, không hề thua kém một thiếu gia Trung Đông.

Trong khi đó, Tập đoàn QCG lại nổi tiếng ở một khía cạnh khác, thiếu tiền, thua lỗ, hàng tồn cao ngất trời, dự án sai phạm... Quý III/2012, QCG tiếp tục điệp khúc lỗ với mức 468 triệu đồng.

Một gia đình cũng được "quan tâm" rất nhiều là nhà ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC). Trong năm 2012, có rất nhiều biến động trong hoạt động đầu tư của gia đình ông Tâm.

Gần nhất, vợ ông Đặng Thành Tâm đã đăng ký thoái vốn khỏi Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt. Đây là động thái tiếp theo của quá trình thoái vốn khỏi ngân hàng của gia đình ông Tâm.

Trước đó, khoảng 3 tuần, ông Tâm nhường ghế Tổng giám đốc KBC cho bà Nguyễn Thị Thu Hương sau khi KBC và Tổng công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (SGT) đồng loạt thoái vốn tại ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) - một trong những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước.

Trong các gia định vận hạn, không thể bỏ qua gia đình bà Diệu Hiền với sự đổ vỡ của Bianfishco. DN mực nợ hàng ngàn tỷ, bà chủ đổ bệnh phải đi Mỹ chữa trị. Tất cả dường như đã mất hết nhưng may thay nỗ lực tái cơ cấu đã cứu được Bianfishco nhưng nó không còn là của nhà bà Diệu Hiền. Những cổ đông mới đã nắm phần lớn quyền chi phối và tất cả các vị trí quan trọng. Bianfishco gắn với bà Diệu Hiền chỉ còn là một dĩ vãng.

Theo VEF
Bình luận
vtcnews.vn